(VOV5) - Chính phủ Việt Nam trong năm qua đã có nhiều văn bản quan trọng để hỗ trợ doanh nghiệp cải thiện môi trường kinh doanh, hướng tới mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp khởi nghiệp năm 2020. Trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu rộng, điều này đã đặt ra những yêu cầu khắt khe về năng lực sáng tạo, trình độ công nghệ đối với các doanh nhân khi khởi nghiệp. Nhiều chuyên gia cho rằng để khởi nghiệp thành công, nhiệm vụ đối với các doanh nghiệp là phải đổi mới và sáng tạo, để thực hiện mục tiêu đưa Việt nam trở thành quốc gia khởi nghiệp.
|
Ảnh minh họa |
Trong hai năm trở lại đây, phong trào khởi nghiệp phát triển mạnh mẽ, các doanh nghiệp khởi nghiệp thường hoạt động chủ yếu ở các lĩnh vực công nghệ thông tin, phầm mềm, dịch vụ. Tại Hà Nội, khoảng trên 200 nghìn doanh nghiệp, trong đó 30% là doanh nghiệp khởi nghiệp, thành phố đang đưa ra nhiều giải pháp giúp doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển như hỗ trợ về vốn, tìm đầu ra cho sản phẩm. Trong bối cảnh hiện nay, để hội nhập, doanh nghiệp khởi nghiệp phải có những đột phá trong sáng tạo sản phẩm, đầu tư phát triển khoa học công nghệ hiện đại, năng động, sáng tạo trong hoạt động kinh doanh. Với Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội, hiện đã thành lập được Quỹ Khởi nghiệp nhằm hỗ trợ chi phí cho các doanh nghiệp. Ngoài ra, các doanh nghiệp lớn trên địa bàn còn giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp tham gia dự án của doanh nghiệp để giúp doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển. Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội, cho biết: "Cần có một lứa về doanh nghiệp khởi nghiệp nhưng chúng ta phải có chọn lọc, chọn lọc những ngành nào cần ưu tiên, cần có sự đột phá và đưa ra sản phẩm thị trường phải tiếp nhận ngay, đi vào thị trường ngách không bị đụng vào các đối thủ cạnh tranh lớn. Chúng tôi kỳ vọng các doanh nghiệp khởi nghiệp luôn luôn đổi mới sáng tạo, năng động trong hội nhập về kinh tế, thương mại đầu tư mà còn phải chú trọng đổi mới khoa học công nghệ, nâng cao cạnh tranh giá trị của sản phẩm phải tập trung vào các hàng hóa có chất lượng cao để lọt vào thị trường lớn".
Cùng với đó, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp muốn khởi nghiệp. Chính phủ chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước và hệ thống ngân hàng cả nước tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ phát triển sản xuất. Để hỗ trợ vốn doanh nghiệp khởi nghiệp, nhiều nguồn quỹ được thành lập như: Quỹ đầu tư thiên thần, quỹ đầu tư mạo hiểm… Với mong muốn biến Việt Nam thành một quốc gia khởi nghiệp như Israel, Tập đoàn FPT đang hợp tác chiến lược với các quỹ và vườn ươm quốc tế để có thể tạo ra một môi trường khởi nghiệp cho mục tiêu đạt 5 nghìn công ty công nghệ vào năm 2020. Ông Trần Hữu Đức, Giám đốc của Quỹ đầu tư mạo hiểm FPT, cho biết: "FPT cam kết đi dài hạn cùng các doanh nghiệp khởi nghiệp. Các doanh nghiệp ngoài việc được hỗ trợ nguồn vốn sẽ có cơ hội làm việc với các chuyên gia, cố vấn giàu kinh nghiệm từ trong và ngoài FPT. Từ đó, hướng đến mục tiêu là tạo ra sản phẩm mà thị trường thật sự cần, không chỉ ở Việt Nam mà hướng đến cả thị trường khu vực và thế giới. Để hỗ trợ hơn nữa cho cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam, chúng tôi cùng với Tập đoàn Hanwa của Hàn Quốc và Quỹ đầu tư mạo hiểm Dragon Capital , Công ty chứng khoán BIDV phối hợp thành lập một Quỹ mới là quỹ tăng tốc khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam giúp cho các bạn trẻ khởi nghiệp Việt Nam ngoài vốn, còn có điều kiện để tiếp cận với thị trường quốc tế, được huấn luyện đào tạo bởi những chuyên gia có kinh nghiệm đồng thời giúp cho các bạn khởi nghiệp, có thể sau đấy nhận được nguồn vốn đầu tư to hơn".
Khởi nghiệp không chỉ là thành lập doanh nghiệp mới mà còn là cấu trúc lại doanh nghiệp cả về sản phẩm, dịch vụ, quản trị và công nghệ… Khởi nghiệp là nghĩ mới, làm mới. Trong bối cảnh hội nhập, các doanh nghiệp Việt Nam phải phát triển kinh tế dựa vào công nghệ, đổi mới, sáng tạo, kinh tế tri thức. Các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp khởi nghiệp nói riêng, cũng lựa chọn lĩnh vực kinh doanh phù hợp để thúc đẩy việc đổi mới sáng tạo trong hội nhập. Thực hiện tiến trình gắn kết doanh nghiệp với mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia khởi nghiệp, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc, cho biết: "Việt Nam đang được coi là một nền kinh tế một quốc gia có những sáng kiến và tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ. Động thái rất tích cực của Chính phủ trong thời gian qua đặc biệt là việc ra đời Nghị quyết 35 đưa ra mục tiêu đạt 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 là một mục tiêu rất là quan trọng. Do đó Chính phủ đã đưa ra một loạt các chính sách, các biện pháp để thúc đẩy khởi nghiệp, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, xây dựng một Chính phủ kiến tạo, một Chính phủ phục vụ quyết tâm cải cách đang mang lại niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp doanh nhân".
Để thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, bên cạnh nỗ lực của các doanh nghiệp thì việc tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, là điều quan trọng. Khi đó, các doanh nghiệp sẽ tập trung hơn vào việc đổi mới và sáng tạo, để đạt được thành công.