(VOV5) - Chính quyền Tổng thống Biden thời gian qua nhiều lần tuyên bố và thể hiện bằng hàng loạt hành động cứng rắn nhằm vào Nga, trong khi Moscow cũng đáp trả mạnh mẽ.
Ngày 9/6 (giờ Mỹ), Tổng thống Mỹ Joe Biden bắt bắt đầu chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi nhậm chức hồi tháng 1 năm nay. Đích đến của chuyến thăm kéo dài 8 ngày này là châu Âu với hàng loạt nghị sự quan trọng.
Với lịch trình thăm lần lượt tới Anh, Bỉ và Thụy Sĩ, chuyến công du của Tổng thống Biden nhằm nhiều mục đích, đứng đầu là củng cố lại mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương vốn bị suy yếu dưới thời chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump và tái định hình quan hệ với Nga.
Tổng thống Mỹ Joe Biden và phu nhân đáp xuống sân bay bên trong căn cứ quân sự RAF Mildenhall, Anh, ngày 9/6. Ảnh: AP |
Củng cố quan hệ xuyên Đại Tây Dương
Trả lời báo chí về mục đích của chuyến công du ngay khi rời Nhà Trắng, Tổng thống Biden khẳng định đây là cơ hội biểu thị sức mạnh của quan hệ đồng minh xuyên Đại Tây Dương.
Ngày 10/6, Tổng thống Mỹ Biden có cuộc gặp trực tiếp đầu tiên với Thủ tướng Anh Boris Johnson, sự kiện được xem là cơ hội để làm mới mối quan hệ "đặc biệt" Anh-Mỹ sau khi Anh chính thức rời Liên minh châu Âu (EU) từ ngày 1/1/2021. Phát biểu trước cuộc gặp, Thủ tướng Anh Johnson đã so sánh cuộc gặp này với cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử 80 năm trước giữa Thủ tướng Anh Churchill và Tổng thống Mỹ Roosevelt.
Người đứng đầu Chính phủ Anh nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ đồng minh Anh-Mỹ trong việc đối phó với những thách thức chung và tương lai của sự ổn định và thịnh thượng của thế giới. Bên cạnh cuộc gặp thượng đỉnh này, nghị sự 3 ngày ở Anh của Tổng thống Mỹ Biden còn bao gồm việc tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền công nghiệp phát triển nhất thế giới (G7) diễn ra tại vùng England.
Tổng thống Biden phát biểu trước các binh sĩ Mỹ đồn trú tại căn cứ RAF Mildenhall, Anh, ngày 9/6. Ảnh: AP |
Tại chặng dừng chân thứ hai là Bỉ, Tổng thống Biden dự kiến họp với lãnh đạo của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) với nội dung thảo luận dự kiến xoay quanh những thách thức chung và vấn đề chia sẻ chi phí quốc phòng trong NATO. Tiếp đó, người đứng đầu Nhà Trắng tham dự hội nghị thượng đỉnh Mỹ- EU. Theo dự thảo tuyên bố chung được chuẩn bị cho hội nghị này, Mỹ và EU cam kết tăng cường hợp tác trong hàng loạt vấn đề, từ ứng phó đại dịch Covid-19 cho đến đối phó biến đổi khí hậu, cũng như xác định các lĩnh vực chính mà hai bên sẽ thúc đẩy hợp tác xuyên Đại Tây Dương trong việc hạn chế biến đổi khí hậu. Ngoài ra, hai bên cũng sẽ cam kết dỡ bỏ thuế thép trước ngày 1/12/2021 và tránh để xảy ra thêm các tranh chấp thương mại xuyên Đại Tây Dương như trong giai đoạn trước.
Không khó để nhận ra rằng, tại hai điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến thăm châu Âu lần này của Tổng thống Mỹ, nghị sự trọng tâm và bao trùm chính là củng cố mối quan hệ giữa Mỹ và các đồng minh truyền thống ở châu Âu theo tinh thần “Nước Mỹ trở lại”, trái ngược hẳn với tôn chỉ “Nước Mỹ trên hết” dưới thời Tổng thống tiền nhiệm Donald Trump. Trong khi đó, ở chặng dừng chân cuối cùng là Thụy Sỹ, Tổng thống Joe Biden dự kiến có cuộc gặp trực tiếp đầu tiên với Tổng thống Nga Vladimir Putin, sự kiện được đánh giá là sẽ giúp định hình mối quan hệ giữa hai cường quốc trong tương lai.
Tái định hình quan hệ với Nga
Theo kế hoạch, cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Mỹ diễn ra vào ngày 16/6, được coi là một phần quan trọng trong chuyến công du của Tổng thống Mỹ. Đây đồng thời là cơ hội để hai cường quốc trao đổi trực tiếp về những khúc mắc và những vấn đề gây căng thẳng trong quan hệ hai nước thời gian qua. Trong quá trình chuẩn bị cho cuộc gặp, giới chức Mỹ nhiều lần tuyên bố muốn tái xác lập quan hệ với Nga. Trả lời phỏng vấn truyền hình CNN ngày 22/5 vừa qua, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken kêu gọi một mối quan hệ ổn định và “dễ dự đoán” hơn với Nga. Theo Ngoại trưởng Blinken, có những lĩnh vực hợp tác mang lại lợi ích cho cả Nga và Mỹ bao gồm Afghanistan, kiểm soát vũ khí và biến đổi khí hậu.
Giới quan sát thấy rằng, Chính quyền Tổng thống Biden thời gian qua nhiều lần tuyên bố và thể hiện bằng hàng loạt hành động cứng rắn nhằm vào Nga, trong khi Moscow cũng đáp trả mạnh mẽ, nên cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Mỹ lần này khó có thể tạo ra đột phá lớn. Mặc dù vậy, hầu hết các ý kiến đều nhìn nhận đây là một cuộc gặp gỡ quan trọng vì nó giúp xác định xu hướng quan hệ giữa hai cường quốc trong tương lai, bất luận kết quả thực tế ra sao.