(VOV5) - Đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên tới Canada của Tổng thống Biden kể từ khi ông nhậm chức hồi năm 2021
Đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên tới Canada của Tổng thống Biden kể từ khi ông nhậm chức hồi năm 2021vừa kết thúc chuyến thăm chính thức Canada trong 2 ngày. Tuyên bố chung được hai nhà lãnh đạo đưa ra là 2 nước sẽ cùng nhau viết nên tương tai, cam kết hợp tác trong hàng loạt vấn đề, bao gồm di cư, quốc phòng và an ninh. Không chỉ củng cố mối quan hệ đồng minh, chuyến đi của Tổng thống Mỹ tới Canada còn đem đến những tín hiệu tích cực cho tương lai khu vực.
Tổng thống Mỹ, Joe Biden (trái), giao lưu với Thủ tướng Canada, Justin Trudeau, tại Hạ viện Canada, ở Ottawa, Ontario, Canada, ngày 24/3/2023. Ảnh: Blair Gable/Reuters |
Đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên tới Canada của Tổng thống Biden kể từ khi ông nhậm chức hồi năm 2021. Trong lịch sử, việc thăm Canada luôn là chuyến công du nước ngoài ưu tiên hàng đầu của các Tổng thống Mỹ. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 đã 2 lần ngăn cản ông Biden thực hiện chuyến công du này.
Mặc dù chuyến đi bị xem là muộn màng nhưng giới quan sát cho rằng đây là thời điểm phù hợp để hai bên bàn thảo các vấn đề quan trọng trong quan hệ song phương và quốc tế.
Tăng cường quan hệ lợi ích Mỹ-Canada
Trong chuyến thăm, hai bên đã thảo luận một loạt các vấn đề, như: an ninh quốc phòng, năng lượng, thương mại và di cư.
Mỹ và Canada là hai quốc gia láng giềng có đường biên giới trên bộ dài gần 9.000 km và có nhiều cửa khẩu không chính thức. Hợp tác giữa Mỹ và Canada nhằm ngăn chặn dòng người nhập cư cũng là vấn đề hai bên đặc biệt quan tâm trong bối cảnh hai quốc gia Bắc Mỹ đang phải chịu áp lực giải quyết vấn đề nhập cư trái phép ngày càng tăng. Dòng người xin tị nạn từ Mỹ vào Canada đã tăng đột biến, tới gần 40.000 người vào năm ngoái. Trong khi đó, theo số liệu thống kê từ phía Mỹ, số người tìm cách vượt biên trái phép từ Canada vào xứ Cờ hoa cũng tăng gấp đôi trong thời gian qua. Vì vậy, đạt được thỏa thuận về vấn đề di cư là ưu tiên trong chương trình nghị sự của chuyến thăm.
Thỏa thuận về vấn đề di cư đã đạt được cho phép Canada đóng cửa khẩu không chính thức trên Ðường Roxham ở khu vực biên giới chung. Ngoài ra, Canada sẽ mở cửa cho 15.000 người di cư từ tây bán cầu nộp đơn xin nhập cảnh hợp pháp vào nước này. Cả hai nước nhất trí từ chối tiếp nhận những người xin tị nạn tại các cửa khẩu không chính thức.
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Canada Justin Trudeau đến dự cuộc họp báo chung ở Ottawa, Canada, ngày 24/3/2023. Ảnh: Mandel Ngan/AFP |
Ngoài thỏa thuận di cư, vấn đề phòng thủ khu vực Bắc Mỹ trở thành ưu tiên hàng đầu trong cuộc hội đàm. Hai nhà lãnh đạo đã cam kết cùng cải thiện Hệ thống phòng thủ không gian Bắc Mỹ (NORAD). Theo đó, Canada sẽ chi khoảng 6,96 tỷ CAD (tương đương 5,04 tỷ USD) cho việc hiện đại hóa hệ thống giám sát ở miền Bắc và 7,3 tỷ CAD (tương đương 5,29 tỷ USD) cho mua sắm máy bay và cải tiến hạ tầng kỹ thuật để tiếp nhận các máy bay chiến đấu F-35. Hệ thống radar vượt tuyến này sẽ giúp mở rộng khả năng giám sát của NORAD xa hơn về phía bắc và có thể phát hiện các mối đe dọa mới của nước ngoài ở Bắc cực.
Hai bên cũng đề cập đến những khoản chi tiêu mới cho các hành lang nhiên liệu thay thế, vấn đề khoáng sản quan trọng, dự án bán dẫn, cam kết hướng tới mục tiêu thiết lập mạng lưới năng lượng không thải khí carbon vào năm 2035. Mỹ bày tỏ sẵn sàng hỗ trợ Canada tham gia Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Sự bảo đảm cho tương lai khu vực
Không chỉ củng cố mối quan hệ đồng minh bằng một loạt các cam kết hợp tác cụ thể, chuyến đi còn đem đến những tín hiệu tích cực cho tương lai khu vực. Trước hết là về trao đổi thương mại. Hiện, Mỹ là đối tác thương mại lớn nhất của Canada. Theo số liệu thống kê 2 năm gần đây, giá trị trao đổi thương mại giữa Canada và Mỹ về hàng hóa và dịch vụ đạt khoảng gần 770 triệu USD. Thúc đẩy hợp tác thương mại Mỹ-Canada cũng đồng thời đem đến những hiệu quả tích cực cho thương mại khu vực Bắc Mỹ, giúp các nước trong khu vực giảm bớt sự phụ thuộc vào nhập khẩu từ các nơi khác trên thế giới, đặc biệt là linh kiện bán dẫn từ các quốc gia châu Á.
Ngoài ra, các thỏa thuận đạt được giữa Mỹ và Canada trong lĩnh vực thiết lập hành lang nhiên liệu thay thế, thiết lập mạng lưới năng lượng không thải khí carbon giúp khu vực Bắc Mỹ thúc đẩy mục tiêu đến năm 2030 giảm ít nhất 15% lượng khí methane từ chất thải rắn và lỏng so với mức của năm 2020 như đã cam kết.
Trong bối cảnh những bất ổn toàn cầu ngày càng tăng, việc củng cố quan hệ chiến lược giữa hai quốc gia vừa là láng giềng, vừa là đồng minh là hết sức cần thiết. Mỹ và Canada đang tận dụng mọi cơ hội để cải thiện mối quan hệ lợi ích cùng bảo vệ các giá trị chung, vì lợi ích của cả hai phía. Thông qua chuyến thăm, hai bên đã tái khẳng định cam kết trong mối quan hệ đối tác Mỹ-Canada, vốn được xem là một trong những mối quan hệ thân thiết, toàn diện nhất trên thế giới. Điều này cũng là sự bảo đảm cho tương lai ổn định và phát triển của khu vực Bắc Mỹ.