Trước mùa xuân, nhìn cảnh xuân trong lây rây mưa bụi, trong nhấp nhô điệp trùng muôn triệu con sóng trên sông Hồng lịch sử, tôi lại nhớ và dâng trào xúc cảm về những câu thơ trong bài thơ Nguyên tiêu của Bác Hồ viết tháng giêng năm Mậu Tý 1948, ở chiến khu Việt Bắc: “Rằm xuân lồng lộng trăng soi/ Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân, giữa dòng bàn bạc việc quân/ Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền” (Bản dịch của Xuân Thủy)
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Tôi hoài nhớ về cuộc khởi nghĩa chống Bắc thuộc đầu tiên trong lịch sử Việt Nam của Hai Bà Trưng mùa xuân năm Canh Tý (tháng 2 năm 40), ở của sông Hát và những câu thơ bất hủ của bà Trưng Trắc “Một xin rửa sạch nước thù/Hai xin dựng lại nghiệp xưa họ Hùng/ Ba kẻo oan ức lòng chồng/ Bốn xin vẻn vẹn sở công lênh này”. Chỉ trong một thời gian ngắn, Hai Bà Trưng lãnh đạo nhân dân ta đã giải phóng được 65 quân, huyện, tức là toàn bộ lãnh thổ nước Việt hồi đó. Trưng Trắc được nhân dân suy tôn làm vua “Đô Kỳ đóng cõi Mê Linh/ Lĩnh Nam riêng một triều đình nước ta”. Đó là bản tuyên ngôn độc lập bất hủ đầu tiên của dân tộc ta..
Lễ hội đua thuyền ở đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) bây giờ được tổ chức hàng năm nhằm tri ân tổ tiên; tưởng nhớ đội hùng binh Hoàng Sa năm xưa dong buồm ra khơi dựng bia cắm mốc chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.- Ảnh: internet. |
Cuối thế kỷ II đầu thế kỷ III, đất nước ta nằm dưới quyền thống trị của nhà Ngô, nhân dân Giao Chỉ, Cửu Chân bị áp bức, bóc lột rất nặng nề. Mùa xuân năm 248, bà Triệu Thị Trinh, 19 tuổi, đã cùng anh trai là Triệu Quốc Đạt, tập hợp những nghĩa sĩ trên đỉnh núi Nưa, mài gươm, luyện võ và dấy nghĩa. Bà tuyên bố “Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở biển Đông, quét sạch bờ cõi, để cứu dân ra khỏi nơi đắm đuối chứ không thèm bắt chước người đời, cúi đầu cong lưng để làm tỳ thiếp người ta”. Từ Cửu Chân, cuộc khởi nghĩa nhanh chóng lan ra Giao Chỉ, vào tận Cửu Đức, Nhật Nam. Sử Nhà Ngô thừa nhận: Năm 248 “toàn thể Châu Giao náo động”. Khi anh trai là Triệu Quốc Đạt tử trận, Bà Triệu trở thành người lãnh đạo nghĩa quân. Nghĩa quân thế lực ngày càng mạnh, quân số lên tới hàng vạn người. Sau đó, nhà Ngô đưa một lực lượng lớn quân sang đàn áp. Mùa xuân Mậu Thìn (tháng 2 năm 248), Bà Triệu và nghĩa quân dù chiến đấu rất dũng cảm, nhưng không thể phá vòng vây địch, Bà quỳ xuống vái trời đất: “Sinh vi tướng, tử vi thần” (Sống làm tướng, chết làm thần) rồi rút gươm tuẫn tiết.
Lịch sử cho thấy, cùng với các cuộc xâm lược nước ta qua biên giới đất liền, các thế lực xâm lược từ phương Bắc hay phương Tây đều rất chú ý đến đường biển, đường sông. Thời nhà Ngô [938] Hoằng Thao tiến quân vào sông Bạch Ðằng (tại tỉnh Quảng Ninh ngày nay) bị Ngô Quyền đánh cho đại bại, Hoàng Thao bị bắt sống, ý chí xâm lược của nhà Nam Hán bị giáng một đòn chí tử, chúng ta kết thời kỳ mất nước, kéo dài trên một ngàn năm.
Mùa xuân năm 981, quân Tống do Hầu Nhân Bảo hùng hổ kéo vào nước ta. Theo gương Ngô Quyền, quân và dân ta đã đóng cọc trên sông Bạch Đằng và mai phục đường bộ. Cuối mùa xuân 981, quân xâm lược Tống bị đại bại.
Bãi cọc Bạch Đằng ngày nay là chứng tích về truyền thống hào hùng chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam - Ảnh: Tri Thức trẻ. |
Sau nhà Đinh và nhà Tiền Lê đánh giặc giữ nước, năm 1010, Lý Thái Tổ dời đô từ vùng núi non hiểm trở (Ninh Bình) về Đại La (Hà Nội) và đổi tên là thành Thăng Long "Đóng nơi trung tâm, mưu toan nghiệp lớn, tính kế lâu dài cho con cháu mai sau" (Chiếu dời đô). Nhà Lý bắt tay vào xây dựng đất nước với quy mô lớn. Năm 1054, nhà Lý đặt tên nước là Đại Việt. Thời kỳ này, quân Tống do Quách Quỳ chỉ huy tiến đánh vào phòng tuyến sông Cầu của ta; Hòa Mân và Dương Tùng Tiên mang thủy quân từ Quảng Ðông đi dọc theo sông Ðông Kênh để vào sông Bạch Ðằng, phối hợp với quân Quách Quì nhưng bị quân ta đánh cho tan tác. Sau hai lần tiến công vào nước ta, đạo quân Quách Quỳ đã bị thất bại thảm hại. Bài thơ Thần của Lý Thường Kiệt cất lên “Nam quốc sơn hà Nam Đế cư/ Tiệt nhiên định phận tại thiên thư/ Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm/ Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư” (Sông núi nước Nam vua Nam ở/ Rành rành định phận tại sách trời/ Cớ sao lũ giặc đến xâm phạm/ Chúng bay sẽ thất bại tơi bời). Đó là bản Tuyên ngôn Độc lập thứ hai của dân tộc ta. Từ đó và mãi 200 năm sau, "Thiên triều" phương Bắc không dám đụng đến bờ cõi nước ta. Năm 1164, nhà Tống phải thừa nhận nước ta là An Nam quốc, trước đó chúng chỉ gọi là quận Giao Chỉ.
Dưới thời Trần, ba lần quân Nguyên - Mông sang xâm lược nước ta, cả ba lần, lũ giặc cực kỳ hùng mạnh và hung hãn, từng khua vó ngựa từ Đông sang Tây, từ Á sang Âu, đã bị quân và dân Đại Việt đánh cho thảm bại. Các chiến thắng Đông Bộ Đầu, Hàm Tử Quan, Bạch Đằng vào các năm 1258, 1285, 1288 đã được ghi vào trang sử vàng chói lọi chống ngoại xâm của dân tộc như những chiến công hiển hách. Nguyên soái Toa Ðô đem quân từ Vân Nam [1285] qua nước Lão Qua, thẳng đến Chiêm Thành, hội quân tại Ô, Lý rồi đánh châu Hoan, châu Ái (Thanh, Nghệ Tĩnh). Hơn một trăm năm sau, nhằm giúp Chiêm Thành đánh nhà Hồ [1406], vua Minh Thành Tổ sai Ðô ty Quảng Ðông điều một đạo quân lớn vượt biển, phối hợp với Chiêm Thành đánh nước ta từ phương nam cũng bị quân ta đánh bại.
Đầu thế kỷ XV, năm 1406, nhà Minh tiếp tục xâm lược nước ta. Mùa xuân 1418, người anh hùng áo vải Lê Lợi dựng cờ nghĩa ở Lam Sơn, Thanh Hóa và phát động cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc trên quy mô cả nước. Những trận thắng lẫy lừng ở Trà Lân, Tốt Động, Chúc Động, Chi Lăng, Xương Giang đã ghi vào truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc ta những trang vàng chói lọi. "Bình Ngô đại cáo", bản Tuyên ngôn độc lập thứ ba của dân tộc lại kiêu hãnh vang lên: "Như nước Đại Việt ta từ trước/ Vốn xưng nền văn hiến đã lâu/ Cõi bờ sông núi đã riêng/ Phong tục Bắc Nam cũng khác/Trải Triệu, Đinh, Lê, Lý, Trần nối đời dựng nước/
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên làm chủ một phương..” (Nguyễn Trãi, Bình Ngô đại cáo).
Đến thế kỷ XVIII, khi cuộc nội chiến Trịnh - Nguyễn kéo dài, phong trào nông dân Tây Sơn bùng nổ ở Bình Định (1771). Sau khi dẹp xong thế lực cát cứ họ Nguyễn Đàng Trong (1783), nghĩa quân Tây Sơn đã vươn lên làm nhiệm vụ giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Mùa xuân năm 1785, quân Tây Sơn lập chiến công oanh liệt ở Rạch Gầm - Xoài Mút, đuổi 5 vạn quân Xiêm ra khỏi bờ cõi nước ta. Năm 1788, tên vua bù nhìn Lê Chiêu Thống "cõng rắn cắn gà nhà" rước 20 vạn quân Thanh vào xâm lược, người anh hùng áo vải cờ đào Nguyễn Huệ cùng nghĩa quân Tây Sơn lại thần tốc tiến công ra Bắc, thiêu trụi và nhấn chìm lũ giặc ở Hạ Hồi, Ngọc Hồi, Khương Thượng, Đống Đa và trên sông Hồng, quét sạch kẻ thù, lập nên nền độc lập, thống nhất, tự chủ cho đất nước. Mùa xuân Kỷ Dậu (1789), lời của Quang Trung-Nguyễn Huệ cất lên sang sảng sau ngày đại thắng “Đánh cho để dài tóc/ Đánh cho để đen răng/ Đánh cho nó trích luân bất phản/ Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn/ Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ”.
Hải đăng Mũi Dinh. - Ảnh: vms-south.vn |
Năm 1858, thực dân Pháp xâm lược nước ta. Hướng tấn công của chúng cũng bắt đầu từ của biển, cửa sông. Các cuộc khởi nghĩa của Trương Định ở Gò Công; của Nguyễn Trung Trực ở Rạch Giá, Hà Tiên; rồi đến phong trào Cần Vương của Tôn Thất Thuyết; khởi nghĩa Ba Đình ở Thanh Hóa; khởi nghĩa Bãi Sậy ở Hưng Yên; khởi nghĩa Hương Khê ở Hà Tĩnh của Phan Đình Phùng; khởi nghĩa Yên Thế, Bắc Giang của Hoàng Hoa Thám, của Nguyễn Thái Học ở Yên Bái... Nhân dân cả nước đã anh dũng đứng lên chống Pháp. Tiếp đó, các phong trào Đông Du, Duy Tân của Phan Bội Châu; phong trào cải cách của Phan Chu Trinh và nhiều phong trào yêu nước khác tiếp tục nổ ra...
Năm 1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành vượt trùng khơi đi tìm đường cứu nước. Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc đến với chủ nghĩa Mác - Lênin. Ngày 3 tháng 2 năm 1930, Người thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; ngày 2 tháng 9 năm 1945, Người đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ, cộng hòa. Người trịnh trọng tuyên bố: "Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy". Để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy, quân và dân ta đã phải bước vào cuộc kháng chiến 9 năm chống xâm lược Pháp và bè lũ tay sai, làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy, cả nước ta bước tiếp cuộc chiến đấu gần hai mươi năm chống đế quốc Mỹ xâm lược, làm nên Đại thắng mùa xuân 1975 vĩ đại, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cả nước đi lên chặng đầu thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Chúng ta tiếp tục đánh thắng các kẻ thù xâm lược, gây rối ở biên giới phía Tây nam và biên giới phía Bắc. Cả dân tộc nêu quyết tâm đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, khẳng định chủ quyền bất di bất dịch với quần đảo Hoàng Sa và kiên quyết bảo vệ vững chắc quần đảo Trường Sa và vùng thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế thân yêu của Tổ quốc.
Chưa bao giờ thế và lực của chúng ta mạnh như bây giờ, tự tin như bây giờ, được cả người dân trong nước và kiều bào ta ở nước ngoài đoàn kết, hướng tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh như bây giờ. Tuy nhiên, “Đất nước nơi đầu sóng”, ngàn năm trước từng gian lao, vất vả để xây dựng và bảo vệ, thì bây giờ và ngàn vạn năm sau vẫn thế, vẫn còn muôn thử thách, gian lao. Tuyệt đối không được một phút lơ là, chủ quan, khinh suất. “Ôi Tổ quốc biên cương chưa yên giấc/ Đêm quặn lòng máu thịt Hoàng Sa/ Ngày đỏ mắt Trường Sa giông bão/ Lại bút, gươm giữ cõi, xây nhà”.
"Cờ Tổ Quốc hóa thành vương miện. Tôn vinh những người con đã hóa những Anh hùng..." - Ảnh chụp chiến sĩ Trường Sa của LS Nguyễn Văn Trung/bizlive.vn |
Ngọn bút và thanh gươm; câu thơ và yên ngựa; Thánh Gióng, Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi… và câu chuyện trả lại gươm báu ở hồ Lục Thủy; Hồ Chí Minh và hình ảnh lấy bàn tay bịt vào nòng pháo trên chiến hạm của Pháp, nhưng khi Pháp bội ước, Người đã kêu gọi toàn dân, toàn quân ta “Hỡi đồng bào toàn quốc! Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa! Không ! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ. Hỡi đồng bào ! Chúng ta phải đứng lên!”
Khí phách Việt Nam tiếp tục tỏa sáng, hun đúc lên tầm cao mới trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, như triệu triệu con sóng vỗ kiêu hãnh từ quá khứ hào hùng đến tương lai tươi đẹp, huy hoàng.