(VOV5)- Bất chấp sự phản ứng của cộng đồng quốc tế cũng như lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc, ngày 9/9 vừa qua, CHDCND Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 5 và cũng là vụ thử hạt nhân mạnh nhất từ trước tới nay. Diễn biến mới này đã làm gia tăng căng thẳng khu vực hơn 10 ngày nay đồng thời cho thấy những giải pháp nhằm ngăn cản việc phát triển vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên không phát huy hiệu quả như mong muốn.
|
Một trong số hàng loạt vụ thử tên lửa của Triều Tiên - Ảnh: Reuters/KCNA |
Vụ thử hạt nhân sáng 9/9 là vụ thử hạt nhân lần thứ 5 từ trước đến nay và là vụ thử thứ 2 kể từ đầu năm 2016 của CHDCND Triều Tiên. Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) cũng đưa tin cuộc thử nghiệm xác nhận đầu đạn hạt nhân mới có thể gắn được lên tên lửa.
CHDCND Triều Tiên liên tục thử tên lửa và hạt nhân
Phó giám đốc Chương trình châu Á tại Hội đồng quan hệ quốc tế châu Âu, Mathieu Duchatel, cho biết Mỹ và Hàn Quốc ráo riết thảo luận về dự án thiết lập hệ thống phòng thủ chặn tên lửa THAAD trên lãnh thổ Hàn Quốc. Một khi đi vào hoạt động, hệ thống này sẽ giám sát chặt chẽ hơn các cơ sở hạt nhân CHDCDN Triều Tiên. Đây là một trong những lý do khiến CHDCND Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 5. Ngoài ra, vụ thử còn nhằm gây áp lực lên chính giới các nước, nhất là Mỹ, trong việc thay đổi lập trường. Washington cho đến giờ không đàm phán trực tiếp với Bình Nhưỡng trừ khi quốc gia này chịu từ bỏ tham vọng hạt nhân. Theo Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Triều Tiên, vụ thử hạt nhân là phản ứng đáp trả cần thiết cái gọi là “nguy cơ hạt nhân từ Mỹ”. CHDCND Triều Tiên sẽ nỗ lực tăng cường sức mạnh hạt nhân cả về “chất lượng và số lượng”. Chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng sẽ đóng vai trò sống còn trong chiến lược an ninh quốc gia. Sau vụ thử, Bình Nhưỡng, ngày 11/9, cũng đã yêu cầu Washington công nhận CHDCND Triều Tiên là nhà nước sở hữu vũ khí hạt nhân.
Việc CHDCND Triều Tiên tiến hành thử hạt nhân lần thứ 5 còn vì Bình Nhưỡng ý thức được việc phải đảm bảo an ninh khi Bắc Kinh không còn là đồng minh gắn bó như trong quá khứ. Tại HĐBA LHQ, Trung Quốc đã từng biểu quyết thông qua các biện pháp trừng phạt CHDCND Triều Tiên.
Động thái thử hạt nhân lần thứ 5 của CHDCDND Triều Tiên khiến các nước láng giềng hết sức quan ngại và tìm cách tăng cường an ninh. Hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc ngày 19/9 cho biết nước này và Mỹ sẽ tìm cách xây dựng chiến lược răn đe 3 giai đoạn để đối phó với CHDCND Triều Tiên tại cuộc hội đàm an ninh cấp cao dự kiến được tiến hành vào tháng 10 tới. Theo đó, các động thái quân sự sẽ được áp dụng để đối phó với các mối đe dọa hạt nhân đang gia tăng của CHDCND Triều Tiên trong 3 giai đoạn là đe dọa tấn công hạt nhân, sắp sử dụng vũ khí hạt nhân và tấn công hạt nhân thực sự. Ngoài ra, quân đội Hàn Quốc đã quyết định kích hoạt đầy đủ chiến lược răn đe tích cực của mình, cả quân sự lẫn phi quân sự, để đối phó với các hành động khiêu khích mà CHDCND Triều Tiên có thể thực hiện bằng vũ khí hủy diệt hàng loạt, tấn công theo khu vực và chiến tranh thực sự.
Quốc tế tiếp tục tìm giải pháp ngăn chặn tham vọng hạt nhân của CHDCND Triều Tiên
Việc Bình Nhưỡng thử hạt nhân lần thứ 5 trở thành chủ đề được đề cập nhiều ngay trong kỳ họp cấp cao Đại hội đồng LHQ lần thứ 71 đang diễn ra từ 19 – 26/9, tại New York cũng như trong các cuộc gặp song phương giữa lãnh đạo nhiều quốc gia bên lề kỳ họp. Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã đồng ý tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực nhằm đạt được mục tiêu phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên, bao gồm cả việc đẩy mạnh hợp tác trong khuôn khổ Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và các kênh thực thi pháp luật khác nhằm vào CHDCND Triều Tiên. Mỹ cũng hối thúc Trung Quốc hành động nhiều hơn nữa để kiềm chế CHDCND Triều Tiên. Washington cho biết sẵn sàng thương lượng với Bình Nhưỡng nếu nước này cam kết từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân. Ngoài ra Mỹ và Trung Quốc cũng đã khởi động các cuộc thảo luận về khả năng ban bố một nghị quyết trừng phạt của Liên hợp quốc nhằm đáp trả vụ thử hạt nhân nói trên của CHDCND Triều Tiên.
Tuy nhiên có lẽ trừng phạt hay cô lập CHDCND Triều Tiên không đem lại hiệu quả như mong muốn vì thực tế không thể làm Bình Nhưỡng thay đổi tham vọng phát triển tên lửa đạn đạo cùng vũ khí hạt nhân. Người phát ngôn Bộ ngoại giao CHDCDN Triều Tiên tuyên bố việc Mỹ tìm cách thúc đẩy các biện pháp trừng phạt sau khi Bình Nhưỡng tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 5 là điều nực cười, đồng thời khẳng định sẽ tiếp tục tăng cường sức mạnh hạt nhân của mình.
Theo giới phân tích, các biện pháp trừng phạt CHDCDND Triều Tiên dù chưa hiệu quả song nhiều khả năng cộng đồng quốc tế không còn lựa chọn nào khả dĩ hơn ngoài việc tiếp tục trừng phạt mạnh hơn nữa. Tuy nhiên, về lâu dài, cả CHDCDN Triều Tiên và những quốc gia liên quan cần cùng có sự nhượng bộ để đi đến đàm phán trong vấn đề hạt nhân.