(VOV5) - Trong bối cảnh kinh tế khó khăn nhưng Việt Nam vẫn giảm được tỷ lệ đói nghèo và đảm bảo an sinh xã hội. Đây là kết quả không nhỏ của các chương trình mục tiêu quốc gia được thực hiện trong 3 năm qua. Đánh giá về kết quả này, các đại biểu tham dự kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XIII ghi nhận hiệu quả tích cực của các chương trình đồng thời cho rằng trong thời gian tới, Việt Nam nên ưu tiên đầu tư cho một số chương trình trọng điểm với sự tập trung cao hơn.
|
Chương trình mục tiêu quốc gia tập trung đảm bảo an sinh xã hội |
Chương trình mục tiêu quốc gia giúp Việt Nam đảm bảo an sinh xã hội
Việt Nam hiện có 16 Chương trình mục tiêu Quốc gia ở nhiều lĩnh vực. 3 năm qua, từ 2011 đến 2013, tổng ngân sách Nhà nước và nguồn vốn ODA bố trí các chương trình mục tiêu quốc gia đạt khoảng hơn 80 nghìn 200 tỷ đồng, bằng hơn 33% kế hoạch cả giai đoạn 2011 – 2015. Các chương trình này đã giúp Việt Nam thực hiện được nhiều mục tiêu an sinh xã hội và mục tiêu thiên niên kỷ, tạo ra những điều kiện để xóa đói, giảm nghèo, cải thiện chất lượng cuộc sống của nhân dân những vùng kinh tế khó khăn.
Đánh giá về sự quan tâm của Chính phủ về chính sách xã hội, bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh, ghi nhận: "Những kết quả đạt được trong 3 năm qua là rất đáng kể và có ý nghĩa rất quan trọng. Vấn đề an sinh xã hội luôn được Đảng, Chính phủ, Quốc hội quan tâm. Tuy kinh tế có khó khăn, GDP giảm nhưng đầu tư cho an sinh xã hội vẫn được chú trọng hơn, đời sống của người dân cũng đã được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo hàng năm đều giảm và giảm với tỷ lệ cao ở các huyện nghèo. Tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội tăng, đối tượng hưởng trợ cấp xã hội được mở rộng, một số chính sách hỗ trợ chi phí học tập, hỗ trợ gạo cho học sinh nghèo, học sinh là dân tộc thiểu số đã được thực hiện”.
Thu hẹp các chương trình mục tiêu quốc gia để tăng hiệu quả đầu tư
Dù đã đạt được một số kết quả song nhiều đại biểu cũng cho rằng còn nhiều vấn đề tồn tại trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. 16 chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó nhiều chương trình có chức năng, nhiệm vụ trùng lặp với nhiệm vụ thường xuyên mà các bộ, ngành phải làm. Do đó, để các chương trình mục tiêu quốc gia đạt hiệu quả cao hơn, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng cần phải xem xét lại việc lựa chọn các chương trình mục tiêu quốc gia. Cụ thể là cần thu hẹp các chương trình hoặc các dự án thành phần, chỉ nên đầu tư có trọng tâm, trọng điểm.
Ông La Ngọc Thoáng, đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng, nêu ý kiến: "Cần rà soát lại tất cả mục tiêu của mỗi chương trình và điều chỉnh giảm bớt, lồng ghép các chương trình cho phù hợp với điều kiện về nguồn lực. Điều chỉnh tỷ trọng vốn, tăng chi cho đầu tư phát triển đặc biệt là hạ tầng cơ sở như giao thông, trường học, trạm y tế, giảm chi cho sự nghiệp. Phải linh hoạt trong cách tiếp cận mỗi vùng, miền để chương trình đạt hiệu quả cao nhất”.
Tán thành với ý kiến này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh khẳng định: “Trước mắt Chính phủ giữ nguyên 16 chương trình này. Thứ 2 là cắt giảm chương trình thành phần và thu hẹp các mục tiêu cho tương thích với nguồn lực và thực tiễn của chúng ta. Trong năm 2014-2015 không cho khởi công các dự án mới mà chỉ tập trung bố trí hoàn thành các dự án cũ. Sau năm 2015 sẽ bàn lại theo hướng sẽ lồng ghép lại tất cả chương trình mục tiêu quốc gia”.
Đáng chú ý, từ năm 2016, Chính phủ sẽ xem xét để lại 2-3 chương trình quan trọng và hiệu quả, trong đó có chương trình Xóa đói giảm nghèo và Nông thôn mới. Ông Hoàng Đăng Quang, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình, nêu ý kiến: "Tôi nhất trí với Chính phủ là trong điều kiện kinh tế khó khăn vẫn phải ưu tiên nguồn lực để phát triển nông nghiệp, nông thôn. Chính vì vậy tôi đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm tăng mức đầu tư cho nông nghiệp, có chính sách để khuyến khích người nông dân tâm huyết với đồng ruộng. Đồng thời đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tập trung vào các thể chế chính sách tiêu thụ nông sản, kích thích sản xuất, bảo hộ sản phẩm đầu ra, chính sách về giá cả vật tư nông nghiệp hợp lý".
Tăng quyền chủ động cho địa phương
Để các chương trình mục tiêu quốc gia triển khai có hiệu quả, Chính phủ cũng sẽ giao quyền chủ động nhiều hơn cho các địa phương, bớt đi sự can thiệp của các bộ ngành để các địa phương được toàn quyền chủ động và tự chịu trách nhiệm trước các mục tiêu đặt ra.
Với việc đẩy mạnh thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia trong giai đoạn tới theo trọng tâm, trọng điểm, sẽ góp phần phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo, đặc biệt là giảm nghèo bền vững./.