Chuyến thăm thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam- Trung Quốc

(VOV5)- Chuyến thăm Việt Nam của Tổng bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình trong các ngày 5-6/11/2015 là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước Trung Quốc trong vòng 9 năm qua. Sự kiện này có ý nghĩa quan trọng trong quan hệ Việt Nam- Trung Quốc.

Chuyến thăm thúc đẩy quan hệ  đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam- Trung Quốc - ảnh 1
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và phu nhân bắt đầu chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam từ ngày 5 đến 6/11. - Ảnh: Quang Trung

Chuyến thăm Việt Nam của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình diễn ra trong bối cảnh quan hệ Việt Nam- Trung Quốc đang duy trì xu thế phát triển tích cực. Năm 2015 cũng là năm kỷ niệm 65 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Trung Quốc.


Nền tảng quan hệ chính trị tốt đẹp.

Về quan hệ chính trị, Việt Nam và Trung Quốc đã ký nhiều hiệp định và văn kiện hợp tác, đặt cơ sở pháp lý cho quan hệ hợp tác lâu dài giữa hai nước. Trao đổi đoàn ở trung ương và địa phương ngày càng tăng với số lượng trên 200 đoàn, góp phần tăng cường hiểu biết và mở rộng hợp tác giữa hai nước. Chỉ tính riêng trong năm 2015, lãnh đạo hai nước đã có các cuộc tiếp xúc, gặp gỡ thường xuyên, đặc biệt là Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng có chuyến thăm Trung Quốc hồi tháng 4/2015, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tham dự hoạt động kỷ niệm 70 năm chiến thắng phát xít của nhân dân thể giới tổ chức tại Bắc Kinh và có cuộc gặp với Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tháng 9/2015, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng có cuộc gặp với Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Trương Đức Giang tại New York cuối tháng 8/2015, Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị, Phó thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Trương Cao Lệ thăm Việt Nam tháng 7/2015. Thông qua các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao, lãnh đạo hai nước đạt được nhận thức chung quan trọng về các phương hướng, biện pháp thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển ổn định, lành mạnh và bền vững trong thời gian tới. Song song đó, hợp tác giữa hai Đảng được đẩy mạnh, quan hệ giữa các ngành, các địa phương, giao lưu nhân dân và thế hệ trẻ hai nước được tăng cường.


Quan hệ kinh tế thương mại phát triển mạnh mẽ

Từ năm 2004 đến nay, Trung Quốc liên tục là bạn hàng thương mại lớn nhất của Việt Nam. Quan hệ thương mại Việt-Trung tiếp tục tăng trưởng, kim ngạch thương mại song phương 9 tháng năm 2015 đạt 49,16 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Hai bên đã tiến hành Phiên họp lần thứ 9 Ủy ban hợp tác kinh tế Thương mại Việt-Trung tại Bắc Kinh từ ngày 18 đến 21-10-2015. Việt Nam cũng đã khai trương Văn phòng xúc tiến thương mại đầu tiên tại Trùng Khánh vào tháng 5-2015.Về đầu tư, tính lũy kế đến tháng 9-2015, Trung Quốc có 1.177 dự án tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký hơn 8,4 tỷ USD, đứng thứ 9 trong 105 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Hai bên đã tiến hành cuộc họp lần thứ nhất Nhóm Công tác hợp tác về cơ sở hạ tầng vào tháng 6-2015 tại Bắc Kinh; phiên họp lần thứ nhất cấp Bộ trưởng Nhóm Công tác hợp tác về cơ sở hạ tầng tại Bắc Kinh từ ngày 12 đến 16-10 và cuộc họp lần thứ nhất Nhóm Công tác hợp tác về tài chính tiền tệ, tháng 7-2015 tại Hà Nội.


Chung tay giải quyết các vấn đề về biên giới, lãnh thổ

Cho đến nay, tình hình biên giới trên bộ của Việt Nam –Trung Quốc  và vịnh Bắc Bộ cơ bản ổn định. Hai bên đã tiến hành đàm phán vòng 7 Hiệp định tàu thuyền đi lại tại khu vực tàu thuyền đi lại tự do ở cửa sông Bắc Luân, vòng 5 Hiệp định hợp tác khai thác và bảo vệ tài nguyên du lịch thác Bản Giốc vào tháng 10-2015 tại Hà Nội để rà soát văn bản, chuẩn bị cho việc sớm ký chính thức hai hiệp định này.Về vấn đề Biển Đông, hai bên duy trì các cơ chế đàm phán về vấn đề trên biển. Trong chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tháng 4-2015, hai bên nhất trí tuân thủ nhận thức chung quan trọng đạt được giữa lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước, nghiêm túc thực hiện “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc”; sử dụng tốt cơ chế đàm phán cấp chính phủ về biên giới lãnh thổ Việt-Trung, kiên trì thông qua đàm phán hữu nghị, tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được. Hai bên thỏa thuận cùng kiểm soát tốt bất đồng trên biển, thực hiện đầy đủ, có hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) trên cơ sở hiệp thương thống nhất, không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp; xử lý kịp thời, thỏa đáng vấn đề nảy sinh, duy trì quan hệ Việt-Trung và hòa bình, ổn định ở Biển Đông.

Với những ý nghĩa quan trọng, chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ tạo ra dấu mốc mới trong quan hệ Việt Nam- Trung Quốc.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác