(VOV5) - Việt Nam luôn tỏ rõ lập trường pháp lý, kiên trì giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình thông qua các kênh khác nhau.
Thời gian qua, những hành động phi pháp, vi phạm UNCLOS 1982, đe dọa trật tự và ổn định khu vực của Trung Quốc trên biển Đông đã khiến dư luận trong nước và quốc tế rất bức xúc. Là một quốc gia bị ảnh hưởng trực tiếp, Việt Nam luôn tỏ rõ lập trường pháp lý, kiên trì giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình thông qua các kênh khác nhau. Chủ trương chính trị của Việt Nam được cộng đồng quốc tế ủng hộ, cho rằng quan điểm của Việt Nam thể hiện thiện chí của một quốc gia thành viên có trách nhiệm của UNCLOS 1982.
Việt Nam luôn nhất quán quan điểm đã được Quốc hội tuyên bố trong Nghị quyết phê chuẩn UNCLOS ngày 23/6/1994 là “giải quyết các tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ cũng như các bất đồng khác liên quan đến biển Đông thông qua thương lượng hòa bình trên tinh thần bình đẳng, hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng pháp luật quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên hiệp quốc về Luật biển năm 1982”.
Quan điểm nhất quán của Việt Nam là tôn trọng luật pháp quốc tế ở Biển Đông
Nhằm thực hiện mưu đồ “độc chiếm biển Đông”, Trung Quốc đã bất chấp luật pháp quốc tế, không thực thi đầy đủ các cam kết chính trị với Việt Nam, ASEAN và các cường quốc trên thế giới trong đó có UNCLOS và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên biển Đông mà Trung Quốc đã ký với ASEAN năm 2002 (DOC).
Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 11 với chủ đề “Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển khu vực” được tổ chúc tại Hà Nội.Ảnh: chinhphu.vn |
Trước hành động sai trái của Trung Quốc khi xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, Việt Nam đã tiếp xúc nhiều lần với phía Trung Quốc ở các kênh khác nhau, trao công hàm phản đối, kiên quyết yêu cầu chấm dứt ngay các hành vi vi phạm, rút toàn bộ tàu ra khỏi vùng biển Việt Nam; tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam vì quan hệ hai nước và ổn định, hòa bình ở khu vực. Việt Nam luôn cân nhắc một cách thận trọng trước khi áp dụng những hình thức đấu tranh chính trị, pháp lý, truyền thông thích hợp. Lập trường này của Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ của nhiều chính khách, học giả, nhà nghiên cứu luật pháp quốc tế. Tại Hội thảo quốc tế về Biển Đông lần thứ 11 vừa diễn ra tại Hà Nội, chuyên gia cấp cao thuộc Chương trình châu Á - Thái Bình Dương Viện Nghiên cứu Quốc tế Hoàng gia Anh, ông Bill Hayton, nhận định: Việt Nam trong năm nay, đặc biệt là 3 tháng qua bị ảnh hưởng bởi nhiều hành động của Trung Quốc trên Biển Đông. Nhưng tôi nghĩ các bạn đang nhận được sự ủng hộ của quốc tế, vì mọi người đều muốn các quốc gia tuân thủ luật lệ để không tạo tiền lệ cho các khu vực khác . Do đó, Việt Nam có nhiều sự ủng hộ trên nguyên tắc của nhiều quốc gia. Tôi nghĩ Việt Nam đã có sự ủng hộ chính trị và đang chờ đợi các hành động thực tế thôi.
Theo nhiều chuyên gia, sự nỗ lực và kiên trì của Việt Nam cũng không thể thành công nếu thiếu sự ủng hộ quốc tế, đặc biệt là các nước ASEAN. Chuyên gia Satnley Weeks, chuyên gia cao cấp tại Tập đoàn Ứng dụng khoa học quốc tế cho rằng: Tôi nghĩ không chỉ các nước trong khu vực, mà còn ở mức độ qui mô toàn cầu, bao gồm các nước như Anh, Pháp, Đức Mỹ các nước hay Ấn Độ vốn phụ thuộc vào tự do hàng hải cần phải lên tiếng. Thứ nhất các nước cần phải chỉ trích mạnh mẽ và đừng e ngại khi nói lên những sai trái của Trung Quốc. Thứ 2 là khuyến khích sự phải đoàn kết và thống nhất trên một lập trường chung. Và cái quan trọng nhất đó là để cho các nước trong khu vực,đặc biệt là ASEAN, hiểu họ cũng sẽ được hưởng hòa bình nếu có một khu vực Biển Đông ổn định. Do đó cần sự đoàn kết và thống nhất của ASEAN để giúp giải quyết tốt hơn các thách thức này”.
Cùng chung quan điểm, Tiến sĩ Tomotaka Shoji, nghiên cứu viên cao cấp thuộc Viện nghiên cứu Quốc phòng, Bộ Quốc phòng Nhật Bản, nhấn mạnh: Việt Nam cần sự hợp tác chặt chẽ với nhiều quốc gia trong và ngoài khu vực. Ví dụ Nhật Bản, Mỹ, Ấn Độ và nhiều quốc gia khác. Nhật Bản nhất quán ủng hộ việc tuân thủ toàn diện luật pháp biển và muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của những nỗ lực đối với các giải pháp hòa bình dựa trên luật pháp quốc tế. Việt Nam có thể tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực, ví dụ như tăng cường lực lượng phòng vệ bờ biển với nhiều quốc gia khác, trong đó có Nhật Bản.
Ủng hộ trật tự pháp luật quốc tế trên Biển Đông
Có thể thấy, ngay sau khi Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam công bố rõ ràng lập trường của Việt Nam về hành vi phạm pháp của Trung Quốc, rất nhiều các quốc gia bày tỏ quan ngại, phản đối hành vi vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc ở Biển Đông. Các tiếng nói của dư luận quốc tế cho rằng Việt Nam có quan điểm, lập trường rõ ràng, ủng hộ giải quyết tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông bằng biện pháp chính trị hòa bình, không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực, trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển, sớm hoàn thiện Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông mang tính ràng buộc pháp lý.
Quan điểm của Việt Nam, đồng thời cũng là nhận định chung của cộng đồng quốc tế, cho rằng Biển Đông hiện không nên chỉ hiểu là tranh chấp chủ quyền, tranh chấp tài nguyên giữa các nước ở biển Đông. Đây phải là vùng biển kết nối giữa các đại dương, nơi gặp gỡ lợi ích giữa các nước trong và ngoài khu vực, nơi các quốc gia muốn duy trì sự thượng tôn của luật pháp quốc tế, là nơi các nước trong và ngoài khu vực đối thoại và phát triển hợp tác hiệu quả. Do đó, việc bảo vệ môi trường biển, sử dụng bền vững nguồn tài nguyên, bảo vệ trật tự luật pháp trên biển nói chung đang là vấn đề đòi hỏi các nỗ lực và giải pháp chung, là trách nhiệm chung của tất cả các quốc gia trong và ngoài khu vực.