(VOV5) - Chuyến thăm Myanmar từ ngày 24 đến 26/8 của người đứng đầu Đảng CSVN là dấu mốc mới, tầm cao mới, xung lực mới cho quan hệ hai nước trên tất cả các lĩnh vực, để hợp tác ngày càng thiết thực và hiệu quả hơn.
Ngày 24/8, Tổng Bí thư Ban chấp hành TW Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng bắt đầu thăm cấp nhà nước Cộng hòa liên bang Myanmar theo lời mời của Tổng thống Myanmar Htin Kyaw.
Đây là chuyến thăm đầu tiên của Tổng Bí thư Đảng CSVN sau 20 năm kể từ chuyến thăm của Tổng Bí thư Đỗ Mười vào năm 1997. Chuyến thăm cấp nhà nước Cộng hòa liên bang Myanmar của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa Việt Nam và Myanmar đang bước vào một giai đoạn phát triển mới, đi cùng các thời cơ và thuận lợi.
Trưa 24/8 (giờ địa phương), chuyên cơ chở Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và đoàn cấp cao đã hạ cánh xuống sân bay Nay Pyi Twa |
Hợp tác hiệu quả trên nhiều lĩnh vực
Năm 2017, Việt Nam - Myanmar kỷ niệm 42 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và 70 năm ngày Việt Nam lập Văn phòng đại diện đầu tiên tại Myanmar. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa Việt Nam - Myanmar không chỉ được đánh dấu bằng số năm thiết lập quan hệ ngoại giao mà còn ở trong cả quá trình phát triển.
Về chính trị, hai bên thường xuyên trao đổi Đoàn các cấp, đặc biệt là cấp cao mà mới đây nhất là chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Htin Kyaw năm 2016 và Tổng Tư lệnh các lực lượng vũ trang vào tháng 3/2017; chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khi tham dự AIPA-37 tại Myanmar năm 2016.
Về hợp tác kinh tế, những năm qua, Việt Nam và Myanmar duy trì 12 lĩnh vực hợp tác ưu tiên là nông nghiệp, trồng cây công nghiệp, thủy sản, tài chính - ngân hàng, hàng không, viễn thông, dầu khí, khai thác khoáng sản, sản xuất thiết bị điện, sản xuất và láp ráp ô tô, xây dựng,và đầu tư - thương mại. Kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Myanmar đạt gần 550 triệu USD vào năm 2016, vượt mục tiêu mà lãnh đạo cấp cao hai nước đã đặt ra. Hai bên đã và đang triển khai nhiều dự án hợp tác kinh tế, quan trọng như thành lập Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam đầu tư sang Myanmar (AVIM); xây dựng Trung tâm Phức hợp Hoàng Anh Gia Lai tại Yangon, lập đường bay thẳng Hà Nội-Yangon của Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines), hợp tác thăm dò dầu khí, Dự án xây dựng nhà máy dây chuyền sản xuất và phân phối dược phẩm của Công ty Cổ phần Dược phẩm Ánh Sao Việt, Dự án khai thác đá granite của Công ty Cổ phần Sông Đà. Tháng 3-2016, Myanmar đã cấp phép cho Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) thành lập chi nhánh tại Myanmar. Đáng chú ý, đầu năm 2017, Công ty liên doanh với tên gọi Mytel giữa Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel và hai đối tác Myanmar đã được Myanmar cấp giấy phép triển khai hạ tầng và cung cấp dịch vụ viễn thông với tổng vốn đầu tư gần 1,8 tỷ USD. Khi khai trương, Mytel sẽ là nhà mạng có hạ tầng lớn nhất Myanmar với khả năng phủ sóng với 90% dân số quốc gia này, khoảng 55 triệu người. Dự án đầu tư của Tập đoàn quân đội Viễn thông Viettel không chỉ đơn thuần là những con số hiệu quả về kinh tế mà còn góp phần nâng cao uy tín của Việt Nam đối với Myanmar. Ngoài ra nhiều thương hiệu sản phẩm và dịch vụ của Việt Nam đã có mặt tại Myanmar và được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng cũng như giá thành cạnh tranh.
Tính đến hết tháng 2/2017, các doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư trên 2 tỷ USD vào các dự án tại Myanmar. Với những kết quả này, Việt Nam đã vươn lên trở thành đối tác thương mại lớn thứ 9 và là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 7 của Myanmar. Theo giới chức Myanmar, với nền kinh tế đang trong giai đoạn mở cửa, Myanmar rất mong muốn tiếp tục thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đến làm ăn, kinh doanh, trong đó có các nhà đầu tư Việt Nam, đồng thời, để thực hiện điều này, Quốc hội Myanmar tích cực sửa đổi, hoàn thiện các chính sách về đầu tư, trong đó có Luật Đầu tư nước ngoài, Luật Doanh nghiệp trong thời gian tới.
Việt Nam - Myanmar đã có các cơ chế đối thoại thường niên về chính trị, an ninh. Hai nước đang triển khai hiệu quả Cơ chế đối thoại an ninh cấp Thứ trưởng giữa Bộ Công an Việt Nam và Bộ Nội vụ Myanmar, trao đổi thông tin và hợp tác trong khuôn khổ Hiệp định phòng chống tội phạm ký năm 2014, triển khai hiệu quả cơ chế trao đổi đoàn cấp Bộ trưởng hai năm/lần.
Triển vọng hợp tác tốt đẹp
Những kết quả hợp tác giữa 2 nước thời gian qua là tiền đề tốt đẹp để Việt Nam và Myanmar tăng cường hợp tác trong thời gian tới. Hai nước hướng đến các cơ chế hợp tác về sản phẩm nông nghiệp, khoa học công nghệ, dạy nghề, y tế…Đó là lý do hai nước sẽ ký thêm các Biên bản ghi nhớ (MOU) về hợp tác song phương. Việt Nam và Myanmar cũng cần có thêm các Ủy ban hợp tác chung về những lĩnh vực hợp tác này.
Do đó, trong chuyến thăm cấp nhà nước Cộng hòa Liên bang Myanmar lần này của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, lãnh đạo cấp cao hai nước sẽ thảo luận về chủ trương và định hướng lớn, nhằm tạo động lực thúc đẩy quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Myanmar. Ðồng thời, hai bên cũng thiết lập khuôn khổ hợp tác cụ thể hơn, nhằm thúc đẩy chiều sâu hiệu quả, thực chất trong quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Myanmar, nhất là về thương mại, đầu tư, an ninh - quốc phòng.
Với tiềm năng hợp tác sẵn có và tiếp tục đà phát triển quan hệ tốt đẹp giữa hai nước, chuyến thăm cấp nhà nước Cộng hòa liên bang Myanmar của Tổng Bí thư Ban chấp hành TW Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng sẽ tạo thêm động lực để đưa quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Myanmar ngày càng phát triển.