Cuộc đối đầu trên chính trường Ai Cập

(VOV5) -Căng thẳng trên chính trường Ai Cập đang bước sang một giai đoạn mới sau quyết định của Tòa án tối cao giải tán quốc hội và ngăn chặn sắc lệnh của Tổng thống khôi phục quốc hội. Những diễn biến này dọn đường cho một cuộc đối đầu căng thẳng giữa Tổng Thống dân sự mới được bầu lên Mohamed Morsy với quân đội Ai Cập, vốn vẫn nắm quyền lực trên chính trường.


Cuộc đối đầu trên chính trường Ai Cập - ảnh 1

Tòa nhà Quốc hội Ai Cập hôm 10/7 (Ảnh AP)

Không nằm ngoài dự đoán, sau cuộc bầu cử tổng thống lịch sử, chính trường Ai Cập vẫn lún sâu vào vòng xoáy tranh giành quyền lực. Ngay sau sắc lệnh của tân Tổng thống Mohamed Morsy về việc khôi phục quốc hội từng bị Tòa án Hiến pháp tối cao giải tán ngày 8/7, dư luận Ai Cập đã có những phản ứng trái chiều. Trong khi quân đội và Tòa án hiến pháp tối cao tuyên bố mọi phán quyết của tòa đều phải được tôn trọng, thì chính phủ của Tổng thống Mohamed Morsy khẳng định sắc lệnh triệu tập quốc hội hoàn toàn dựa trên quy định của hiến pháp. Động thái của Tổng thống Morsy, một thành viên lâu năm của phong trào Anh em Hồi giáo, gần như chắc chắn sẽ gây mâu thuẫn với giới tướng lĩnh quân sự đầy quyền lực.

Ngày 10/7, Tòa án Hiến pháp tối cao Ai Cập đã đình chỉ sắc lệnh của ông Mohamed Morsy và tuyên bố phán quyết trước đó của tòa, coi cuộc bầu cử là không hợp hiến và giải tán quốc hội, phải được thực thi. Trước đó, ngày 8/7, Hội đồng tối cao các lực lượng vũ trang nước này, vốn chuyển giao quyền lực cho Tổng thống thuộc phong trào Anh em Hồi giáo Mohamed Morsy hồi tháng trước, đã tiến hành họp khẩn cấp để thảo luận về sắc lệnh triệu tập lại quốc hội bị giải tán trước đây. Cuộc họp do Thống chế Hussein Tantawi, người đứng đầu Hội đồng tối cao các lực lượng vũ trang điều hành đất nước Ai Cập sau khi cựu Tổng thống Hosni Mubarak bị lật đổ vào năm 2011, chủ trì nhằm "nghiên cứu và thảo luận về tác động của quyết định triệu tập lại quốc hội của Tổng thống Mohamed Morsy". Trong khi đó, trong một động thái mang tính thách thức Hội đồng tối cao các lực lượng vũ trang, ngày 10/7, Quốc hội Ai Cập đã triệu tập cuộc họp. Tuyên bố khai mạc được truyền hình trực tiếp cả nước, Chủ tịch Quốc hội Saad al-Katatni nói rằng cuộc họp nhằm "xem xét những phán quyết của Tòa án Hiến pháp tối cao. Dư luận cho rằng, các mâu thuẫn này đang làm gia tăng căng thẳng giữa Tổng thống Mohamed Morsy, Tòa án Hiến pháp tối cao và Hội đồng tối cao các lực lượng vũ trang. Trước những diễn biến mới trên chính trường Ai Cập, ngày 10/7, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã phải kêu gọi tất cả các bên đối thoại chấm dứt tình trạng khủng hoảng.

Trở lại với sắc lệnh ngày 8/7 của ông Mohamed Morsy, theo đó, quốc hội sẽ được triệu tập lại cho tới khi bầu ra quốc hội mới. Người phát ngôn của Tổng thống Mohamed Morsy, ông Ali, cho biết sắc lệnh về khôi phục hoạt động của quốc hội là không vi phạm cũng như không trái với phán quyết của Tòa án Hiến pháp tối cao, đồng thời nhấn mạnh quyết định của Tổng thống Morsy là dựa trên quy định của hiến pháp. Theo đó, cuộc bầu cử quốc hội trước thời hạn sẽ được tổ chức trong vòng 60 ngày sau khi hiến pháp mới được thông qua trong một cuộc trưng cầu ý dân.

Sắc lệnh này được xem là đảo ngược quyết định hồi tháng trước của Hội đồng tối cao các lực lượng vũ trang giải tán quốc hội căn cứ theo một phán quyết của Tòa án hiến pháp tối cao. Bởi ngày 14/6, Tòa án phán quyết rằng 1/3 số ghế trong quốc hội được bầu đầu năm nay là không hợp lệ, đồng thời Luật Cách ly chính trị cấm các quan chức chế độ cũ hoạt động chính trị là vi hiến. Ngày 15/6, chỉ một ngày trước khi diễn ra cuộc bầu cử tổng thống vòng hai ở Ai Cập, Hội đồng tối cao các lực lượng vũ trang đã ra lệnh giải tán quốc hội theo phán quyết của Tòa án hiến pháp tối cao. Trong cuộc bầu cử quốc hội hồi đầu năm nay, Đảng Công lý và Phát triển (FJP) của tổ chức Anh em Hồi giáo giành được 235 ghế trong tổng số 508 ghế, tương đương 47,18% số ghế tại Hạ viện.

Vấn đề ở đây là mâu thuẫn giữa quân đội và tổ chức Anh em Hồi giáo. Việc ông Mohamed Morsy trở thành Tổng thống mới của Ai Cập đánh dấu một bước ngoặt trong tiến trình hướng tới một nền dân chủ ở đất nước Kim Tự tháp kể từ sau khi Tổng thống Hosni Mubarak bị lật đổ. Thắng lợi của ông đã cho phép tổ chức Anh em Hồi giáo lên nắm quyền sau 84 năm kể từ khi tổ chức này ra đời. Tuy nhiên, chính điều này mở đầu cho một cuộc tranh giành quyền lực giữa tổ chức Anh em Hồi giáo mà ông Morsy là đại diện với bên kia là giới quân sự từ lâu nắm quyền ở đất nước Bắc Phi này. Việc tân tổng thống ban hành sắc lệnh khôi phục quốc hội, mà tổ chức Anh em Hồi giáo chiếm đa số, là sự kiện đầu tiên khơi mào mâu thuẫn đó. Theo giới quan sát, hành động này của ông Morsy là nhằm thực hiện mục tiêu giành lại quyền lực từ tay quân đội. Việc khôi phục hoạt động của quốc hội cũng là nhằm mở rộng các quyền của Tổng thống đối với các chính sách quan trọng của đất nước. Bởi khi quốc hội bị bãi nhiệm, tranh cãi về cách chia sẻ quyền lực tại đất nước giữa quân đội và tổ chức Anh em Hồi giáo gia tăng. Chính điều này đã khiến chiến thắng của ông Mohamed Morsy mất đi nhiều ý nghĩa.

Từ những diễn biến của tình hình trên chính trường Ai Cập, dư luận cho rằng, quốc gia này sẽ bước vào cuộc khủng hoảng chính trị mới. Mâu thuẫn giữa chính quyền hiện tại và giới quân sự khó có điểm dừng trong tương lai gần./.

Phản hồi

Các tin/bài khác