COP 21: Ràng buộc và cam kết

(VOV5)- Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 21 Công ước khung của Liên hợp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP21) đang diễn ra tại thủ đô Paris (Pháp) thu hút sự quan tâm của dư luận. 

COP 21: Ràng buộc và cam kết - ảnh 1
Tổng thống Pháp Francois Hollande phát biểu khai mạc Hội nghị


Tương lai của nhân loại phụ thuộc rất lớn vào kết quả của Hội nghị, khi đây được coi là cơ hội cuối cùng để các nước đi tới một thỏa thuận ràng buộc nhằm ngăn chặn nhiệt độ Trái Đất không tăng quá 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp vào cuối thế kỷ này. 12 ngày thương thuyết căng thẳng để đi đến thỏa hiệp là công việc không đơn giản của các nước thành viên LHQ.


Dư luận quốc tế đặc biệt quan tâm đến sự kiện lần này khi mà tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu ngày một rõ nét và tác động đến mọi quốc gia. Ngay trước thềm COP 21, một báo cáo được LHQ công bố cho thấy thiên tai do biến đổi khí hậu đã cướp đi mạng sống của 606.000 người trong 20 năm qua. Con số trung bình người chết vì biển đối khí hậu mỗi năm xấp xỉ với số người thiệt mạng vì các hoạt động khủng bố. Điều này cho thấy biến đối khí hậu đang trở thành hiểm họa đáng sợ nhất của nhân loại, bên cạnh khủng bố. Trong khi đó, theo Tổ chức Khí tượng Thế giới (OMM), giai đoạn 2011-2015 là 5 năm nóng nhất từ trước đến nay. Lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trong thời gian đó cũng ở mức kỷ lục. 

COP 21: Ràng buộc và cam kết - ảnh 2
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng thư ký LHQ Ban Ki Moon tại Hội nghị COP 21.

Đồng lòng
Tác động tiêu cực rõ nét từ biến đổi khí hậu tới Trái đất đã khiến COP 21 có sự khác biệt so với các hội nghị trước đây khi mà nhiều nước đưa ra cam kết cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính ngay trong ngày làm việc đầu tiên. Mỹ và Trung Quốc, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, nơi phát ra 50% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính của thế giới, có những phát ngôn được chú ý. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Xi Jinping) nêu rõ các quốc gia giàu có nên gánh vác phần trách nhiệm hơn nhằm hạn chế tình trạng ấm lên toàn cầu, hỗ trợ các nước nghèo thích ứng với tình trạng biến đổi khí hậu nghiêm trọng. Tổng thống Mỹ Barack Obama thừa nhận Mỹ, quốc gia có lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính lớn thứ hai thế giới, sau Trung Quốc, có trách nhiệm lớn trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Trước đó, trong một tuyên bố đăng tải trên mạng xã hội Facebook, Tổng thống Obama cho biết ông sẽ kêu gọi sự ủng hộ đối với các nước dễ bị tổn thương nhất phát triển năng lượng sạch và thích ứng tốt hơn với biến đổi khí hậu. Nước Mỹ cũng cam kết sẽ cắt giảm 28% lượng khí thải vào năm 2030. Trong khi đó, Bộ trưởng Môi trường Mexico, Rafael Pacchiano, thông báo Mexico sẽ cắt giảm 22% lượng khí CO2 độc hại và 51% muội than (carbon đen). Phát biểu tại COP 21, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng cam kết giảm 8% lượng khí thải nhà kính vào năm 2030 và có thể giảm đến 25% nếu nhận được hỗ trợ hiệu quả từ cộng đồng quốc tế. 


COP 21 cũng được coi là nơi khởi đầu cho những sáng kiến trị giá nhiều tỷ USD nhằm phát triển công nghệ sạch và giúp các nước nghèo phát triển "xanh" khi các đại diện Mỹ, Pháp, Ấn Độ và 17 nước khác thông báo tăng gấp đôi ngân sách cho nghiên cứu và phát triển năng lượng sạch trong vòng 5 năm tới. Ngân hàng Thế giới (WB) tuyên bố lập quỹ 500 triệu USD hỗ trợ các nước đang phát triển cắt giảm khí thải nhà kính. Trước thềm hội nghị, Nội các mới của Canada đã cam kết góp 2,65 tỷ USD vào Quỹ khí hậu Xanh của LHQ(GCF), trong khi Anh, Pháp, Đức và Nhật Bản cam kế mỗi nước đóng góp 1 tỷ USD. 


Nhiều khác biệt cần giải quyết 
Tuy có sự thống nhất về mục tiêu nhưng COP 21 vẫn tồn tại những khác biệt lớn đòi hỏi các nước phải cân nhắc. Khác biệt lớn nhất giữa các bên là trách nhiệm của các nước phát triển và đang phát triển. Các nước phát triển, dẫn đầu là Liên minh châu Âu và Mỹ, muốn các nước đang phát triển có cùng cam kết về mức giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính với lý do thế giới đã thay đổi khi một số nước đang phát triển đã trở nên giàu có hơn. Tuy nhiên, các nước đang phát triển lập luận họ vẫn cần phải xóa đói giảm nghèo và cải thiện chất lượng cuộc sống, vì vậy họ cần sự hỗ trợ từ các nước phát triển, những nước thải ra nhiều khí thải carbon, nguyên nhân chính làm biến đổi khí hậu trong nhiều thập kỷ qua. 


Khác biệt thứ hai là về vấn đề tài chính. Cộng đồng quốc tế đang chạy đua nước rút để tìm ra nguồn tài trợ 100 tỷ USD mỗi năm hỗ trợ các nước chậm phát triển giảm khí thải làm nóng Trái Đất. Pháp, với tư cách chủ nhà của COP 21, nhiều lần khẳng định việc có đủ 100 tỷ USD trợ giúp các nước nghèo là một điều kiện quyết định cho thành công của hội nghị, nhưng đến nay mức cam kết đóng góp của các nước giàu cũng chỉ hơn 75 tỷ USD. Trong khi  đó, theo giới quan sát, để giới hạn nhiệt độ Trái Đất không tăng quá 2°C, khoản tiền 100 tỷ USD mỗi năm kể trên là quá ít ỏi. 


Một vấn đề gây tranh cãi nữa tại COP 21 là tính ràng buộc hay không của thỏa thuận về khí hậu. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry từng cho rằng thỏa thuận này chắc chắn không phải là một hiệp ước, Do đó, sẽ không có ràng buộc pháp lý về việc giảm phát thải khí như trường hợp của Nghị định thư Kyoto năm 1997. Điều này thực sự là khó khăn không nhỏ mà các quốc gia cần thỏa hiệp tại COP 21.


Áp lực đối với Hội nghị ở Paris là rất lớn. Làm thế nào đạt được đồng thuận về những mục tiêu chung; làm thế nào giám sát việc thực hiện các cam kết của các nước cũng như chia sẻ trách nhiệm giữa các nước là những câu hỏi mà các nhà lãnh đạo tham dự COP 21 sẽ phải đưa ra câu trả lời. Dù sao thì dư luận vẫn hy vọng các nước sẽ đạt được một sự đồng thuận chung cuộc để giúp giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu trong gần 2 tuần lễ đàm phán căng thẳng tại Paris.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác