Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII: chú trọng công tác xây dựng Đảng

(VOV5)- “Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh” là nội dung đầu tiên Đại hộiđược nhấn mạnh trong chủ đề của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, diễn ra tại Hà Nội từ 20 - 28/01. Đây là yêu cầu lớn hơn và toàn diện hơn so với yêu cầu đặt ra tại các Đại hội trước, là điều kiện tiên quyết để Đảng cầm quyền vững mạnh, trường tồn, được nhân dân tin tưởng.

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII: chú trọng công tác xây dựng Đảng - ảnh 1


Các Đại hội Đảng gần đây đều đưa công tác xây dựng Đảng là một trong những nội dung quan trọng của Báo cáo chính trị. Trong đó, tại Đại hội X, Đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) nhấn mạnh “nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng”; Đại hội XI nêu rõ “ Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng”. Trong Dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đề cập một cách toàn diện công tác xây dựng Đảng cả về đạo đức và năng lực lãnh đạo.

Xây dựng Đảng là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục

Công tác xây dựng Đảng được đề cập trong Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII là sự tiếp nối việc thực hiện Nghị quyết "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" (Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 16/01/2012).

Sau 4 năm thực hiện, Nghị quyết Trung ương 4 đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng, góp phần siết lại kỷ luật, kỷ cương, có tác dụng cảnh báo, răn đe, cảnh tỉnh và ngăn chặn các hành vi tiêu cực, tạo tiền đề đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng. Những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên từng bước được ngăn chặn. Bước đầu kiềm chế tình trạng tham nhũng, lãng phí. Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển cán bộ được đẩy mạnh hơn. Quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 nhìn chung đã có tác động thúc đẩy đất nước vượt qua khó khăn, giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế, xã hội, củng cố niềm tin trong Đảng và nhân dân.

Tiếp nối những kết quả tích cực này, trong 6 nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung mọi nỗ lực thực hiện của nhiệm kỳ Đại hội XII (được xác định trong Dự thảo Báo cáo chính trị), Đảng CSVN đặt lên hàng đầu nhiệm vụ “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”. Điều này cho thấy tầm quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Mỗi cán bộ đảng viên, mỗi tổ chức Đảng và toàn Đảng nâng cao ý thức trách nhiệm trước nhân dân và dân tộc để biến quyết tâm chính trị thành hành động cách mạng, tạo ra những sự thay đổi có tính đột phá của công cuộc phát triển đất nước, bắt đầu từ việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nhiệm vụ hàng đầu, nhiệm vụ của mọi nhiệm vụ.PGS. TS Nguyễn Viết Thông, Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương, thành viên Ban soạn thảo Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng lần thứ XII, cho biết:  “Các Đại hội gần đây, chủ đề Đại hội (tiêu đề của Báo cáo chính trị), đều có thành tố đầu tiên nói về Đảng. Tuy nhiên lần này Dự thảo báo cáo chính trị nêu rõ tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Trong sạch ở đây chủ yếu nói về vấn đề đạo đức. Vững mạnh ở đây nói về năng lực của Đảng và sức chiến đấu của Đảng. Lần này đặt vấn đề  tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh là đề cập một cách toàn diện của công tác xây dựng Đảng theo tinh thần của Cương lĩnh bổ sung phát triển năm 2011. Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu, quyết định sự thắng lợi của cách mạng Việt Nam.”

Xây dựng Đảng vững mạnh để thực hiện vai trò lãnh đạo toàn diện           

Dự thảo Báo cáo chính trị khẳng định việc đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng Đảng, trọng tâm là kiên quyết, kiên trì tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI. Theo đó, phải tiến hành đồng bộ, toàn diện, từ lý luận đến thực tiễn. Về chính trị, Đảng kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vận dụng sáng tạo và phát triển phù hợp với thực tiễn Việt Nam; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới. Về đổi mới công tác tư tưởng, lý luận, Đảng tiếp tục đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá".

Song song với đó là việc chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng; xây dựng đội ngũ đảng viên thật sự tiên phong, gương mẫu, gần dân, sát dân, có trách nhiệm cao trong công việc, có năng lực hoàn thành nhiệm vụ. Đảng cũng sẽ tiếp tục tăng cường thực hiện Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; đổi mới bầu cử trong Đảng, phương thức tuyển chọn, bổ nhiệm cán bộ để lựa chọn những người xứng đáng giữ các vị trí lãnh đạo, đặc biệt là người đứng đầu. Xác định đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, lâu dài, Dự thảo báo cáo chính trị nêu rõ kiên quyết phòng, chống tham nhũng, lãng phí với yêu cầu chủ động phòng ngừa, xây dựng cơ chế răn đe, trừng trị để không dám tham nhũng.

Ông Phạm Thế Duyệt, nguyên Ủy viên Bộ chính trị, nguyên Chủ tịch Ủy ban TWMTTQ Việt Nam, cho rằng: “Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng chỉnh đốn Đảng phải cố gắng làm tiếp, làm tốt. Muốn làm tốt chỉ có thể từ kinh nghiệm bản thân. Càng cán bộ cấp cao gương mẫu bao nhiêu, tốt bao nhiêu thì càng có sức thuyết phục và ảnh hưởng đến bên dưới bấy nhiêu. Đảng đoàn kết thống nhất toàn tâm toàn ý lo cho dân thì khối đại đoàn kết toàn dân tộc vô cùng mạnh. Với cả quá trình cách mạng, tới đây là hội nhập càng sâu rộng, Việt Nam càng phát triển nhanh.”

Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh là đề cập một cách toàn diện công tác xây dựng Đảng cả về đạo đức và năng lực lãnh đạo. Đảng có thực sự trong sạch, vững mạnh sẽ giúp cho Đảng làm tròn trọng trách lịch sử của một Đảng cầm quyền, lãnh đạo thành công sự nghiệp đổi mới và xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác