(VOV5) - gười dân Việt Nam đã cố gắng vượt qua khó khăn, thách thức để đất nước đạt được sự phát triển kỳ diệu, nhất là trong 37 năm đổi mới (từ năm 1986).
Cách đây 48 năm, ngày 30/4/1975 đã mở ra kỷ nguyên hòa bình trong lịch sử dân tộc Việt Nam khi đất nước hoàn toàn thống nhất, non sông liền một dải. Từ đây, người dân Việt Nam bắt tay vào xây dựng, phát triển đất nước để Việt Nam ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn.
Xe tăng của Lữ đoàn tăng-thiết giáp 203, Sư đoàn 304, Quân đoàn 2 tiến vào Dinh Độc Lập, trưa 30/4/1975 - Ảnh: Trần Mai Hưởng/TTXVN |
Với dân tộc Việt Nam, ngày 30/4/1975 là một ngày trọng đại. Đó là ngày hòa bình trở lại, là ngày Bắc - Nam sum họp một nhà, vĩ tuyến 17 chia cắt 2 miền Nam - Bắc chỉ còn là chứng tích lịch sử một thời…
Mở ra kỷ nguyên của hòa bình và phát triển
Hòa bình, thống nhất, độc lập và cường thịnh là mục tiêu mà mọi quốc gia, mọi dân tộc đều hướng đến, và Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ.
Lịch sử dân tộc Việt Nam ghi dấu nhiều chặng đường bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước của biết bao thế hệ. Trong suốt chiều dài lịch sử ấy, khát vọng thống nhất non sông luôn hiện hữu và đã được hiện thực hóa sau thời khắc lịch sử 30/4/1975.
Kể từ đó, người dân Việt Nam đã cố gắng vượt qua khó khăn, thách thức để đất nước đạt được sự phát triển kỳ diệu, nhất là trong 37 năm đổi mới (từ năm 1986). Nhiều năm liên tục, nền kinh tế Việt Nam có mức tăng trưởng trên 7%, trở thành nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng thuộc tốp đầu của thế giới. Đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế, cơ cấu lại nền kinh tế và thực hiện các đột phá chiến lược được tập trung thực hiện.
Tiến sỹ Irina Korgun, Giám đốc Trung tâm Chiến lược Nga tại Châu Á - Ảnh: VOV |
Tiến sỹ Irina Korgun, Giám đốc Trung tâm Chiến lược Nga tại Châu Á, nhận xét: "Việt Nam đang tiếp tục đi theo con đường công nghiệp hóa. Chúng tôi thấy Việt Nam đang phát triển nhiều lĩnh vực công nghiệp chuyên ngành, bắt đầu từ các nhà máy lắp ráp đơn giản nhất đến hàng hóa công nghệ phức tạp. Thực sự chúng tôi nhìn thấy sự phát triển hướng tới những ngành công nghiệp quan trọng để xây dựng cấu trúc tổng thể của nền kinh tế.
Trong lĩnh vực an sinh xã hội, từ một trong vài chục nước có thu nhập bình quân đầu người thấp nhất thế giới, Việt Nam đã vươn lên trong nhóm các nước đang phát triển có thu nhập trung bình thấp. Nếu năm 1988, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam mới chỉ đạt 86 USD/người/năm, thì 34 năm sau, (năm 2022), mức thu nhập bình quân đầu người đã đạt khoảng 4.100 USD, và phấn đấu đạt 4.400 USD như mục tiêu Quốc hội đề ra cho năm nay.
Ông Veeramalla Anjjaiah, Chuyên gia nghiên cứu cấp cao của Trung tâm nghiên cứu các vấn đề Đông Nam Á tại Indonesia, đánh giá: "Việt Nam đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận trong việc bảo vệ quyền con người, đặc biệt trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội vì lợi ích của người dân. Việt Nam đã đạt được những thành công đáng kể trong tất cả các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) và điểm số SDG trên tất cả các lĩnh vực là 72,76/100. Ngoài ra, một trong những thành tựu nổi bật của Việt Nam trong việc bảo đảm quyền con người là công cuộc xóa đói, giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân".
Nâng cao vị thế trên trường quốc tế
Kể từ khi hòa bình lập lại, cùng với phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, Việt Nam đã tạo dựng và củng cố vững chắc cục diện đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho công cuộc đổi mới. Trong lĩnh vực đối ngoại, tính đến đầu năm nay, Việt Nam có quan hệ chính thức với 190/193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc; có quan hệ kinh tế - thương mại và đầu tư với trên 230 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tại Việt Nam có sự hiện diện của nhà đầu tư đến từ 142 quốc gia và vùng lãnh thổ, với hơn 36.400 dự án, tổng vốn đăng ký đạt hơn 440 tỷ USD.
Trên bình diện đa phương, Việt Nam là thành viên của hơn 70 tổ chức, diễn đàn quốc tế quan trọng, như: Liên hợp quốc, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương…Với thành tựu của công cuộc đổi mới và những đóng góp tích cực vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã được tín nhiệm bầu vào nhiều tổ chức quan trọng của Liên hợp quốc, như: Hội đồng Bảo an (2008-2009, 2020-2021), Hội đồng Kinh tế- Xã hội (1998-2000, 2016-2018), Hội đồng Nhân quyền (2014-2016, 2023 - 2025)… Đáng chú ý, từ năm 2014 đến nay, Quân đội nhân dân Việt Nam tích cực tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc và luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cao cả này. Đến nay, Việt Nam đã triển khai trên 500 quân nhân đến các phái bộ và trụ sở Liên hợp quốc, góp phần lan tỏa hình ảnh Việt Nam yêu chuộng hòa bình, luôn sẵn sàng đóng góp cho sứ mệnh gìn giữ hoà bình, an ninh và phát triển của tổ chức đa phương lớn nhất thế giới này.
Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres - Ảnh: IRNA/TTXVN |
Đánh giá về đóng góp của Việt Nam, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Atonio Guteres cho biết: "Việt Nam luôn là một đối tác mạnh của Liên hợp quốc kể từ khi gia nhập năm 1977. Vai trò đầu tàu của Việt Nam trong việc đạt được các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ là nền tảng vững chắc giúp Việt Nam triển khai Chương trình phát triển bền vững 2030. Việt Nam cũng đã và đang có những đóng góp quan trọng trong việc ủng hộ hòa bình bền vững".
Những thành quả đạt được sau 48 năm thống nhất đất nước là minh chứng cho thấy nhân dân Việt Nam từng bước “xây dựng đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. Thành quả này là động lực để Việt Nam hướng đến những mục tiêu cao hơn để đến năm 2045, khi đất nước kỷ niệm 100 năm ngày thành lập, Việt Nam sẽ trở thành nước phát triển, thu nhập cao.