(VOV5) - Việt Nam sẽ đẩy mạnh cơ cấu lại ngành công nghiệp; thực hiện điều chỉnh phân bố không gian phát triển công nghiệp của vùng, địa phương.
Phát biểu tại Diễn đàn cấp cao thường niên về công nghiệp 4.0 năm 2023 gắn với triển khai Nghị quyết số 29 về công nghiệp hóa, hiện đại hóa diễn ra hôm giữa tuần (14/6), tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: việc thích ứng và phát triển của mỗi quốc gia trong kỷ nguyên số và toàn cầu hóa hiện nay là vấn đề lớn, vừa cấp bách, vừa lâu dài. Việt Nam ý thức rõ về cơ hội và những yêu cầu để thích ứng và phát triển. Chính phủ Việt Nam đã, đang và sẽ chủ động đổi mới để phát triển.
Việt Nam có rất nhiều yếu tố thuận lợi cho việc tiếp cận và hưởng lợi từ cách mạng công nghiệp lần thứ tư, như: có cơ cấu dân số trẻ, năng động, sáng tạo, hạ tầng cho công nghệ số hóa phát triển nhanh, cơ chế, chính sách ngày càng hoàn thiện. Vì vậy, đây thực sự là cơ hội để Việt Nam thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, thịnh vượng, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.
Diễn đàn cấp cao thường niên về công nghiệp 4.0 năm 2023 gắn với triển khai nghị quyết số 29 về công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Ảnh: VOV |
Phải tạo những đột phá
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, đẩy mạnh chuyển đổi số và chuyển đổi xanh sẽ tạo đột phá rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Để thực hiện điều này, Việt Nam cần triển khai có hiệu quả "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030". Theo đó, chuyển đổi số phải mang lại kết quả thực chất, những giá trị thiết thực cho phát triển kinh tế, xã hội. Trong đó, thực hiện có hiệu quả phương châm đã đề ra cho năm 2023 là năm "Tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới" và Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Cùng với đó là đẩy nhanh việc xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện hiệu quả Chiến lược phát triển công nghiệp công nghệ số; xây dựng Luật Công nghiệp công nghệ số; thúc đẩy phát triển các sản phẩm, dịch vụ mới, chính sách xây dựng kết cấu hạ tầng công nghiệp công nghệ số.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: VOV |
Đồng thời, Việt Nam phải thực hiện có hiệu quả Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để thúc đẩy chuyển đổi xanh. Triển khai hiệu quả các nội dung của Tuyên bố chính trị thiết lập Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) với các đối tác quốc tế, tận dụng tối đa hỗ trợ của các đối tác quốc tế trong chuyển giao công nghệ, quản trị, đào tạo nhân lực, cung cấp tài chính, coi JETP là giải pháp quan trọng cho quá trình chuyển dịch năng lượng ở Việt Nam. Song song với đó là việc thực hiện thành công Quy hoạch điện VIII đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để tiến tới giảm và cân bằng phát thải theo các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc lần thứ 26 (tại Anh) và lần thứ 27 (tại Ai Cập).
Phát triển khoa học công nghệ, xây dựng nền công nghiệp quốc gia vững mạnh
Xây dựng nền công nghiệp quốc gia vững mạnh có ý nghĩa quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Theo Thủ tướng, Việt Nam sẽ đẩy mạnh cơ cấu lại ngành công nghiệp; thực hiện điều chỉnh phân bố không gian phát triển công nghiệp của vùng, địa phương theo hướng gắn với các vùng động lực, cực tăng trưởng, hành lang kinh tế trọng điểm, bảo đảm tính chuyên môn hóa cao, tăng cường tính liên kết nội vùng và liên vùng; hình thành các vùng công nghiệp, vành đai công nghiệp, cụm liên kết ngành công nghiệp, khu công nghiệp, trọng tâm là hình thành các cụm liên kết ngành công nghiệp.
Việt Nam cũng sẽ phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo để đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; trong đó thúc đẩy mạnh mẽ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Thủ tướng khẳng định: Chính phủ sẽ tiếp tục tập trung hoàn thiện thể chế thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo theo hướng phù hợp với cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế. Xây dựng và triển khai các chính sách xây dựng hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tăng cường ứng dụng các công nghệ mới, công nghệ sạch, đổi mới sáng tạo nâng cao trình độ và năng lực công nghệ để sản xuất sản phẩm mới, sản phẩm chủ lực, trọng điểm của ngành, lĩnh vực, địa phương. Xây dựng văn hóa khởi nghiệp quốc gia, đặc biệt trong thế hệ trẻ.
Là nền kinh tế phát triển năng động, Việt Nam kiên định hướng đến mục tiêu xây dựng một đất nước hùng cường, thịnh vượng, trong đó công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước có vai trò quan trọng. Và việc chuyển đổi số, chuyển đổi xanh là nhiệm vụ trọng tâm, tạo ra sự đột phá, rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.