Đại biểu Quốc hội đóng góp vào Dự thảo Văn kiện Đại hội XII

(VOV5) -  Tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến vào Dự thảo Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Trong đó, các đại biểu Quốc hội tập trung đóng góp ý kiến chủ yếu về những giải pháp và định hướng phát triển kinh tế.

Đại biểu Quốc hội đóng góp vào Dự thảo Văn kiện Đại hội XII  - ảnh 1
Đoàn đại biểu quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh thảo luận về các dự thảo văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Ảnh: dangcongsan.vn


Đại hội đại biểu toàn quốc Đại hội XII của Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ diễn ra vào đầu năm 2016. Do vậy, các ý kiến thảo luận, đóng góp vào Dự thảo Văn kiện Đại hội XII của Đảng tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII là rất quan trọng, mang tính chiến lược trong chặng đường xây dựng và bảo vệ đất nước thời kỳ đẩy mạnh hội nhập quốc tế.

Doanh nghiệp là động lực quan trọng của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa

Dự thảo Văn kiện Đại hội XII của Đảng được nhiều đại biểu Quốc hội nhận đinh đã phân tích, đánh giá tình hình một cách chính xác, thẳng thắn mọi mặt phát triển kinh tế-xã hội cũng như đề ra những mục tiêu phát triển hợp lý, phù hợp với thực tiễn tình hình, đảm bảo tính khả thi. Các đại biểu Quốc hội đồng tình cao với việc Dự thảo văn kiện Đại hội XII đã xác định rõ doanh nghiệp là thành phần kinh tế chủ đạo của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Ông Nguyễn Quốc Bình, đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, cho rằng: “Trong Hiến pháp 2013 cũng xác định doanh nghiệp là một lực lượng quan trọng. Nghị quyết lần trước chưa trao sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa cho doanh nghiệp. Lần này xác định rõ hơn, doanh nghiệp là động lực quan trọng, là lực lượng chủ đạo của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trong các chủ trương đều nói rõ phải xây dựng chính sách để cho doanh nghiệp thực sự là lực lượng đi đầu, nòng cốt của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Từ đó, chúng ta thống nhất chỉ đạo”.

Việc xác định thị trường là vấn đề cơ bản, nhà nước cần điều tiết mọi hoạt động kinh tế trên cơ sở thị trường. Đây cũng là điểm đổi mới hẳn so với Nghị quyết XI. Dự thảo Văn kiện Đại hội XII lần này xác định nhà nước lấy mục tiêu thị trường và lấy thị trường làm gốc để điều hành, phân bổ nguồn lực và điều hành phát triển kinh tế.

Phát triển kinh tế theo chiều sâu    

Một nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, đó là mô hình tăng trưởng  theo chiều sâu, chủ yếu dựa vào tăng năng suất lao động nhờ lực lượng lao động được đào tạo, có tay nghề cao, ứng dụng tiến bộ khoa học-công nghệ. Ông Nguyễn Phi Thường, đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, góp ý:  “Vấn đề quan trọng với Việt Nam bây giờ điểm then chốt là phải thúc đẩy phát triển kinh tế theo chiều sâu. Tức là phải chuyển từ lượng sang chất. Có 3 việc phải làm. Thay đổi phương thức phân bổ nguồn lực hiệu quả cho nền kinh tế. Thứ hai khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ. Thứ ba là liên quan đến đào tạo chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao. 3 yếu tố này đều phục thuộc vào đổi mới tư duy, cải cách thể chế”.

Thảo luận tại nghị trường, các đại biểu Quốc hội nhấn mạnh giải pháp tiếp tục triển khai Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế và tái cơ cấu các ngành, lĩnh vực. Ba lĩnh vực trọng tâm được xác định bao gồm tái cơ cấu đầu tư công; tái cơ cấu hệ thống tài chính-ngân hàng, trọng tâm là các ngân hàng thương mại và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

Coi trọng phát triển doanh nghiệp tư nhân

Báo cáo chính trị trình Đại hội XII xem kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng để phát triển kinh tế đất nước. Khu vực kinh tế tư nhân phần lớn đó là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các đại biểu Quốc hội cho rằng đây là điểm mới mang tính đột phá trong dự thảo Văn kiện Đại hội lần này. Ông Nguyễn Quốc Bình, đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, cho rằng:     “Nghị quyết Đại hội XI chỉ xác định các thành phần kinh tế, trong đó có thành phần kinh tế tư nhân. Nhưng lần này Nghị quyết đã xác định rất rõ hoàn thiện cơ chế chính sách, khuyến khích tạo thuận lợi phát triển mạnh kinh tế tư nhân ở hầu hết các lĩnh vực kinh tế và trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế. Điều này tạo nền tảng để chúng ta phát triển kinh tế theo định hướng thị trường và huy động được các nguồn lực mạnh mẽ của toàn xã hội để phát triển kinh tế.

Các đại biểu Quốc hội cho rằng con số 500 ngàn doanh nghiệp hiện nay là còn thấp, cần phải tăng lên 2 triệu doanh nghiệp vào năm 2020. Bên cạnh đó Nhà nước tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường và theo hướng tạo điều kiện cạnh tranh công bằng giữa các loại hình doanh nghiệp

Có thể khẳng định các đại biểu Quốc hội đã đóng góp ý kiến nghiêm túc, trách nhiệm, tâm huyết cao vào Dự thảo văn kiện trình Đại hội XII của Đảng, góp phần đưa đất nước tiến lên trong thời điểm đang hội nhập ngày càng sâu rộng.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác