Thủ tướng chủ trì Hội nghị trực tuyến của Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành và 9 địa phương. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Phát triển bền vững đất nước gắn chặt với an ninh năng lượng quốc gia có vai trò quan trọng đối với quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá của Việt Nam hiện nay. Vì vậy, bảo đảm nhu cầu về năng lượng cho phát triển kinh tế nhanh và bền vững có vai trò đặc biệt quan trọng.
Chỉ đạo điều hành quyết liệt của Chính phủ
Ngày 28/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị với 9 tỉnh có dự án đường dây 500 kV mạch 3 chạy qua để đốc thúc tiến độ, đồng thời trực tiếp thị sát dự án tại các địa phương này. Dự án đường dây 500kV có chiều dài 225,5km, từ Quảng Bình đến Hưng Yên, có tổng mức đầu tư khoảng gần 1 tỷ USD.
Dự án có vai trò đặc biệt quan trọng đối với an ninh năng lượng quốc gia, nhằm tăng cường năng lực lưới điện truyền tải 500 kV Bắc - Trung, góp phần đảm bảo cung cấp điện cho miền Bắc ngay ở thời điểm hiện tại và trong những năm tới. Nhấn mạnh tầm quan trọng của dự án trong việc bảo đảm cung ứng điện cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng, Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý: “Đây là một dự án trọng điểm quốc gia, đòi hỏi phải có sự vào cuộc của các bộ, ngành có liên quan, các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là các tỉnh, các địa phương có đường dây đi qua. Đây là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị, chúng ta phải làm bằng được, góp phần cung cấp đầy đủ điện cho sản xuất tiêu dùng và kinh doanh. Dự án đến 30/6 phải hoàn thành. Với một khối lượng lớn công việc như vậy và đi qua nhiều địa phương, đòi hỏi áp lực rất lớn. Nhưng áp lực càng lớn thì chúng ta càng phải nỗ lực để phấn đấu hoàn thành với tinh thần quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, nhưng phải có trọng tâm trọng điểm”.
Trước đó, từ nửa cuối năm ngoái, Chính phủ đã có hàng loạt văn bản chỉ đạo, yêu cầu trong mọi tình huống, không được để xảy ra tình trạng thiếu điện, thiếu năng lượng.
Cùng với đó, Thủ tướng đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia; Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia và Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Nghị quyết về các giải pháp bảo đảm cung ứng điện năm 2024 với các chỉ đạo cụ thể về 4 giải pháp: nguồn điện, lưới điện, tiết kiệm điện và giá điện.
Tập trung chuyển dịch năng lượng, đảm bảo an ninh lượng bền vững
Nhu cầu năng lượng trong nước ngày càng tăng trong khi nguồn cung cấp tài nguyên năng lượng truyền thống, như: than đá, dầu mỏ, khí đốt.., đang dần cạn kiệt. Để thực hiện cam kết đảm bảo an ninh năng lượng và tầm nhìn năng lượng quốc gia, Việt Nam bắt đầu đặt ra mục tiêu về phát triển năng lượng xanh, giảm lượng khí nhà kính, mục tiêu đưa phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, như cam kết tại COP26. Do vậy, Việt Nam cũng đang tích cực triển khai chuyển dịch năng lượng, tạo thêm nguồn cung năng lượng, như: điện gió, điện mặt trời… cho thị trường.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại buổi họp với Bộ Công thương về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc các đự án điện khí, điện gió ngoài khơi. Ảnh: baochinhphu.vn |
Tại buổi họp với Bộ Công thương về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc các đự án điện khí, điện gió ngoài khơi ngày 25/1 vừa qua, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh Chính phủ giao Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các tập đoàn năng lượng rà soát, xem xét toàn bộ trình tự thủ tục đầu tư dự án điện khí, trong đó có những cam kết dài hạn mang tính nguyên tắc của Chính phủ đối với nhà đầu tư; đề xuất phương án cắt giảm thời gian thực hiện quy trình, thủ tục đầu tư dự án điện khí. Đặc biệt, Bộ Công thương sớm lập đề án thí điểm để gỡ khó các dự án điện khí, điện gió ngoài khơi: “Bộ Công thương lập Đề án đánh giá tài nguyên điện gió ngoài khơi ở những khu vực tiềm năng, trên cơ sở đó đề nghị thí điểm luôn để có khảo sát. Sau khi có kết quả khảo sát thì mới lựa chọn nhà đầu tư. Vấn đề liên quan đến lựa chọn nhà đầu tư để nghiên cứu cơ chế chính sách sau này xây dựng pháp luật, sau khi có số liệu giao một số tập đoàn nhà nước Việt Nam đứng ra làm chủ trì có thể lựa chọn đầu tư nước ngoài để thực hiện dự án”.
Bảo đảm an ninh năng lượng là tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư. Bằng các chính sách và chỉ đạo cụ thể, Việt Nam đang nỗ lực thực hiện các giải pháp đồng bộ, quyết liệt để thực hiện mục tiêu này.