Đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam

(VOV5) - Đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là động lực và nguồn lực to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Báo cáo Chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng cộng sản Việt Nam, đang diễn ra tại Hà Nội, khẳng định: Đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là động lựcvà nguồn lực to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.Cán bộ, Đảng viên và nhân dân cả nước mong muốn Đảng luôn kế thừa và phát huy những bài học kinh nghiệm về đại đoàn kết, thể hiện vai trò hạt nhân của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong bối cảnh mới.

 

Đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam - ảnh 1
Người dân mong mỏi Đảng sẽ tiếp tục kế thừa, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trong đó Đảng đóng vai trò hạt nhân


Kể từ khi có Đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo cách mạng Việt Nam đến nay, sức mạnh đại đoàn kết của dân tộc được phát huy ngày càng cao do có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa truyền thống quý báu của dân tộc và định hướng khoa học của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết toàn dân tộc. Ông Phạm Thế Duyệt, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cho rằng: Đảng cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đoàn kết các tầng lớp nhân dân, tạo sức mạnh tổng hợp làm nên thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước. Công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế hiện nay đặt ra những yêu cầu mới đối với việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Do đó, Đảng cần tiếp tục nêu cao ngọn cờ đại đoàn kết toàn dân tộc. Ông Phạm Thế Duyệt khẳng định:“Tôi nghĩ nếu phát huy được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc thì Đảng phải đoàn kết, Trung ương phải đoàn kết, phải là tấm gương cho quần chứng nhân dân. Nhân dân đòi hỏi Đảng cộng sản Việt Nam thực hiện cho được đường lối, nghị quyết đề ra. Làm tốt được cái đó thì chúng ta mới tiếp tục phát huy sức mạnh đại đoàn kết để thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế thành công”.

 

Củng cố và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc là một nội dung quan trọng trong đường lối cách mạng của Đảng hơn 85 năm qua. Báo cáo Chính trị của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII cũng khẳng định: “Đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là động lực và nguồn lực to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Xuân Hằng, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, cho rằng: Sự nghiệp cách mạng Việt Nam do Đảng lãnh đạo là sự nghiệp không thể tách rời sự ủng hộ, đóng góp của nhân dân. Chỉ gắn bó mật thiết với nhân dân bằng hành động thực tế thì Đảng mới hoàn thành được sứ mệnh cầm quyền hiện nay. Bối cảnh đất nước hiện nay đòi hỏi vai trò xây dựng, tổ chức khối đại đoàn kết dân tộc của Đảng càng phải thể hiện sâu sắc: “Động viên được sức mạnh toàn dân tộc trong giai đoạn hiện nay thì Đảng phải hóa thân vào Mặt trận như trong các thời kỳ đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, để làm hạt nhân của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc sẽ làm nên nội lực quốc gia. Lúc này Đảng cần thể hiện vai trò của mình, phải đoàn kết, trước hết phải là hạt nhân của khối đại đoàn kết toàn dân tộc”.

 

Đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam - ảnh 2
Ảnh: vov.vn


Báo cáo chính trị của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng cũng chỉ rõ: Đại đoàn kết toàn dân tộc phải dựa trên cơ sở giải quyết hài hoà lợi ích giữa các thành viên trong xã hội; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân. Luật sư Bùi Xuân Đức khẳng định: “Đại đoàn kết toàn dân tộc phải dựa trên cơ sở giải quyết hài hòa lợi ích của các thành viên trong xã hội. Đại đoàn kết là đại đoàn kết trong chính trị, trong sự nghiệp cách mạng. Là lực lượng cầm quyền, Đảng phải đoàn kết các lực lượng theo đúng tinh thần đại đoàn kết”.

 

Với niềm tin vào sự đổi mới và lãnh đạo sáng suốt của Đảng, vào tương lai của đất nước, các tầng lớp nhân dân mong muốn qua Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc sẽ được tăng cường và phát huy. Như thế, toàn dân, toàn quân Việt Nam sẽ cùng chung sức, chung lòng cùng Đảng và Nhà nước, phát huy tối đa nội lực,tận dụng thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng và bảo vệ đất nước Việt Nam giàu mạnh và vững bền.


Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác