(VOV5) - Đối với những hoạt động của Trung Quuốc trên thực địa tại bãi Tư Chính trong những ngày qua, Việt Nam chọn con đường đấu tranh bảo vệ lợi ích quốc gia bằng biện pháp hòa bình.
Với những hoạt động trên thực địa tại bãi Tư Chính trong những ngày qua, Trung Quốc đã vi phạm các quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, xâm phạm đặc quyền kinh tế và quyền tài phán của Việt Nam tại vùng biển này. Đấu tranh bảo vệ lợi ích quốc gia bằng biện pháp hòa bình là con đường mà Việt Nam lựa chọn hiện nay. Bài viết của Lê Văn Bình, phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng |
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng mới đây nhấn mạnh: “Trong những ngày qua, nhóm tàu khảo sát Hải Dương 08 của Trung Quốc đã có hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông. Đây là vùng biển hoàn toàn của Việt Nam, được xác định theo đúng các quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên. Việt Nam đã tiếp xúc nhiều lần với phía Trung Quốc ở các kênh khác nhau, trao công hàm phản đối, kiên quyết yêu cầu chấm dứt ngay các hành vi vi phạm, rút toàn bộ tàu ra khỏi vùng biển Việt Nam; tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam vì quan hệ hai nước và ổn định, hòa bình ở khu vực”.
Thực thi chủ quyền trên cơ sở luật pháp quốc tế
Về ứng xử của các lực lượng chấp pháp của Việt Nam tại hiện trường, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết: “các lực lượng chức năng trên biển của Việt Nam tiếp tục triển khai nhiều biện pháp phù hợp thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán một cách hòa bình, đúng pháp luật nhằm bảo vệ vùng biển Việt Nam”.
Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Ban Biên giới Chính phủ. |
Theo tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Ban Biên giới Chính phủ, khẳng định của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho thấy lập trường pháp lý và chủ trương chính trị của Việt Nam là hoàn toàn đúng đắn, thể hiện thiện chí của một quốc gia thành viên có trách nhiệm của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS 1982): "Về pháp lý chính trị đối với các vấn đề đang xảy ra ở trong vùng Biển Đông, tôi cho rằng những phản ứng của chúng ta về mặt ngoại giao và trên thực địa liên quan đến sự kiện Tư Chính, chúng ta đã có lập trường rõ ràng khá cứng rắn nhưng đồng thời cũng thể thiện chí của chúng ta. Và với những gì đang diễn ra cho đến hiện nay chúng ta làm như vậy có thể nói là rất tốt, không để xảy ra các vấn đề gây phức tạp không kiểm soát được".
Điều 2, Hiến Chương Liên Hợp Quốc nghiêm cấm các quốc gia sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong giải quyết tranh chấp lãnh thổ. Điều 33, Hiến Chương Liên Hợp Quốc quy định các quốc gia phải giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình. Tiến sĩ Hoàng Việt, giảng viên Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết, Việt Nam đấu tranh bảo vệ lợi ích quốc gia trên biển bằng biện pháp hòa bình là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước.
Tàu khảo sát Hải dương Địa chất 8 (Haiyang Dizhi 8). - Ảnh: Gulf Times. |
Bảo vệ lợi ích quốc gia bằng biện pháp hòa bình
Đến thời điểm này, Việt Nam đã kiên trì triển khai nhiều biện pháp phù hợp đấu tranh trên thực địa; Bộ Ngoại giao Việt Nam trao công hàm phản đối hoạt động trái phép của nhóm tàu Hải Dương 08 cho phía Trung Quốc, sử dụng nhiều kênh ngoại giao khác nhau để liên lạc với Trung Quốc. Đó là những bước đầu trong đấu tranh bằng biện pháp hòa bình theo quy định của Hiến chương Liên Hợp Quốc. Tiến sỹ Hoàng Việt đánh giá: "Các biện pháp hòa bình được liệt kê trong Hiến chương Liên Hợp quốc thứ nhất là bằng con đường đàm phán thương lượng giữa các bên. Phát ngôn của Bộ Ngoại Giao cũng cho thấy Việt Nam đã 3 lần gửi công hàm và sử dụng nhiều kênh ngoại giao quan trọng để tiếp xúc với Trung Quốc. Biện pháp thứ hai là dùng bên thứ ba để tham gia trong quá trình đàm phán và giải quyết trực tiếp".
Phó Giáo sư Tiến sỹ Nguyễn Bá Diến, Chủ nhiệm Bộ môn Luật Quốc tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, khẳng định Bãi Tư Chính nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Hoạt động của Trung Quốc tại khu vực này là hoàn toàn trái phép. Các lực lượng chấp pháp của Việt Nam đã và đang kiên trì đấu tranh tuyên truyền trên thực địa.
Khi mọi nỗ lự ngoại giao đều bị phía Trung Quốc khước từ thì Việt Nam có thể đưa vụ việc ra Liên Hợp Quốc: "Chúng ta phải đưa vụ việc ra trước tổ chức quốc tế mà cụ thể có thể là Liên Hợp Quốc. Nếu như tất cả các nỗ lực thương lượng, đàm phán và mọi sự kiên nhẫn của chúng ta đã cạn thì khởi kiện Trung Quốc ra Tòa án Quốc tế. Chúng ta có những căn cứ và cơ sở pháp lý vững chắc hơn rất nhiều so với Philippines trong vụ kiện Trung Quốc trước đây".
Những ngày qua, Việt Nam đã tận dụng tất cả các biện pháp ngoại giao để tiếp xúc với Trung Quốc, đề nghị rút nhóm tàu Hải Dương 08 ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, nhằm bảo vệ mối quan hệ ngoại giao hiện có của hai nước. Nếu Trung Quốc không tiếp nhận thiện chí này, những bước tiếp theo trong đấu tranh bằng biện pháp hòa bình có thể sẽ được Việt Nam sử dụng để bảo vệ lợi ích chính đáng của mình trên Biển Đông./.