Bài học kinh nghiệm là cần sắp xếp lại, phải cổ phần hóa DNNN đúng lộ trình, đúng cách làm để thay đổi quản trị doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân cùng phát triển, góp phần phòng chống tham nhũng.
3 yêu cầu lớn về cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước
Thực tế triển khai cho thấy việc cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước thời gian qua có sự chậm trễ do nguyên nhân khách quan, chủ quan. Nguyên nhân khách quan là vướng mắc về thể chế, về cách làm. Nguyên nhân chủ quan là lợi ích cục bộ, đề án xây dựng chậm, duyệt chậm, sự phối hợp giữa các bộ, ban, ngành trong cổ phần hóa, hoàn thiện thể chế, một số chính sách chưa chặt chẽ, chưa ăn ý, chưa kịp thời. Một nguyên nhân nữa là mô hình, tổ chức, cơ chế thực hiện chức năng chủ sở hữu Nhà nước còn phân tán.
|
Thủ tướng chủ trì Hội nghị toàn quốc Triển khai công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp Nhà nước giai đoạn 2016-2020. Ảnh: vov
|
Trước thực tế trên đặt ra 3 yêu cầu về cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: Cần tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy cổ phần hóa và tạo môi trường cạnh tranh cả thị trường đầu vào và đầu ra trong hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước. Yêu cầu thứ hai, khu vực doanh nghiệp Nhà nước phải nhỏ đi, từng doanh nghiệp Nhà nước phải mạnh nhưng hiệu quả phải cao hơn. Vốn Nhà nước phải được bảo toàn, phát huy tác dụng tốt hơn. Hiện vốn Nhà nước chiếm tỷ lệ cao, trong khi chúng ta khó khăn, chúng ta để vốn vào đây thì nợ công, nợ xấu sẽ tăng
Thủ tướng cũng khẳng định trong cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước để tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững hơn thì lĩnh vực gì tư nhân làm tốt, thị trường làm tốt thì Nhà nước sẽ rút dần. Tuy nhiên Nhà nước phải nắm tỉ lệ cao hơn trong các lĩnh vực như quốc phòng, điện lực, lương thực, ngân hàng.
Triển khai 3 nhóm nhiệm vụ
Trên 3 yêu cầu lớn để cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước, trong giai đoạn 2016-2020, Chính phủ xác định 3 nhóm nhiệm vụ chính. Việc đầu tiên là xác định lĩnh vực nào Nhà nước cần nắm giữ, lĩnh vực nào Nhà nước cần rút ra. Theo đó, lĩnh vực công ích và một số lĩnh vực không ai làm hoặc độc quyền tự nhiên…thì Nhà nước nắm giữ và có vai trò chi phối. Những lĩnh vực còn lại, Nhà nước cần rút ra theo tỉ lệ phù hợp hoặc rút 100% để thị trường phân bổ nguồn lực hiệu quả hơn.
Trong cổ phần hóa, mục tiêu quan trọng nhất là phải bảo đảm lợi ích cao nhất cho Nhà nước, nghĩa là bán đúng giá trị thị trường thời điểm bán. Thứ trưởng Bộ tài chính Trần Văn Hiếu khẳng định: Mục tiêu trong chính sách là cổ phần hóa thành công tối đa theo nguyên tắc thị trường, công khai, minh bạch và đảm bảo quản lý tốt nhất, tránh thất thoát với tốc độ nhanh nhất
Để thực hiện mục tiêu này, cần mời tư vấn quốc tế và trong nước có uy tín, trình độ tham gia vào quá trình này. Các doanh nghiệp, Tập đoàn, Tổng công ty cần có cơ chế đột phá trong quy định thuê tư vấn, xác định giá trị doanh nghiệp, xử lý công nợ, phương thức chào bán theo hướng đem lại lợi ích cao nhất cho Nhà nước, kể cả thương hiệu. Đi liền với đó, trong quá trình cổ phần hóa phải tăng cường kiểm tra thanh tra, giám sát, kiểm toán để không thất thoát vốn doanh nghiệp nhà nước.
Về nhiệm vụ quản trị sau cổ phần hóa, Chính phủ yêu cầu thực hiện nghiêm chế độ giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính; kiên quyết và xử lý các doanh nghiệp thua lỗ, các dự án đầu tư hiệu quả thấp theo cơ chế thị trường, tăng cường quản lý giám sát chặt chẽ việc vay nợ và sử dụng vốn vay của doanh nghiệp Nhà nước, nhất là vay nợ nước ngoài, hạn chế tối đa cấp bảo lãnh Chính phủ cho các khoản vay mới.