(VOV5) - Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải mới đây khi trả lời phỏng vấn hãng tin nước ngoài, đã biện minh cho hành động hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, rằng ở khu vực này Trung Quốc chỉ có một giàn khoan duy nhất, trong khi Việt Nam có hơn 30 giàn khoan. Trung Quốc còn cho rằng các giàn khoan của Việt Nam nằm trong vùng biển có tranh chấp. Việt Nam đã lên tiếng bác bỏ lời nói vô căn cứ này vì trên thực tế giàn khoan Hải Dương-981 nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Hơn thế, tất cả các hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí của Việt Nam ở khu vực này từ trước đến nay đều tuân thủ đúng luật pháp quốc tế.
|
Đoàn viên Thanh niên Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí thăm lại giếng khoan 61, giếng khoan phát hiện khí đầu tiên tại mỏ Tiền Hải C.Ảnh: pvef.com.vn
|
Các hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí của Việt Nam không chỉ được tiến hành từ hàng mấy thập kỷ nay trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam mà còn có sự tham gia của nhiều đối tác nước ngoài.
Hoạt động dầu khí tiến hành bình thường suốt chiều dài lịch sử
Thực tế, hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí trên thềm lục địa và vùng biển Việt Nam được thực hiện từ trước những năm 1975. Ngay từ năm 1969-1970, chính quyền miền Nam Việt Nam đã tiến hành khảo sát khoảng trên 12 nghìn km tuyến địa chấn ở thềm lục địa (là khu vực bể Cửu Long, Nam Côn Sơn, Mã Lai, Thổ Chu và Tư Chính-Vũng Mây hiện nay). Tiếp đó, trong 2 năm 1973-1974, chính quyền miền Nam Việt Nam hợp tác với các công ty của Hoa Kỳ tiến hành khảo sát khu vực từ ngoài khơi bờ biển miền Trung, bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam (tương đương với các lô dầu khí 141, 142, 143 và 144 hiện nay).
Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, hoạt động dầu khí được triển khai mạnh mẽ, rộng khắp trên toàn bộ thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, bao gồm cả các khu vực Hoàng Sa, Trường Sa, Tư Chính-Vũng Mây.
Tuân thủ Công ước Luật Biển năm 1982
Sau khi Quốc hội Việt Nam phê chuẩn tham gia Công ước Luật biển năm 1982 (UNCLOS 1982) vào năm 1996, thực hiện chỉ đạo từ Chính phủ Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PetroVietNam) đã điều chỉnh phạm vi hoạt động, tuân thủ theo đúng UNCLOS 1982. Ông Đỗ Văn Hậu, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí quốc gia, khẳng định: “Các hoạt động của Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam và các nhà thầu liên quan chỉ tiến hành trong khuôn khổ thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trong giới hạn 200 hải lý. Và hiện nay, Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam đã và đang hợp tác với rất nhiều công ty dầu khí quốc tế, trong đó đã ký 99 hợp đồng thăm dò với các đối tác nước ngoài, 60 hợp đồng hiện đang còn hiệu lực. Khối lượng công tác tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí trên vùng thềm lục địa Việt Nam đã đạt trên nửa triệu km tuyến khảo sát địa chấn 2D, trên 50 nghìn km2 tuyến địa chấn 3D và khoan trên 900 giếng khoan dầu khí”.
Tiếp tục triển khai thăm dò, khai thác và hợp tác
Cũng theo Tổng giám đốc PetroVietnam Đỗ Văn Hậu, xung quanh khu vực giàn khoan Hải Dương-981 của Trung Quốc hạ đặt trái phép hơn 1 tháng nay, tất cả các hoạt động dầu khí đều được PetroVietnam tiến hành bình thường: “Toàn bộ hoạt động dầu khí tại khu vực phía Đông Bắc, Tây Bắc của quần đảo Hoàng Sa đang được tiến hành bình thường. Tại khu vực biển miền Trung của Việt Nam, Tổng công ty dầu khí Hải Dương (CNOOC) của Trung Quốc đã gọi thầu trái phép 9 lô. Tuy nhiên, phía Việt Nam vẫn tiếp tục khai thác và đến nay không có công ty dầu khí quốc tế nào, thậm chí cũng không có công ty dầu khí Trung Quốc nào ký với CNOOC hoạt động tại khu vực này. Còn PetroVietnam hợp tác với rất nhiều công ty dầu khí quốc tế, trong đó có các công ty của Mỹ, Nga, Canada và các công ty dầu khí quốc tế khác”.
Như vậy, các hoạt động dầu khí của Việt Nam và các đối tác nước ngoài đang triển khai hết sức bình thường, không có bất kỳ sự cản trở nào. Luận điệu Trung Quốc nói “Trung Quốc chỉ có một giàn khoan duy nhất, trong khi Việt Nam có hơn 30 giàn khoan” và cho rằng “các lô dầu khí của Việt Nam khai thác nằm trong vùng tranh chấp” là hoàn toàn sai trái. Trung Quốc không thể đưa ra được cơ sở pháp lý nào để biện minh cho quan điểm này. Trên thực tế, Việt Nam không có bất kỳ một lô dầu khí nào nằm ngoài khu vực 200 hải lý của thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế. Tất cả các hợp đồng dầu khí đều được tiến hành bởi PetroVietnam và các nhà thầu quốc tế và đều được quốc tế công nhận.
Trong một động thái được xem là sự ủng hộ mạnh mẽ đối với Việt Nam, hôm qua (3/6), hãng tin Mint, hãng tin lớn thứ hai ở Ấn Độ, cho biết Công ty dầu khí quốc gia Ấn Độ Videsh (OVL), thuộc Tập đoàn dầu khí và khí đốt tự nhiên Ấn Độ, khẳng định sẽ tiếp tục hoạt động thăm dò dầu khí hợp tác với Việt Nam ở Biển Đông và đang có kế hoạch mở rộng sự hiện diện ở khu vực này. Đến nay, OVL đã đầu tư tương ứng 45% và 100% cổ phần trong lô 06.1 và 128 ở Việt Nam. Công ty Exxon Mobil của Hoa Kỳ cũng đang tiến hành khảo sát với PetroVietnam tại các lô 117,118 ở khu vực phía Tây quần đảo Hoàng Sa và đã có kế hoạch khai thác dầu trong thời gian tới. Mới đây, trong chuyến thăm Việt Nam tháng 4/2014, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã nhấn mạnh trọng tâm hợp tác giữa Việt Nam và Liên bang Nga là dầu khí: “Các công ty, tập đoàn của hai nước đang thảo luận, xem xét khả năng mở rộng hợp tác trong lĩnh vực dầu khí, nhằm thực hiện sự chỉ đạo của lãnh đạo cấp cao hai nước. Đa dạng hóa hợp tác trong lĩnh vực dầu khí Việt Nam-Liên bang Nga sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy quan hệ thương mại song phương”.
Tự tin trên vùng biển thuộc chủ quyền
Tiến hành các hoạt động hợp pháp trên vùng biển thuộc chủ quyền, tuân thủ hoàn toàn theo các công ước quốc tế, PetroVietnam đang tiếp tục chinh phục biển sâu, góp phần phát triển kinh tế đất nước. Từng ngày, trên những chuyến tàu công tác thăm dò tìm kiếm tại các giàn khoan, PetroVietnam vẫn vững vàng thực hiện nhiệm vụ phát hiện, khai thác nguồn tài nguyên quý giá để làm giàu cho đất nước./.