Đảm bảo an sinh xã hội trên nguyên tắc toàn dân, công bằng và bền vững

(VOV5) Bảo đảm an sinh xã hội tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ Việt Nam năm 2012. Bên cạnh kiên trì thực hiện các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thì vấn đề tạo việc làm, giảm thất nghiệp, chuyển dịch cơ cấu lao động và hỗ trợ đời sống cho người dân, đặc biệt là người nghèo... là những mục tiêu được Chính phủ đặc biệt quan tâm.   


Năm 2011, trong bối cảnh suy thoái kinh tế thế giới tác động lớn đến kinh tế trong nước, Chính phủ đã thực hiện quyết liệt các biện pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội. Năm qua, ngoài chương trình Việc làm quốc gia, Việt Nam đã giải quyết việc làm cho khoảng 1,6 triệu lao động, dạy nghề, đào tạo việc làm cho hàng triệu thanh niên nông thôn, miễn học phí cho học sinh tiểu học, hỗ trợ mua bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi… Những chính sách khác, như chi trả bảo hiểm thất nghiệp, giải quyết chế độ người có công được quan tâm và triển khai mạnh mẽ. Trong điều kiện ngân sách hạn hẹp, nhưng chi ngân sách nhà nước cho công tác xã hội tăng khoảng 20% so với năm 2010.

Đảm bảo an sinh xã hội trên nguyên tắc toàn dân, công bằng và bền vững - ảnh 1

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, việc triển khai hệ thống an sinh xã hội còn nhiều bất cập và đây là những thách thức đặt ra trong năm nay. Trước hết, cuộc khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu vẫn đang tác động trực tiếp đến kinh tế trong nước, đe dọa đến an sinh xã hội và phát triển bền vững. Việc thắt chặt chính sách tiền tệ, giảm lạm phát trong thời gian qua cũng ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng, đặc biệt là vấn đề việc làm.


Theo bà Nguyễn Lan Hương, Viện trưởng Viện khoa học lao động, Bộ lao động thương binh xã hội Việt Nam, một trong những thách thức lớn nhất, đó là: “Tăng trưởng kinh tế trong những năm qua duy trì ở mức độ thấp, ảnh hưởng rất lớn đến vấn đề việc làm, chuyển dịch cơ cấu nông thôn. Đặc biệt, là các biện pháp ổn định an sinh xã hội trong thời gian ngắn có tác dụng tốt đến ổn định đời sống nhân dân nhưng về thời gian dài sẽ có những ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường lao động. Cụ thể do số doanh nghiệp bị đóng cửa hoặc bị giảm việc làm sẽ dẫn đến khả năng phải nỗ lực hơn rất nhiều mới đạt mục tiêu về việc làm và giảm thất nghiệp trong năm 2012”.


Vì vậy, trong năm nay, Bộ lao động thương binh xã hội dự kiến sẽ tiến hành rà soát lại tất cả các chính sách, chỉnh sửa cho phù hợp với tình hình thực tế. Đối với chính sách giảm nghèo-vấn đề cốt lõi của an sinh xã hội- bên cạnh các chương trình sẵn có đang triển khai hiệu quả như Nghị quyết 30a của chính phủ (Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo); Nghị quyết 80 (Về định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ từ năm 2011 đến năm 2020), Bộ lao động thương binh xã hội cũng chủ động vận động các doanh nghiệp, các tổ chức chính trị xã hội có điệu kiện cùng tham gia, hỗ trợ người nghèo, với quan điểm là tạo cơ hội để người nghèo chủ động giảm nghèo, thoát nghèo. Các mô hình được triển khai rộng rãi và hiệu quả trong năm qua như phong trào tương thân tương ái, “tinh thần dân giúp dân”, “người khá giúp người khó, phong trào “3 tương trợ, 3 tiết kiệm”, ngày hội vì cộng đồng… tiếp tục được phát huy. 


Đối với 70% lao động nông thôn, Bộ cũng lên kế hoạch phối hợp với Tổng cục dạy nghề tổ chức dạy nghề cho khoảng 45% lao động độ tuổi trên 35. Bên cạnh đó, nhiệm vụ trọng tâm trong năm nay là sớm hoàn thiện khung chính sách về an sinh xã hội giai đoạn 2011-2020, sửa đổi, bổ sung Luật Lao động, xây dựng Luật việc làm và Luật tiền lương tối thiểu. Theo đó, căn cứ theo từng nhóm đối tượng trong xã hội để có các chính sách an sinh xã hội hợp lý, đảm bảo mức sống tối thiểu cho mọi người dân trên cơ sở đảm bảo những nhu cầu về ăn, ở, học tập, chăm sóc sức khoẻ. Bên cạnh đó, một trong những trọng tâm cải cách mạnh mẽ là cải tiến dịch vụ chi trả nguồn ngân sách chi cho an sinh xã hội, nhằm đảm bảo nguồn ngân sách an sinh xã hội đến được đúng đối tượng.


Bà Nguyễn Lan Hương cho biết “Trong dự thảo chiến lược an sinh xã hội giai đoạn 2011-2020, Chính phủ cũng đặt ra yêu cầu cấp bách là cải tiến hệ thống dịch vụ và cung cấp dịch vụ, trong đó một nội dung quan trọng là hiện đại hóa các dịch vụ chi trả để việc chi trả này đến tay đối tượng hưởng thụ nhanh nhất, minh bạch nhất. Có nhiều giải pháp, như chi trả qua bưu điện hay tăng cường sự tham gia của đội ngũ cán sự xã hội để giám sát việc chi trả, tăng cường minh bạch hệ thống thông tin. Như vậy hiệu quả chi trả sẽ tốt hơn.”


Dự kiến, năm 2012, Quốc hội sẽ thông qua luật giá. Đây là cơ sở để tăng cường kiểm soát thị trường, giá cả, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu, để đảm bảo cho người dân có cuộc sống ổn định hơn. Bộ trưởng tài chính Vương Đình Huệ khẳng định: “Năm 2012, tăng cường quản lý giá cả là một trong các trọng tâm, đặc biệt, đối với các mặt hàng nhạy cảm như điện, than, xăng dầu. Chúng tôi tăng cường thanh tra kiểm toán tại các đơn vị như điện lực, xăng dầu, để minh bạch quá trình này và đảm bảo công tác điều hành giá của Chính phủ”.


Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế gắn với đảm bảo an sinh, công bằng xã hội để phát triển bền vững luôn là chủ trương nhất quán của Việt Nam. Mới đây, trong thông điệp đầu năm, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cũng nhấn mạnh đến 7 nhóm giải pháp lớn phát triển kinh tế xã hội đất nước năm 2012, trong đó bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe, bảo đảm đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân là một trọng tâm lớn trong nhóm giải pháp này. Giải quyết tốt vấn đề an sinh xã hội sẽ củng cố thêm niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước trong bối cảnh hiện nay./.
Ánh Huyền

Phản hồi

Các tin/bài khác