Trong vòng mười lăm ngày, bắt đầu từ trung tuần tháng 12 này cho đến ngày cuối cùng của năm 2011, phần lớn binh sỹ đang triển khai tại Iraq sẽ lần lượt rút khỏi nước này. Việc Mỹ rút quân khỏi quốc gia vùng Vịnh này cho thấy Iraq sẽ trở thành một đất nước có chủ quyền thực sự, nhưng tình hình an ninh nội bộ của Iraq thì chưa bao giờ lý tưởng cả và đây thực sự là một thách thức lớn.
Theo Hiệp định an ninh giữa Mỹ và Iraq ký năm 2008, Mỹ sẽ rút toàn bộ binh sỹ vào cuối năm 2011.Chính phủ Mỹ luôn hy vọng rằng sau khi chính thức rút quân, Mỹ sẽ vẫn duy trì một lực lượng quân đội tại Iraq dưới hình thức giúp đỡ Baghdad ổn định tình hình trong nước, nhưng do Mỹ và Iraq không đạt được thống nhất về vấn đề quân Mỹ đóng tại Iraq được hưởng quyền miễn trừ luật pháp, nên Chính quyền Mỹ quyết định rút toàn bộ quân Mỹ, chỉ để lại một ít quân đảm nhiệm việc bảo vệ sứ quán Mỹ và huấn luyện cho quân đội Iraq.
Ngày 2/12 vừa qua, Mỹ đã bàn giao cho quân đội Iraq "Doanh trại Chiến thắng" (Camp Victory), căn cứ lớn nhất của quân đội Mỹ tại quốc gia vùng Vịnh này và cũng là nơi đặt trụ sở chỉ huy của lực lượng Mỹ trong cuộc chiến Iraq kể từ khi lính Mỹ tiến vào thủ đô Baghdad hồi tháng 4/2003. Theo tướng Thomas Spoehr, Phó Tổng tư lệnh các lực lượng Mỹ tại Iraq, hiện tại còn gần 34.000 binh sỹ Mỹ đang đóng tại 12 căn cứ ở Iraq và quá trình rút binh sĩ này cùng quân trang sẽ cần một lực lượng hậu cần lớn, với khoảng 1.650 xe tải vận chuyển trong nhiều ngày. Vậy là thời hạn chót để Mỹ rút toàn bộ quân khỏi Iraq đang tới gần và Thủ tướng Iraq Nuri al-Maliki cũng tuyên bố : “Tình hình an ninh Iraq sẽ không bị ảnh hưởng bởi việc Mỹ rút quân vì về cơ bản chúng tôi đã kiểm soát được tình hình”. Tuyên bố này có lẽ là hơi lạc quan nếu so sánh với thực lực của chính quyền Badhdad và tình hình an ninh hiện nay. Ngoài việc quân đội Iraq còn thiếu các phương tiện phòng không, lực lượng tình báo và không quân thì 770.000 binh sĩ Iraq vẫn chưa được đào tạo bài bản, thiếu khả năng phối hợp.
Về an ninh, đây vẫn là vấn đề đau đầu đối với Baghdad. Hàng loạt các vụ tấn công nhằm vào lực lượng Iraq vẫn xảy ra hàng ngày mặc dù có giảm so với giai đoạn đỉnh điểm 2006-2007. Theo thống kê chính thức, chỉ trong tháng Mười vừa qua đã có 258 người thiệt mạng do bạo lực. Mà đâu chỉ có binh lính, các quan chức cao cấp của Iraq cũng là mục tiêu của các vụ tấn công. Gần đây nhất, ngày 28/11 vừa qua, một vụ nổ bom xe gần Quốc hội Iraq được xác định là một âm mưu ám sát bất thành nhằm vào Thủ tướng Nuri al-Maliki.
Chính quyền Iraq không chỉ phải đối mặt với những thách thức về an ninh đến từ phía các nhóm khủng bố và từ phe đối lập mà còn phải đối mặt với mâu thuẫn phe phái, bất đồng về tôn giáo và sắc tộc. Chính phủ của Thủ tướng Nuri al-Maliki hiện nay bao gồm phần đông thành phần là người Hồi giáo dòng Shi’ite. Chỉ có 7 trong tổng số 42 ghế bộ trưởng là thuộc về người Hồi giáo dòng Sunni. Những người này xây dựng một đảng đối lập dưới sự lãnh đạo của cựu Thủ tướng Ayad Allawi-đối thủ số 1 của Thủ tướng đương nhiệm Nuri al-Maliki. Tổng thống Jalal Talabani thì lại là lãnh đạo của bộ tộc thiểu số người Kurd. Mỗi nhóm đều có các tay súng ủng hộ riêng. Dù chưa đủ mạnh song cuộc chiến quyền lực giữa các nhóm chắc chắn sẽ quyết liệt và nguy cơ chia đất nước thành 3 phần không phải là không hiện hữu.
Dù vậy, việc thực hiện Hiệp định an ninh Mỹ-Iraq đáp ứng sự mong mỏi của cả đa số người Mỹ và người dân Iraq. Với người dân Mỹ, sự kiện này khép lại cuộc chiến hao người tốn của kéo gần một thập kỷ qua, với gần 4.500 lính Mỹ thiệt mạng 32.209 lính bị thương và 817 tỷ USD từ thuế của người dân.Với Iraq, sự kiện Mỹ rút quân là một mốc quan trọng tạo cơ hội để người dân Iraq khẳng định sự độc lập và khả năng xây dựng một tương lai mới cho đất nước. Song tương lai mới chỉ có thể được xây dựng trên cơ sở hành động tập thể để nỗ lực khắc phục bất đồng, thúc đẩy lòng tin và sự hoà giải dân tộc.
Đoàn Trung