(VOV5) - Bên lề Quốc hội, một số đại biểu kỳ đóng góp nhiều ý kiến về những giải pháp tháo gỡ khó khăn của nền kinh tế, lộ trình cho những quyết sách dài hơi...
Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV đang diễn ra tại Hà Nội. Đây là kỳ họp giữa năm 2024 quan trọng, được coi là năm về đích của các chương trình lớn, các vấn đề về kinh tế vĩ mô, xã hội cần đưa ra quyết sách. Bên lề Quốc hội, một số đại biểu kỳ đóng góp nhiều ý kiến về những giải pháp tháo gỡ khó khăn của nền kinh tế, lộ trình cho những quyết sách dài hơi để hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội đã đề ra.
Các đại biểu quốc hội đều nhận định mặc dù những tháng đầu năm nay, các chỉ số kinh tế Việt Nam được cải thiện nhưng tăng trưởng kinh tế còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Việc Chính phủ đề ra 11 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu trong thời gian tới là những quyết sách đúng hướng, cần phải được triển khai quyết liệt.
Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Ảnh: vov.vn |
Tập trung vào các giải pháp đột phá, trọng tâm
Theo báo cáo Chính phủ, tăng trưởng kinh tế GDP quý I năm nay tăng khoảng 5,66% so với cùng kỳ năm ngoái, cao nhất trong 4 năm trở lại đây. Chính sách tiền tệ được điều hành linh hoạt; Giải ngân vốn đầu tư công tính đến ngày 30/4 đạt hơn 17,4% kế hoạch, cao nhất trong 4 năm qua. Sản xuất nông nghiệp tăng trưởng, sản xuất công nghiệp phục hồi...
Tuy nhiên, tình hình kinh tế, chính trị thế giới biến động phức tạp, khó lường, nhiều diễn biến chưa có tiền lệ, vượt dự báo, tạo áp lực lớn lên công tác chỉ đạo điều hành. Do đó, việc Chính phủ tập trung vào 11 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, được đại biểu quốc hội hết sức tán thành.
Đồng tình với nội dung giải pháp Chính phủ đưa ra là chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ, ông Nguyễn Chu Hồi, đại biểu quốc hội thành phố Hải Phòng, cho rằng: "Trong mọi lĩnh vực thì khoa học công nghệ vẫn phải là đi đầu. Chưa lúc nào tôi thấy vai trò của khoa học công nghệ lại rõ nét như hiện nay. Đến bây giờ mà chúng ta không đánh giá đúng vị trí của khoa học công nghệ với tư cách là chìa khóa để quyết định sự bứt phá nào đó thì chúng ta sẽ sai lầm. Mà vai trò của khoa học công nghệ lại gắn liền với chất lượng nguồn nhân lực và đào tạo lại nguồn nhân lực. Cho nên, chúng ta muốn thay đổi chất lượng nguồn nhân lực, muốn có công nghệ do chính chúng ta tạo ra thì rõ ràng phải có sự chuẩn bị và đổi mới hết sức quyết liệt, toàn diện và toàn thể."
Ông Hoàng Văn Cường, đại biểu quốc hội thành phố Hà Nội. Ảnh: daibieunhandan.vn |
Bên cạnh chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ, một giải pháp mà Chính phủ đề ra thực hiện quyết liệt trong năm nay là đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, lấy đầu tư công kích hoạt và dẫn dắt đầu tư tư, tăng cường hợp tác công tư.
Ông Hoàng Văn Cường, đại biểu quốc hội thành phố Hà Nội, nêu rõ: "Nếu chúng ta làm tốt việc đầu tư công này thì tôi cho rằng nó sẽ tác động hai mặt. Thứ nhất, là giúp tăng tổng cầu thông qua đầu tư công. Thứ hai, hiện nay lượng tiền đang dư thừa, việc chính phủ tăng đầu tư công, phát hành các trái phiếu thì không sợ cạnh tranh với doanh nghiệp. Tôi cho rằng, chúng ta cũng phải nghĩ đến đầu tư công trong các lĩnh vực về hạ tầng xã hội chứ không phải chỉ có lĩnh vực giao thông, chẳng hạn như là giáo dục, y tế. Đặc biệt, hiện nay Việt Nam đang thu hút đầu tư nước ngoài theo cái gọi là đầu tư thế hệ mới, các lĩnh vực là công nghệ cao, như chip bán dẫn, thì chúng ta phải chuẩn bị thật tốt nguồn nhân lực. Mà cái này phải có đầu tư công thì mới giải quyết được, tạo ra những phát triển đột phá về mặt chất lượng nguồn nhân lực."
Tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh nguồn nước, xây dựng Đề án tổng thể về phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn... cũng là nhóm giải pháp mà đại biểu quan tâm, mong muốn Chính phủ tập trung đẩy mạnh.
Ông Nguyễn Trúc Sơn, trưởng đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Bến Tre, nêu ý kiến: "Vấn đề mà chúng tôi nhận được rất nhiều phản ánh của cử tri đó là vấn đề biến đổi khí hậu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nhất là vừa qua hạn mặn kéo dài. Làm sao chính phủ, các bộ ngành Trung ương cũng như chính quyền địa phương các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long phải có những giải pháp trước mắt và lâu dài để đảm bảo có nguồn nước ngọt, nước sạch cho phục vụ sản xuất cũng như là sinh hoạt của người dân."
Kỳ vọng vào nhiều quyết sách
Nhìn vào bức tranh kinh tế của Việt Nam trong năm 2023 và những tháng đầu năm nay, Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực. Tăng trưởng GDP quý I/2024 đạt 5,66%; Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4 tháng tăng 3,93% so với cùng kỳ. Tổng vốn FDI đăng ký đạt 9,27 tỷ USD, tăng 4,5%. Nhiều tập đoàn lớn đã cam kết đầu tư vào Việt Nam trong các ngành điện tử, chíp, bán dẫn, năng lượng tái tạo… Đây là nỗ lực, quyết tâm rất cao của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, cần có những giải pháp cấp bách và lâu dài để đảm bảo kinh tế Việt Nam phát triển bền vững hơn, nâng cao tính độc lập, tự chủ trong thời gian tới.
Ông Trịnh Xuân An, đại biểu quốc hội tỉnh Đồng Nai, nhấn mạnh: "Tôi cho rằng chúng ta đã có những con số rất đáng mừng, nhưng chúng ta vẫn phải có các biện pháp quyết liệt, cụ thể. Kỳ họp thứ 7 là kỳ họp giữa năm. Năm 2024 được xem là bản lề trước khi bước sang năm 2025, gần cuối của nhiệm kỳ. Có thể coi đây là năm về đích của các chương trình lớn, các vấn đề về kinh tế vĩ mô, xã hội đều chờ đợi kỳ họp này có những phúc đáp và có đề xuất. Những ý kiến, quyết sách của kỳ họp này tác động lớn đến công tác điều hành đất nước."
Đại biểu cũng tin tưởng với nỗ lực lớn, quyết tâm cao, Chính phủ điều hành tiếp tục phát huy những thành quả, vượt qua khó khăn để hoàn thành cao nhất mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2024 và cả giai đoạn 2021 - 2025.