(VOV5) - Năm 2015, Chính phủ tiếp tục lựa chọn những lĩnh vực trọng điểm để đầu tư cho khu vực này nhằm mang lại diện mạo mới cho các xã đặc biệt khó khăn.
Việt Nam có khoảng hơn 12 triệu đồng bào dân tộc, chiếm khoảng 13% dân số. Năm 2014, Chính phủ đã ban hành nhiều chương trình, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo cũng như bố trí nguồn lực cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Năm 2015, Chính phủ tiếp tục lựa chọn những lĩnh vực trọng điểm để đầu tư cho khu vực này nhằm mang lại diện mạo mới cho các xã đặc biệt khó khăn, tạo chuyển biến về chất trong cuộc sống của người dân ở vùng được coi là lõi nghèo của cả nước. BTV Đài TNVN có bài tổng hợp nhan đề Đầu tư trọng điểm phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc, miền núi
|
Ðồng bào dân tộc Thái ở huyện Quỳnh Nhai (Sơn La) đầu tư chăn nuôi bò, từng bước thoát nghèo. Ảnh: NGUYỄN DUY |
Năm 2014, cuộc sống người dân vùng dân tộc và miền núi nhìn chung ổn định và ngày càng được cải thiện. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 2-4%, riêng các huyện nghèo giảm trên 4%. Để mang đến một diện mạo mới cho các thôn, bản nơi đây, các Bộ, ngành, địa phương tập trung đào tạo nguồn nhân lực, cải thiện cơ sở hạ tầng, hỗ trợ bà con phát triển sản xuất.
Đầu tư toàn diện
Về chính sách, năm 2014, nhiều chính sách mới được ban hành và triển khai có hiệu quả tác động tích cực, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số ở các vùng khó khăn nhất thoát nghèo; góp phần từng bước thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng dân tộc và miền núi. Bộ mặt nông thôn vùng dân tộc và miền núi thay đổi rõ nét, nhất là hạ tầng cơ sở. Một số địa phương đã phát triển kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa. Tốc độ tăng trưởng bình quân của các tỉnh vùng dân tộc và miền núi từ 8 đến 10%. Phong trào xây dựng nông thôn mới đang được đẩy mạnh. Mạng lưới trạm y tế, nhà văn hóa, trường, lớp học, nhất là trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú tiếp tục được đầu tư xây dựng.
Về vốn đầu tư, tính riêng năm 2014, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, kinh tế trong nước chưa phục hồi hoàn toàn nhưng Chính phủ vẫn ưu tiên bố trí trên 7.800 tỷ đồng cho vùng dân tộc miền núi, chiếm 20% tổng nguồn vốn hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách nhà nước. Năm 2015, Quốc hội đã thông qua và Thủ tướng Chính phủ quyết định giao tổng nguồn vốn trên 8.900 tỷ đồng cho vùng dân tộc, miền núi, tăng 14% so với năm vừa qua. Đó là còn chưa kể nguồn vốn của các tổ chức quốc tế hỗ trợ cho vùng dân tộc, miền núi thông qua các dự án đặc thù.
Lựa chọn những lĩnh vực trọng điểm để hỗ trợ
Để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc và miền núi, việc lựa chọn những nhiệm vụ trọng tâm mang tính đột phá là yêu cầu cấp thiết. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Nhiệm vụ giảm nghèo còn rất khó khăn, nhất là giảm nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số, đòi hỏi phải thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, có trọng tâm trọng điểm và đạt hiệu quả cao hơn. Thực hiện hiệu quả các giải pháp giảm nghèo trên cả ba phương diện là hỗ trợ người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, phát triển sản xuất, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội ở địa bàn khó khăn. Ngoài ra chú trọng các giải pháp hỗ trợ tạo điều kiện cho người nghèo vươn lên thoát nghèo.
|
Ảnh: Mô hình nuôi gà xã Hộ Đáp, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang.
Ảnh: baobacgiang.gov.vn |
Trong xóa đói giảm nghèo, các Bộ, ngành, đặc biệt là Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân các địa phương quan tâm đặc biệt đến công tác dân tộc, trong đó điểm đáng chú ý là nguồn nhân lực. Vì suy cho cùng, chính sách đúng nhưng cán bộ triển khai phải vận dụng được, linh hoạt, sáng tạo thì chính sách mới hiệu quả. Cùng với chinh sách cán bộ thì việc đào tạo nghề cho hơn 7 triệu lao động là người dân tộc rất được chú trọng. Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền cho biết: Chúng tôi với trách nhiệm quản lý ngành sẽ hướng dẫn về việc thực hiện đào tạo và chỉ đạo tổ chức, có thể có những việc cần phải điều chỉnh lại từ mức hỗ trợ, cách tổ chức đào tạo phải được cải tiến hơn thì mới đáp ứng thực chất nhu cầu đào tạo của bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Về giải quyết đất sản xuất cho đồng bào dân tộc, xây dựng cơ sở hạ tầng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: Khẩn trương ban hành chính sách đặc thù để giảm nghèo nhanh hơn trong đồng bào dân tộc thiểu số. Hỗ trợ thiết thực và hiệu quả để đồng bào tăng thu nhập, thoát nghèo từ bảo vệ, chăm sóc, phát triển rừng, gắn với phát triển chăn nuôi và đa dạng hóa cây trồng. Nghiên cứu việc nâng mức khoán, mức hỗ trợ trong bảo vệ rừng và trồng rừng. Đồng thời thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ hiện có, nhất là về đất sản xuất, đất ở, nhà ở, nước sạch, phát triển ngành nghề, khuyến nông, khuyến lâm và ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất. Chính phủ đã thảo luận dự thảo Nghị định về các chính sách này và đang chỉ đạo hoàn thiện để sớm ban hành.
Giảm nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số luôn là nhiệm vụ quan trọng trong công cuộc xóa đói giảm nghèo của Việt Nam. Việc Chính phủ tiếp tục tập trung nguồn lực lớn hơn, cơ chế được sửa đổi phù hợp hơn, linh hoạt hơn sẽ tạo động lực phát triển cho các xã khó khăn vùng dân tộc thiểu số, góp phần giúp người dân nơi đây thoát nghèo bền vững./.