(VOV5) - Sự kiện này mở ra một giai đoạn mới, thúc đẩy và hợp tác sâu rộng, đóng góp vào sự phát triển hơn nữa của một châu Á – Thái Bình Dương vốn đang phát triển một cách năng động.
Ngày 8/3, tại Santiago, Chile, đại diện 11 nước thành viên đã chính thức ký kết Hiệp định Đối tác và Toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Sự kiện này mở ra một giai đoạn mới, thúc đẩy và hợp tác sâu rộng, đóng góp vào sự phát triển hơn nữa của một châu Á – Thái Bình Dương vốn đang phát triển một cách năng động. Trong chương trình hôm nay, chúng tôi xin giới thiệu cuộc trao đổi giữa phóng viên Đài TNVN với Bộ trưởng Tái thiết Kinh tế Nhật Bản Toshimitsu Moteghi.
PV: Thưa Bộ trưởng, ông đánh giá thế nào về ý nghĩa của buổi ký kết Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương cũng như những lợi ích của Hiệp định này đối với những thành viên?
Bộ trưởng Moteghi: Hôm nay là ngày rất quan trọng đối với CPTPP. Mới đây, tôi có gặp Bộ trưởng Công thương Việt Nam Trần Tuấn Anh. Trong suốt quá trình vừa qua, Ngài Bộ trưởng và Chính Phủ Việt Nam đã hợp tác rất chặt chẽ với chúng tôi. Chắc quý vị cũng biết là từ 23/1/2017, Chính phủ Hoa Kỳ đã quyết định rời bỏ TPP. 11 một nước còn lại đã liên kết lại thúc đẩy quá trình đàm phán. Đúng 1 năm sau tức là ngày 23/1 vừa qua, tại Tokyo Cương lĩnh chủ yếu của CPTPP đã được quyết định, và ngày hôm nay sẽ Hiệp định này sẽ được chính thức ký kết. Trước đó, vào tháng 11 năm ngoái, tại Đà Nẵng các nước liên quan cũng đã đạt được thỏa thuận cốt lõi. Trong những kết quả đạt được đến nay, có sự hợp tác chặt chẽ giữa Việt Nam và Nhật Bản. Hai bên đã vượt qua nhiều khó khăn để thúc đẩy quá trình đàm phán. Có thể coi đây là một quy tắc mới thúc đẩy một trào lưu mới của thương mại, đầu tư của thế kỷ 21 đóng góp vào sự phát triển hơn nữa của một châu Á – Thái Bình Dương vốn đang phát triển một cách năng động.
Bộ trưởng Tái thiết kinh tế Nhật Bản Toshimitsu Motegi (trái) trả lời phỏng vấn của Phóng viên VOV. |
Đặc biệt, Việt Nam đã có những đóng góp to lớn cho quá trình này và một lần nữa tôi xin bày tỏ sự biết ơn đối với sự hợp tác hiệu quả, nhiệt tình của Việt Nam. Xin nói thêm một chút về CPTTP. Đây là một hiệp định khác hẳn với các Hiệp định tự do thương mại song phương (FTA). Theo đó, nhiều nước cùng hợp tác, thông qua liên kết kinh tế để cùng thúc đẩy không chỉ thương mại và đầu tư mà cả việc tạo ra chuỗi giá trị quốc tế, cung cấp những sản phẩm và dịch vụ mà trước nay chưa từng có. Nó cũng tạo ra những hiệu quả mới cho thương mại, đầu tư. Thiết nghĩ, tới đây Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Trong bối cảnh đó, những nước như Việt Nam sẽ tận dụng được nguồn lực trong và ngoài khu vực gia tăng thương mại, đầu tư cũng như phát triển thị trường mới.
PV: CPTTP được cho là mất đi nhiều ý nghĩa khi không có sự tham gia của Mỹ, ông đánh giá thế nào về nhận định này?
Bộ trưởng Moteghi: TPP 11 hay còn gọi là TPP không có Hoa Kỳ chiếm tới 13% GDP toàn cầu tương đương 10 ngàn tỷ USD, 15% tổng kim ngạch thương mại thế giới tương đương 5000 tỷ USD, tạo ra một thị trường lớn nhất trên thế giới. Nó còn tạo ra một cửa ngõ vào khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đang phát triển mạnh mẽ. Cùng với đó là một cơ sở để phát triển hợp tác thương mại theo những trật tự mới. Đó là một thương điệp tích cực cho toàn châu Á – Thái Bình Dương. Cùng với TPP 11, hợp tác trong và ngoài khu vực, hợp tác giữa các nước thành viên với nhau và hợp tác giữa các nước thành viên với các nước hoặc khu vực khác sẽ gia tăng. Trong quá trình hợp tác đó, nếu có một nước nào đó chấp nhận được những yêu cầu, quy định của Hiệp định này cũng sẽ được gia nhập, theo đó TPP11 sẽ được mở rộng.
PV: Được coi là nền kinh tế hàng đầu trong CPTTP, Nhật Bản sẽ làm gì để phát huy vai trò đầu tầu của mình?
Bộ trưởng Moteghi: Tháng 11 năm ngoái Nhân Hội nghị thượng đỉnh APEC tại Đà Nẵng, Nhật Bản và Việt Nam đã cùng đưa ra Tuyên bố Chủ tịch. 11 nước cũng đã cùng thảo luận và đạt được thỏa thuận quan trọng dẫn tới việc Hiệp định được ký kết. Trong suốt quá trình đó, Nhật Bản đã giữa một vai trò trung tâm. Chúng tôi rất tự hào về điều này. Đặc biệt, chúng tôi rất biết ơn việc Việt Nam đã hợp tác hiệu quả trong suốt thời gian vừa qua. Tới đây, để Hiệp định có hiệu lực, chúng ta cần phải làm thêm một số việc nữa và cả 11 nước cần liên kết để vượt qua. Nhật Bản sẽ tiếp tục làm tốt vai trò điều phối, dẫn hướng, tạo liên kết của mình. Và , mục tiêu chung là để CPTPP sớm có hiệu lực.
PV: Xin cảm ơn Bộ trưởng!