CPTPP – Cơ hội và thách thức cho sự phát triển của Việt Nam

(VOV5) - CPTPP không chỉ tác động đến lĩnh vực kinh tế mà còn tác động tích cực đến đến Việt Nam trên nhiều khía cạnh khác nhau.

Ngày 2/11 vừa qua, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã trình Quốc hội đề nghị phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Đây là bước thủ tục pháp lý cuối cùng để Việt Nam tham gia vào một trong những Hiệp định thương mại tự do tiến bộ và quy mô lớn nhất toàn cầu.Quốc hội Việt Nam trong kỳ họp thứ 6 này dành nhiều thời gian thảo luận trước khi phê chuẩn Hiệp định này.

CPTPP – Cơ hội và thách thức cho sự phát triển của Việt Nam - ảnh 1

Ảnh minh họa - Nguồn: TTXVN

CPTPP có sự tham gia của 11 quốc gia là Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Việt Nam. CPTTP được ký kết ngày 9/3/2018 tại Chile. Đây là hiệp định thương mại tự do tiêu chuẩn cao, bởi nó không chỉ đề cập đến các lĩnh vực truyền thống như cắt giảm thuế quan đối với hàng hóa, mở cửa thị trường dịch vụ, sở hữu trí tuệ, hàng rào kỹ thuật liên quan đến thương mại… mà còn xử lý những vấn đề mới, phi truyền thống như lao động, môi trường, mua sắm công, doanh nghiệp nhà nước, cả việc xóa đói giảm nghèo... CPTPP không chỉ tác động đến lĩnh vực kinh tế mà còn tác động tích cực đến đến Việt Nam trên nhiều khía cạnh khác nhau.

Khẳng định vai trò, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế

Đối với Việt Nam, việc quyết định tham gia, đàm phán và ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) trước đây và sau này là CPTPP là một quá trình dài, với sự chuẩn bị tích cực, chủ động. Kết quả đàm phán đạt được, về cơ bản, đã đảm bảo được các lợi ích cốt lõi của Việt Nam cũng như dành được nhiều bảo lưu, linh hoạt để thực thi Hiệp định hiệu quả, có lợi cho đất nước.

Trình bày đề nghị phê chuẩn Hiệp định CPTPP tại Quốc hội, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: "Việc tham gia và sớm phê chuẩn Hiệp đinh CPTPP giúp Việt Nam thể hiện cam kết mạnh mẽ đối với đổi mới và hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; khẳng định vai trò và vị thế địa - chính trị quan trọng của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á cũng như Châu Á - Thái Bình Dương, thực sự nâng cao vị thế của đất nước trong khối ASEAN, trong khu vực cũng như trên trường quốc tế. Tham gia CPTPP vừa giúp Việt Nam có điều kiện nâng cao nội lực để ứng phó, vừa giúp củng cố vị thế để thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa đi đôi với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh. Hiệp định CPTPP khi đi vào triển khai sẽ góp phần tăng cường sự đan xen lợi ích, làm sâu sắc hơn mối quan hệ giữa Việt Nam với các nước thành viên CPTPP, đặc biệt là các nước thành viên có quan hệ đối tác chiến lược".

Theo hiệp định này, 100 % dòng thuế đối với tất cả hàng hóa sẽ về 0% theo lộ trình 7 năm nhưng với Việt Nam được dành lộ trình 7 đến 10 năm. Các mặt hàng công nghiệp của Việt Nam có thuế nhập khẩu đa số là 0%. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định: "CPTPP giúp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải thiện năng suất lao động của Việt Nam. Về mặt kinh tế, thị trường của các nước tham gia CPTPP có quy mô lớn với GDP của cả khối chiếm 13,5% GDP toàn cầu, bao gồm Nhật Bản là nền kinh tế lớn thứ ba trên thế giới. Vì vậy, việc tham gia CPTPP về tổng thể là có lợi cho Việt Nam. CPTPP có thể giúp GDP và xuất khẩu của Việt Nam tăng tương ứng là 1,32% và 4,04% đến năm 2035. Tổng kim ngạch nhập khẩu cũng có thể tăng thêm 3,8% thấp hơn tốc độ tăng xuất khẩu nên tác động tổng thể đến cán cân thương mại là thuận lợi. Ngoài ra, việc đã ký Hiệp định thương mại tự do (FTA) với các nước CPTPP sẽ giúp Việt Nam có cơ hội cơ cấu lại thị trường xuất nhập khẩu theo hướng cân bằng hơn, từ đó giúp đất nước nâng cao tính độc lập tự chủ của nền kinh tế".

CPTPP – Cơ hội và thách thức cho sự phát triển của Việt Nam - ảnh 2

Ảnh minh họa - Nguồn: TTXVN

Vượt qua những thách thức để Việt Nam phát triển

Do Việt Nam đã ký FTA với 7 trên 10 nước thành viên Hiệp định CPTPP nên sức ép cạnh tranh tăng thêm do mở cửa thị trường chỉ đến từ 3 nước là Canada, Mexico và Peru. Tuy nhiên, thực tiễn thương mại song phương với 3 nước này cho thấy sức ép sẽ không lớn bởi cơ cấu xuất nhập khẩu của những nước này có tính bổ sung hơn là cạnh tranh với cơ cấu xuất nhập khẩu của Việt Nam và hiện Việt Nam đang xuất siêu sang cả 3 nước này. Về lĩnh vực nông nghiệp, việc Việt Nam đang nỗ lực cơ cấu lại ngành nông nghiệp, thúc đẩy ứng dụng khoa học - công nghệ… để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm nông nghiệp, từ đó đủ sức cạnh tranh trên sân nhà và vươn ra thị trường thế giới.

Theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh: "Một số ngành như dịch vụ quảng cáo, dịch vụ logistics... có thể đối mặt với thách thức về cạnh tranh. Tuy nhiên, đây cũng là một cơ hội trong việc giảm thiểu chi phí kinh doanh, tạo thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp trong nước nói chung. Để thực thi cam kết trong CPTPP, Việt Nam sẽ điều chỉnh, sửa đổi một số quy định pháp luật về thương mại, hải quan, sở hữu trí tuệ, lao động… Sức ép thay đổi hệ thống pháp luật để tuân thủ những chuẩn mực mới của Hiệp định là có nhưng sẽ vượt qua được. Nhiều cam kết tuy mới nhưng lại phù hợp hoàn toàn với đường lối, chủ trương của Đảng cũng như pháp luật của Nhà nước nên sức ép thay đổi hệ thống pháp luật không lớn. Cuối cùng, như kinh nghiệm gia nhập WTO đã chỉ ra, với sự chuẩn bị nghiêm túc và nỗ lực cao, Việt Nam có thể thực hiện thành công khối lượng công việc này, nhất là khi ta được quyền thực hiện theo lộ trình".

Những lợi ích mà Hiệp định CPTPP mang lại, các doanh nghiệp Việt Nam và các nước thành viên sẽ có nhiều cơ hội để phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh tại Việt Nam. Không chỉ là cơ hội của kinh tế, chính trị và đối ngoại, CPTPP còn là dịp để Việt Nam cải cách thể chế, hướng đến hoàn thiện môi trường đầu tư - kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, từng bước khẳng định vai trò, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác