(VOV5) - Ngón đòn của Nhà Trắng nhắm vào các công ty công nghệ của Trung Quốc khiến Trung Quốc phải nỗ lực chống chọi.
Kể từ ngày 13/8, Mỹ chính thức cấm các cơ quan chính phủ mua sản phẩm của các công ty sử dụng các dịch vụ viễn thông, giám sát hình ảnh cũng như thiết bị do 5 công ty công nghệ của Trung Quốc cung cấp. Quyết định này, cùng với 1 loạt lệnh cấm các ứng dụng của Trung Quốc trước đó, không chỉ chấm dứt mối quan hệ lâu đời giữa các ngành công nghệ ở Mỹ và Trung Quốc, mà còn làm rạn nứt mối quan hệ hai bên trong lĩnh vực mạng internet toàn cầu.
5 công ty công nghệ Trung Quốc trong danh mục cấm gồm Huawei, ZTE Corp., Hytera Communications Corp., Hangzhou Hikvision Digital Technology Co. và Zhejiang Dahua Technology Co. Quy định trên tiếp nối nỗ lực thanh lọc các ứng dụng không đáng tin cậy của Trung Quốc khỏi mạng lưới số của Mỹ của chính quyền D.Trump. Washington quan ngại các sản phẩm của các công ty Trung Quốc có thể được sử dụng cho các hoạt động do thám và những hoạt động khác gây tổn hại an ninh quốc gia Mỹ.
Ảnh minh họa. Nguồn Reuters
|
Lún sâu vào cuộc chiến
Trung Quốc là thị trường internet lớn nhất thế giới trong nhiều năm tới vì có số dân sử dụng internet lớn nhất thế giới và sở hữu những mạng lưới di động 4G và 5G tiên tiến nhất thế giới. Nhưng liên tiếp thời gian qua, hết Huawei rồi đến ZTE, Hikvision… liên tục bị chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump cho vào danh mục cấm. Và mới đây nhất, Tik Tok, WeChat là mục tiêu mới trong cuộc chiến công nghệ đang leo thang Mỹ-Trung.
Gọi TikTok và WeChat là những "mối đe dọa nghiêm trọng", ông D.Trump khẳng định ứng dụng TikTok được sử dụng cho các chiến dịch thông tin sai lệch có lợi cho Trung Quốc và Mỹ phải có hành động tích cực chống lại công ty sở hữu TikTok để bảo vệ an ninh quốc gia. Ông Trump đã ra thời hạn 45 ngày cho Tập đoàn Microsoft phải hoàn tất việc tiếp quản hoạt động của TikTok tại Mỹ. Trong khi đó, đối với WeChat, ông Donald Trump cho hay ứng dụng này tự động thu thập một lượng lớn thông tin từ người dùng và cho phép Trung Quốc tiếp cận thông tin cá nhân của người Mỹ. Động thái này làm leo thang căng thẳng cuộc đối đầu Mỹ - Trung Quốc về tương lai của ngành công nghệ toàn cầu. Đáng chú ý, lệnh cấm ứng dụng WeChat đã gây chấn động cho người Mỹ gốc Hoa và bất kỳ ai có mối quan hệ với Trung Quốc. Bởi ứng dụng này có tầm ảnh hưởng rộng lớn và đối với nhiều người Trung Quốc, WeChat là một phần không thể thiếu để kết nối với thế giới.
Lẽ tất nhiên, Trung Quốc không ngồi yên khi mà tham vọng “bá chủ” công nghệ toàn cầu của mình đang bị thách thức nghiêm trọng. Ngoài việc “khẩu chiến” khi tuyên bố rằng Mỹ đang "bắt nạt" các công ty công nghệ Trung Quốc bằng một "tầm nhìn hạn hẹp" thì Bắc Kinh cảnh báo các công ty Trung Quốc không còn lựa chọn nào khác ngoài việc “chiến đấu tới cùng”. Trong thời gian tới, nhiều khả năng chính quyền Bắc Kinh có thể sẽ đưa Apple vào danh sách các thực thể không tin cậy giống như cách Mỹ đã làm với Huawei trước đó.
Cùng thiệt hại trong cuộc cọ sát
Với các lệnh cấm và đáp trả giữa hai bên, cả Mỹ và Trung Quốc được dự báo đều phải chịu tổn thất. Ngành công nghiệp công nghệ của Trung Quốc phải nỗ lực để tồn tại dưới sự đe dọa của các lệnh phong tỏa. Quyết định trừng phạt của Mỹ cũng sẽ khiến cho các nhà đầu tư nước ngoài suy nghĩ lại trước khi đặt quan hệ đối tác với các công ty Trung Quốc. Bắc Kinh đã đầu tư đáng kể về chính trị cũng như kinh tế để nuôi dưỡng các nhà vô địch công nghệ thế giới của họ, nhưng Washington giờ đây đang dùng uy thế của mình trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng Internet và hệ thống điều hành để ngăn chặn toan tính của Trung Quốc. Ngón đòn của Nhà Trắng nhắm vào các công ty công nghệ của Trung Quốc khiến Trung Quốc phải nỗ lực chống chọi.
Với Mỹ, các lệnh cấm có thể ảnh hưởng đến các công ty nước ngoài tại Mỹ, mà Nhật Bản là một ví dụ, buộc các công ty này phải xem xét chuyển đổi để tránh sử dụng các sản phẩm từ các công ty Trung Quốc. Theo thống kê, hiện Chính phủ Mỹ đang có quan hệ hợp tác với hơn 800 doanh nghiệp Nhật Bản. Thêm nữa, các lệnh cấm sử dụng các ứng dụng internet của Trung Quốc có thể cắt nguồn thu nhập đến từ quảng cáo của các nhãn hiệu Mỹ muốn vươn đến người tiêu dùng ở Trung Quốc. Hơn hết, trên mặt chính trị, người dân hai nước có thể phải gánh chịu cái giá của cuộc chiến thương mại một cách rõ rệt hơn. Trong lúc này, Alibaba, một trong những doanh nghiệp Internet và bán lẻ của Trung Quốc lớn nhất thế giới, đang được dự báo có thể là mục tiêu tiếp theo trong “cuộc chiến” công nghệ Mỹ-Trung. Nếu đúng như vậy, cuộc chiến này chắc chắn còn nhiều diễn biến gay cấn hơn trong những ngày tới.