(VOV5) - Trước những diễn biến và hệ lụy khôn lường của đại dịch Covid-19, trẻ em Việt Nam, được xem là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất.
Trong những năm qua, công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em luôn được Đảng, Nhà nước và toàn xã hội quan tâm, được coi là một trong những chính sách ưu tiên hàng đầu để bảo đảm an sinh xã hội, vì mục tiêu phát triển ổn định và lâu dài của đất nước.
Học sinh trường Tiểu học Xuân Phương (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) xếp hàng lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 trong ngày 31/1/2021. Ảnh: baotintuc.vn |
Sau khi Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị 20-CT/TW ngày 5/11/2012 về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới”, Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực trẻ em ở Trung ương và cấp ủy, chính quyền các địa phương đã kịp thời thể chế hóa và triển khai tổ chức thực hiện tích cực, hiệu quả. Điển hình là Quốc hội đã thông qua Luật Trẻ em, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình bảo vệ trẻ em giai đoạn 2016-2020, Kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em giai đoạn 2020-2025 và Chỉ thị về “Tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em”. Hệ thống pháp luật, các chính sách về trẻ em nói chung, công tác bảo vệ trẻ em nói riêng tiếp tục được rà soát, sửa đổi, bổ sung, từng bước hoàn thiện, bước đầu giải quyết khá tốt một số vấn đề về trẻ em, đáp ứng yêu cầu về bảo vệ trẻ em trong tình hình mới.
Trên cơ sở định hướng, lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành Trung ương và cấp ủy, chính quyền các địa phương triển khai thực hiện khá kịp thời, hiệu quả các chủ trương, chính sách chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Nhờ đó, công tác chăm sóc, giáo dục vàbảo vệ trẻ em ở Việt Nam đã đạt những kết quả quan trọng. Tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt đã giảm còn 5%; 80% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp, chăm sóc để phục hồi, hòa nhập cộng đồng và có cơ hội phát triển. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, đặc biệt là phòng, chống xâm hại trẻ em; phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước trẻ em đã được triển khai với nội dung và hình thức phong phú. Các chương trình, đề án bảo vệ trẻ em, nhất là cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt đã được quan tâm chỉ đạo, đầu tư và huy động được các nguồn lực xã hội để hỗ trợ. Công tác bảo trợ, can thiệp, bảo vệ đối với trẻ em bị xâm hại, trẻ em có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt đã từng bước được nâng lên. Hệ thống cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em đã được quan tâm củng cố, đầu tư cả về cơ sở vật chất và hoạt động. Toàn quốc hiện có 146 cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, 40 trung tâm công tác xã hội cấp tỉnh, 11.039 điểm tham vấn tại trường học, 6.323 điểm tham vấn cộng đồng. Bên cạnh đó còn có hàng trăm cơ sở trợ giúp xã hội thuộc ngành lao động quản lý và trung tâm công tác xã hội trong các bệnh viện tham gia cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em.
Trong diễn biến và hệ lụy khôn lường của đại dịch Covid-19 hiện nay, trẻ em Việt Nam tiếp tục được xem là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất, cần được xã hội đặc biệt quan tâm chăm sóc, bảo vệ. Nhằm truyền thông nâng cao nhận thức về quyền trẻ em, bảo vệ, chăm sóc trẻ em trong đại dịch; đồng thời hỗ trợ trẻ em bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, Tháng hành động vì trẻ em năm 2021 tập trung vào chủ đề: “Chung tay bảo đảm thực hiện quyền trẻ em, bảo vệ trẻ em trong thiên tai, dịch bệnh”. Hưởng ứng Tháng hành động, Ủy Ban Dân số, Gia đình và Trẻ em - Bộ Quốc phòng, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch; Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Hiệp hội an toàn thông tin Việt Nam và một số bộ, ngành liên quan tổ chức cuộc thi Học sinh với An toàn thông tin (tháng 6/2021); Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức Chương trình khai mạc hè, hưởng ứng Tháng hành động Vì trẻ em năm 2021 và ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6. Đặc biệt, công tác truyền thông về kiến thức, kỹ năng phòng, chống xâm hại trẻ em; phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em; bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; tuyên truyền về Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (111) tới gia đình, cộng đồng xã hội và trẻ em được tăng cường.
Với phương châm hành động "Không một ai bị bỏ lại phía sau", đối tượng phụ nữ và trẻ em Việt Nam đã được ưu tiên chăm sóc hơn cả trong chương trình phòng chống đại dịch Covid-19 của Chính phủ. Trong số nhiều biện pháp, chính sách về an sinh xã hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã chú trọng triển khai kịp thời, giải quyết hiệu quả những vấn đề của trẻ em, các bậc phụ huynh và giáo viên trong bối cảnh giãn cách xã hội. Những quyết sách, quyết định kịp thời, đủ mạnh, phù hợp đó đã bảo vệ và chăm sóc tốt hơn, giúp trẻ em và các đối tượng yếu thế khác vững vàng vượt qua đại dịch.