Liên quan đến vụ khủng bố do nhóm đối tượng trang bị vũ khí, tấn công trụ sở UBND xã Ea Ktur và Ea Tiêu, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk, ngày 11/6, Cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, bắt giữ các đối tượng liên quan để điều tra, xử lý theo pháp luật. Dẫu vậy, các thế lực thù địch đã và đang lợi dụng vụ án để kích động chống phá, gây bất ổn từ bên trong, tạo cớ để kêu gọi các nước, các tổ chức quốc tế can thiệp nội bộ, xuyên tạc câu chuyện Việt Nam luôn đảm bảo điều kiện để các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và cùng nhau phát triển.
Ảnh minh họa. Nguồn: VOV |
Âm mưu cơ bản, lâu dài của các thế lực thù địch đối với địa bàn Tây Nguyên là tuyên truyền, lôi kéo, kích động đồng bào các dân tộc đòi ly khai, tự trị, thành lập cái gọi là “Nhà nước Đêga” hoặc “Nhà nước Đêga Cao nguyên”, tách Tây Nguyên ra khỏi đại gia đình các dân tộc và chủ quyền lãnh thổ Việt Nam; biến Tây Nguyên thành khu vực mất ổn định, vùng “tự trị”, tiến tới thành lập “nhà nước độc lập”. Các thế lực thù địch đã luôn kích động mâu thuẫn để hình thành các “điểm nóng xung đột”, làm mất ổn định an ninh, chính trị, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo cớ can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam.
Các dân tộc trên đất nước Việt Nam đều là anh em ruột thịt
Dẫu các thế lực thù địch đã dùng mọi thủ đoạn để chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, cũng không thay đổi được sự thật là 54 dân tộc trên đất nước Việt Nam đều là anh em ruột thịt. Cách đây 77 năm, trong thư gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam tại Pleiku, tỉnh Gia Lai, ngày 19/4/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Êđê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt”.
Kế thừa giá trị của tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc, chủ trương nhất quán của Đảng cộng sản Việt Nam là phát huy, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên cơ sở bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp đỡ nhau cùng phát triển. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011) nêu rõ: “Không ngừng củng cố, tăng cường đoàn kết: đoàn kết toàn Đảng, đoàn kết toàn dân, đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế. Thực hiện chính sách bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau giữa các dân tộc, tạo mọi điều kiện để các dân tộc cùng phát triển, gắn bó mật thiết với sự phát triển chung của cộng đồng dân tộc Việt Nam”.
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng cộng sản Việt Nam cũng khẳng định: “Bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển... Có cơ chế thúc đẩy tính tích cực, ý chí tự lực, tự cường của đồng bào các dân tộc thiểu số phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện giảm nghèo đa chiều, bền vững. Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, người có uy tín tiêu biểu trong vùng dân tộc thiểu số. Nghiêm trị mọi âm mưu, hành động chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc”.
Bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển
Do Tây Nguyên là địa bàn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và đối ngoại, nên việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết các dân tộc tại đây, được xác định là nhiệm vụ quan trọng của Đảng, Nhà nước Việt Nam. Nhiều chính sách phát triển kinh tế, xã hội được triển khai, nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Điển hình như tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững”; tỉnh Lâm Đồng ban hành Nghị quyết về phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2018 - 2025, định hướng đến năm 2030; tỉnh Kon Tum có Nghị quyết về bảo tồn và phát huy giá trị nghề truyền thống của các dân tộc thiểu số tại chỗ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Cùng với đó, các tỉnh Tây Nguyên chú trọng phát triển bền vững bon, buôn có đông đồng bào dân tộc thiểu số; hỗ trợ kinh phí cho học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số; hỗ trợ đồng bào các dân tộc thiểu số vay vốn sản xuất, kinh doanh; xây dựng đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số. Chính quyền các địa phương đặc biệt quan tâm đến công tác bảo tồn, khôi phục, phát huy các giá trị và hoạt động văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo truyền thống ở vùng Tây Nguyên, gắn kết chặt chẽ hoạt động xây dựng đời sống văn hóa với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới phù hợp với từng khu vực, từng vùng, từng dân tộc, tôn giáo.
Nhờ chính sách tôn giáo, dân tộc đúng đắn, tốc độ tăng trưởng kinh tế các tỉnh Tây Nguyên ở mức khá, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện. Giai đoạn 2015 - 2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình của tỉnh Đắk Lắk là 9,13%/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 2,87%/năm. Tỷ lệ này ở tỉnh Kon Tum lần lượt là 9,7% và 4,05%. Tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình của tỉnh Gia Lai là 7,93%/năm, tỷ lệ hộ nghèo từ 19,71% (năm 2015) giảm còn dưới 4,5% (năm 2020), tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số từ 40,1% giảm còn dưới 6,25%. Tại tỉnh Đắk Nông, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 8,02%/năm, tỷ lệ hộ nghèo (năm 2020) giảm 12,28% so với năm 2016; tỉnh Lâm Đồng, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân tăng 8,0%/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm sâu, toàn tỉnh hiện còn 1,75%. Việc thực hiện hiệu quả chính sách tôn giáo, dân tộc ở Tây Nguyên cũng đã góp phần nâng cao ý thức đoàn kết của đồng bào, từ đó làm thất bại âm mưu chia rẽ, kích động của các thế lực thù địch.
Chủ trương, đường lối, các quyết sách quan trọng về tôn giáo, dân tộc, kết quả phát triển kinh tế, xã hội và tự do tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn Tây Nguyên, chính là hiện thực mạnh mẽ, bác bỏ những luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực xấu, vu cáo Đảng, Nhà nước “bỏ mặc đồng bào”, “phân biệt đối xử” đối với các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Hiện thực này cũng cho thấy 54 dân tộc Việt Nam đều là anh em ruột thịt một nhà, đã và đang cùng nhau sướng khổ, buồn vui, cùng nhau vượt qua mọi khó khăn thách thức để xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng phát triển bền vững.