(VOV5) - Đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021 được cử tri lựa chọn trong cuộc bầu cử ngày 22/5 sẽ đại diện cho tiếng nói, ý chí và nguyện vọng của dân trong cơ quan quyền lực Nhà nước ở Trung ương và địa phương.
Cử tri mong muốn các đại biểu dân cử phải luôn luôn tâm niệm và hành động vì quyền lợi của nhân dân, của đất nước, đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.
|
Cử tri trẻ tuổi nhất của Cô Tô bỏ phiếu bầu cử |
Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, là dịp để cử tri lựa chọn bầu ra những người tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của mình để giám sát, xây dựng luật pháp và xem xét, quyết định các vấn đề hệ trọng của đất nước, của địa phương trong nhiệm kỳ 5 năm 2016-2021.
Sứ mạng lớn nhất của người trúng cử là đại diện cho nhân dân
Tư tưởng lấy dân làm gốc là yêu cầu hoạt động của Quốc hội và từng đại biểu Quốc hội cũng như của cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương. Gắn bó chặt chẽ, mật thiết với cử tri và Nhân dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân sẽ góp phần tạo ra sức mạnh cho Quốc hội, HĐND, bảo đảm để các cơ quan này bám sát sự vận động của đời sống kinh tế - xã hội, có những quyết sách đúng đắn, kịp thời, sát thực tiễn, hợp lòng dân. Trên tinh thần đó, các chương trình hành động của các ứng cử viên đã thể hiện ý chí, quyết tâm vì một Quốc hội đổi mới, có đủ tầm để thực thi chức trách nhiệm vụ của cơ quan lập hiến, lập pháp của Nhà nước của dân, do dân và vì dân.
Để thực hiện sứ mạng lớn nhất của người trúng cử là đại diện cho nhân dân, người trúng cử đại biểu Quốc hội thường xuyên gặp lại cử tri ở nơi ứng cử để lắng nghe nỗi niềm của dân. Ngoài việc lắng nghe dân, để trở thành đại diện thật sự của nhân dân, người đại biểu dân cử còn có trọng trách lớn khi sử dụng lá phiếu cá nhân tại nghị trường thành lá phiếu đại diện cho sức mạnh của nhân dân. Ông Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội, cho rằng: "Tôi nghĩ rằng nếu trúng cử, người dân và cử tri sẽ là người theo sát hoạt động của đại biểu mà họ đã bầu ra thông qua các hoạt động tại nghị trường Quốc hội hay tại cuộc họp của HĐND hoặc bằng hoạt động cụ thể của người đại biểu khi đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Đặc biệt, truyền thông có vị trí rất quan trọng trong việc giúp đại biểu thực hiện lời hứa của mình và cử tri thông qua truyền thông có thể giám sát được hoạt động của đại biểu".
|
Hàng nghìn cử tri của 16 xã giáp biên giới Việt – Trung trên địa bàn 3 huyện thị của Quảng Ninh là Móng Cái, Hải Hà và Bình Liêu sẽ hoàn thành quyền và nghĩa vụ công dân của mình trong ngày hôm nay. |
Xứng với niềm tin của cử tri
Mong mỏi lớn nhất của cử tri là đất nước ngày càng phát triển, cuộc sống người dân ngày càng được cải thiện về vật chất và đời sống tinh thần. Bên cạnh mong muốn chung ấy thì cử tri luôn có những mong mỏi thiết thực nhất đối với cộng đồng nơi mình sinh sống và làm việc. Những mong muốn của cử tri, dù ở tầm vĩ mô hay vi mô, được gửi gắm vào những người mà họ lựa chọn ngày hôm nay và đều đã được các ứng cử viên ghi nhận và hứa hẹn xem xét, giải quyết nếu trúng cử. Song điều quan trọng nhất là một khi đã được cử tri tin tưởng gửi gắm niềm tin thì người đại biểu dân cử phải làm sao cho xứng với niềm tin ấy. Ông Trần Phước Xảo, cử tri ở Hà Nội, cho biết: "Để bầu cho 1 đại biểu thì chúng tôi phải xem ai là người đại diện được cho nhân dân và đại diện ở đây trên cơ sở vì dân làm cho dân, gần dân, hiểu dân, nói tiếng nói của dân. Nếu không lựa chọn kỹ mà bầu những người chỉ nói suông thì không giải quyết được vấn đề gì. Do đó, chúng tôi chọn người thích ứng được, đại diện cho dân với lòng dân, thực tế gần dân".
Các đại biểu dân cử đại diện cho hàng chục triệu cử tri cả nước được bầu cử thông qua lá phiếu tự do, dân chủ của cử tri, những đại biểu ấy phải thể hiện được lòng dân, mang hơi thở cuộc sống từ thực tế đến nghị trường, từ đó đề ra những quyết sách phù hợp với đời sống của nhân dân. Cử tri Nguyễn Văn Tâm (Hà Nội) mong muốn: "Mong các ứng viên Đại biểu Quốc hội nhiệt huyết trong các hoạt động của cơ quan dân cử, mang nguyện vọng của nhân dân tới Quốc hội, quyết tâm chống tham nhũng. Đó là mong mỏi của người dân".
Cử tri Nguyễn Ngọc Thành, tỉnh Phú Thọ, bày tỏ: "Tôi thấy ứng cử viên đề cập tương đối cụ thể vào lĩnh vực của mình. Các ứng cử viên nếu làm được như vậy, thực hiện được đúng cam kết thì chúng tôi rất hoan nghênh và chắc chắn thay đổi được tình hình kinh tế - xã hội và mọi mặt của đất nước. Tôi mong muốn các ứng cử viên nếu trúng cử sẽ thực hiện tốt những lời hứa và tin rằng họ sẽ làm tốt hơn cả những gì đã hứa".
Quốc hội Việt Nam đã trải qua hơn 70 năm hình thành và phát triển, với 13 nhiệm kỳ. Đối với mỗi khóa Quốc hội, tình hình và nhiệm vụ mới lại đặt ra những trọng trách mới nhưng người dân luôn tin những đại biểu dân cử sẽ đem hết tinh thần, tài đức phục vụ nhân dân. Niềm tin này sẽ là động lực để mỗi vị đại biểu dân cử thực thi chương trình hành động của mình đạt hiệu quả, xứng đáng với sự tin tưởng của cử tri.