(VOV5) - Luật đất đai sửa đổi năm 2013 bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/7. Việc thực thi Luật có ý nghĩa quan trọng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quản lý đất đai chặt chẽ, hiệu quả, minh bạch và dân chủ. Vì vậy, việc chuẩn bị để triển khai Luật có hiệu quả được các cấp, các ngành, các địa phương tiến hành đồng bộ, tích cực trong thời gian qua.
Luật Đất đai sửa đổi được kỳ vọng sẽ giải quyết các vấn đề chậm trễ trong thu hồi đất, bồi thường,... (Ảnh: KT)
Đầu năm 2014, Thủ tướng ra Chỉ thị về việc triển khai thi hành Luật đất đai, trong đó yêu cầu khẩn trương chuẩn bị các điều kiện để thi hành Luật, tổ chức thực hiện tốt Luật đất đai, tạo ra những chuyển biến rõ rệt về quản lý và sử dụng đất. Tiếp theo Chỉ thị của Thủ tướng, các tỉnh, thành phố đã xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện Luật Đất đai (sửa đổi), tổ chức hội nghị tập huấn, phổ biến Luật Đất Đai năm 2013 cho các cán bộ, lãnh đạo các quận, huyện, phường, xã liên quan đến quản lý Nhà nước về đất đai.
Chú trọng ban hành văn bản pháp luật, phổ biến pháp luật tới người dân
Trong suốt thời gian qua, các bộ, ngành rà soát hệ thống thông tư liên tịch, các văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực bộ, ngành mình quản lý để sửa đổi, bổ sung hoặc trình cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với quy định của Luật Đất đai và các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật. Song song với đó các cơ quan truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật về đất đai tới người dân. Đánh giá tổng quan về quá trình này, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang cho biết: Trong thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trình Chính phủ Chỉ thị yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương các công việc để triển khai thi hành Luật. Thứ hai chúng tôi đã phối hợp với các cơ quan truyền thông làm tốt công tác phổ biến pháp luật để người dân và doanh nghiệp hiểu và thực hiện tốt Luật này đồng thời phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành luật. Hiện nay Chính phủ đã ban hành 5 Nghị định, còn 2 Nghị định liên quan đến xử lý vi phạm hành chính và về khung giá đất. Chúng tôi sẽ cố gắng để trình các văn bản hướng dẫn đúng thời gian và tiến độ. Về Thông tư, Bộ Tài nguyên được giao soạn thảo 10 Thông tư và cơ bản chúng tôi đã xong và sẽ được ban hành trong thời gian tới.
Tạo chuyển biến rõ nét về quản lý và sử dụng đất
Việc tổ chức thi hành Luật Đất đai là một quá trình và phải được triển khai toàn diện, đồng bộ. Chính phủ đặt ra mục tiêu trước mắt trong 2 năm 2014 và 2015 là phải tạo ra những chuyển biến rõ rệt trên các mặt. Trên tinh thần đó, là cơ quan tham mưu giúp Chính phủ về quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia đã được Quốc hội thông qua. UBND các tỉnh, thành phố công bố công khai và tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh đã được phê duyệt; chỉ đạo khắc phục tình trạng giao đất, cho thuê đất tùy tiện, kiểm soát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ sang sử dụng vào mục đích khác, có hình thức giao đất, cho thuê đất phù hợp với quy định của Luật Đất đai. Để tránh lãng phí đất đai, Bộ trưởng Bộ tài nguyên và môi trường Nguyễn Minh Quang cho biết: Thủ tướng đã có Chỉ thị đôn đốc tiến hành việc kiểm tra thu hồi xử lý đối với các Dự án chậm đưa vào sử dụng, kết quả cả nước đã thu hồi xử lý gần 20 nghìn ha. Tuy nhiên, kết quả này vẫn còn rất khiêm tốn vì diện tích cần thu hồi vì chậm tiến độ khá lớn. Để khắc phục tình trạng trên, Luật đất đai sửa đổi lần này có một chế tài mạnh buộc các nhà đầu tư trong quá trình xem xét thuê đất phải nộp khoản tiền tương ứng tiền thuê đất trong thời hạn đó và nếu hết 24 tháng cho phép nhà đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng Nhà nước sẽ thu hồi đất. Thời gian tới Bộ sẽ tăng cường công tác thanh kiểm tra để tránh vi phạm.
Song song với những việc làm trên, việc định giá đất cũng được các bộ,ngành, địa phương chú trọng. Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố tiến hành xây dựng khung giá đất trình Chính phủ; chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc xây dựng bảng giá đất và định giá đất cụ thể tại địa phương; nghiên cứu, thí điểm lập bản đồ giá đất và xây dựng cơ sở dữ liệu về giá đất.
Luật Đất đai sửa đổi năm 2013 có tầm quan trọng đặc biệt trong quản lý, sử dụng đất cũng như trong phát triển kinh tế - xã hội. Việc các cấp, các ngành, địa phương chuẩn bị tốt mọi điều kiện thi hành Luật sẽ giúp các quy định của Luật sớm đi vào cuộc sống, bảo đảm quản lý đất đai chặt chẽ, hiệu quả./.