Củng cố, tăng cường quan hệ với các nước trong khu vực Đông Nam Á

(VOV5) - Nhận lời mời của Quốc vương Brunei Darussalam Haji Hassanal Bolkiah Mu’izzaddin Waddaulah và Tổng thống nước Cộng hòa Liên bang Myanmar Thein Sein, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Phu nhân tiến hành thăm cấp Nhà nước Brunei Darussalam từ ngày 27 – 29/11/2012 và Cộng hòa Liên bang Myanmar từ ngày 29/11 – 01/12/2012. Các chuyến thăm nhằm khẳng định Việt Nam hết sức coi trọng quan hệ với các quốc gia trong khu vực ASEAN, mong muốn đưa quan hệ giữa Việt Nam với các nước này ngày càng đi vào chiều sâu, vì lợi ích của mỗi nước.


Củng cố, tăng cường quan hệ với các nước trong khu vực Đông Nam Á - ảnh 1
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang


Chuyến thăm tới Brunei của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang diễn ra trong bối cảnh hai nước kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1992-2012). Kể từ khi thiết lập quan hệ Ngoại giao tháng 2/1992, quan hệ hai nước phát triển tốt đẹp. Hai bên thường xuyên trao đổi chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao: Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm Brunei Darussalam năm 2007; Quốc vương Haji Hassanal Bolkiah Mu’izzaddin Waddaulah sang Hà Nội dự Hội nghị Cấp cao ASEAN 16 (4/2010) và Hội nghị Cấp cao ASEAN 17 (10/2010); Bộ trưởng Phạm Bình Minh thăm chính thức Brunei Darussalam tháng 2/2012.


Trong quan hệ thương mại, kim ngạch thương mại song phương mới chỉ đạt vài triệu USD mỗi năm. Về đầu tư, Brunei hiện là nhà đầu tư lớn thứ 12 của Việt Nam với hơn 129 dự án, vốn đăng ký 4,9 tỷ USD tính đến hết tháng 9/2012. Việt Nam mới chỉ có 1 dự án đầu tư vào Brunei. Trong các lĩnh vực giáo dục, văn hóa, du lịch, hợp tác giữa hai nước còn hết sức khiêm tốn, chủ yếu thông qua các khuôn khổ hợp tác đa phương. Về quốc phòng, hợp tác giữa hai nước trong những năm gần đây phát triển tốt, song chỉ dừng ở mức trao đổi đoàn quân sự các cấp nhằm tăng cường sự hiểu biết, xây dựng lòng tin và tìm hiểu khả năng hợp tác cùng có lợi giữa quân đội hai nước. Hai bên đã ký Bản ghi nhớ về hợp tác quốc phòng, thiết lập phòng tùy viên quốc phòng ở nước mỗi nước. Về an ninh, mặc dù hợp tác giữa Bộ Công An Việt Nam với các cơ quan hữu quan Brunei được duy trì đều đặn nhưng hai bên chưa triển khai được nhiều hợp tác cụ thể, chủ yếu là thông qua các diễn đàn hợp tác đa phương như Diễn đàn an ninh khu vực (ARF), Cảnh sát quốc tế (Interpol), Cảnh sát ASEAN (ASEANPOL).


Vì vậy, chuyến thăm cấp Nhà nước tới Brunei lần này của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, một mặt nhằm khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam coi trọng quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt với Brunei, mặt khác đây cũng là dịp để hai nhà lãnh đạo trao đổi phương hướng thắt chặt hơn nữa mối quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam – Brunei.


Rời Brunei, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sẽ tiến hành thăm cấp nhà nước Liên bang Myanmar trong 3 ngày 29,30/11 và 1/12/2012. Diễn ra trong bối cảnh Cộng hòa Liên bang Mianma trong thời gian gần đây có nhiều phát triển mới quan trọng, chuyến thăm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang là dịp để hai bên trao đổi nhiều biện pháp sâu rộng để đưa quan hệ Việt Nam và Myanmar bước sang một giai đoạn mới, nhất là thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư.


Tính đến tháng 9/2012, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam-Myanmar đạt gần 160 triệu USD, tăng 29% so với cùng kỳ năm 2011. Dù hai bên đã có nhiều cố gắng như mở đường bay trực tiếp, thúc đẩy tổ chức các hội chợ thương mại tại mỗi nước nhằm tạo điều kiện cho hàng hóa đến với người dân của hai nước, nhưng về tổng thể quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước còn phát triển chậm, chưa đáp ứng với tiềm năng hai nước. Việt Nam và Myanmar cũng đang thúc đẩy việc hợp tác kết nghĩa giữa các tỉnh/thành phố hai nước nhằm đẩy mạnh hợp tác kinh tế giữa các địa phương trong các lĩnh vực lợi thế của mỗi bên. Điển hình như tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đang thúc đẩy hợp tác kết nghĩa với Bang Tauiathayi về đánh bắt, nuôi trồng, chế biến hải sản; tỉnh An Giang đang thúc đẩy hợp tác kết nghiã với bang Ayeyarwaddy về trồng lúa nước, nuôi và chế biến thủy sản. Ngoài ra, hai thành phố Hồ Chí Minh và Yangoon đã ký kết Bản Ghi nhớ về thiết lập quan hệ hữu nghị hợp tác giữa hai thành phố. Tuy nhiên, dù đã ký nhiều hiệp định và thỏa thuận hợp tác nhưng kết quả hợp tác giữa Việt Nam và Myanmar vẫn còn nhiều hạn chế, triển khai vẫn chưa được nhiều. Hai bên chủ yếu vẫn hợp tác qua hình thức trao đổi đoàn chuyên gia, chia sẻ kinh nghiệm. Về lâm nghiệp, hiện tập đoàn cao su Việt Nam đang nghiên cứu triển khai đề án trồng 200.000 ha cao su tại Myanmar, nhưng đến nay hai bên vẫn chưa ký được thỏa thuận hợp tác đầu tư do chưa thống nhất được địa điểm thực,hiện dự án...Hai nước ký Hiệp định Hợp tác Du lịch năm 1994, nhưng việc triển khai cũng hạn chế, lượng khách du lịch giữa hai nước còn ít.


Bởi vậy, trong chuyến thăm cấp Nhà nước Cộng hòa Liên bang Myanmar của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang lần này, Lãnh đạo Cấp cao hai nước sẽ trao đổi các biện pháp thiết thực, cụ thể hóa quyết tâm của lãnh đạo hai nước, thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực như thương mại, đầu tư, hợp tác biển, nông - ngư nghiệp, dầu khí, lao động, xây dựng…Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và các nhà lãnh đạo Myanmar cũng sẽ trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm. Chuyến thăm sẽ góp phần tăng cường mối quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác nhiều mặt Việt Nam – Myanmar lên một bước phát triển mới./.

Phản hồi

Các tin/bài khác