(VOV5) - Từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV tới nay, các đại biểu Quốc hội đã có gần 6.500 cuộc tiếp xúc cử tri, tiếp nhận, giải quyết gần 10.000 kiến nghị của cử tri cả nước.
Tiếp xúc cử tri là hoạt động trực tiếp quan trọng để đại biểu Quốc hội thực hiện nhiệm vụ của mình trước nhân dân. Thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri, đại biểu và Quốc hội nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và giải quyết những vướng mắc của nhân dân, đồng thời làm cho người dân hiểu rõ những đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước để cùng thực hiện cho tốt. Đẩy mạnh hoạt động tiếp xúc, giải quyết kiến nghị của cử tri nhằm góp phần thực hiện tốt hoạt động giám sát của Quốc hội.
Ảnh minh họa: quochoi |
Từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV tới nay, các đại biểu Quốc hội đã có gần 6.500 cuộc tiếp xúc cử tri, tiếp nhận, giải quyết gần 10.000 kiến nghị của cử tri cả nước. Trước một số khó khăn cử tri phản ánh như việc thu hút đầu tư tại các địa phương; chi phí vận chuyển, logistic quá cao; nhiều thủ tục hành chính rườm rà; công chức thực thi công vụ còn cửa quyền, hách dịch... Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp gặp gỡ, đối thoại với nông dân, công nhân, doanh nghiệp; chỉ đạo, chủ trì nhiều hội thảo, hội nghị xúc tiến đầu tư, thành lập Tổ công tác kiểm tra tại các bộ, ngành, địa phương; triển khai thực hiện các quy chế, chương trình phối hợp giữa cơ quan hành chính các cấp với các cơ quan của Đảng, Mặt trận Tổ quốc như ký quy chế phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương; chọn chủ đề năm 2018 là “Năm Dân vận Chính quyền”,... qua đó tạo môi trường kinh doanh thông thoáng hơn, tháo gỡ nhiều khó khăn mà cử tri nêu, kết quả tăng trưởng kinh tế GDP 9 tháng đầu năm đạt 6,98% vượt chỉ tiêu quốc hội giao được cử tri ghi nhận, đánh giá cao.
Nâng cao các hoạt động của Quốc hội và đại biểu Quốc hội
Qua các kỳ Quốc hội, cử tri cả nước đánh giá cao các hoạt động của Quốc hội có nhiều đổi mới, đặc biệt là hoạt động chất vấn của các đại biểu Quốc hội dân chủ, trí tuệ, tăng tính tranh luận. Qua đó nhiều vấn đề mà cử tri gửi gắm đã được xem xét, giải quyết hiệu quả; nhiều kiến nghị của cử tri đã được tiếp thu trong quá trình xem xét các luật, lựa chọn chuyên đề giám sát. Xác định những nhiệm vụ đã cam kết tại các phiên chất vấn qua các kỳ họp có ảnh hưởng lớn trong công tác chỉ đạo, điều hành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tập trung triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc với quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ theo kế hoạch đề ra. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng: “Những vấn đề đã được Quốc hội giám sát thành các chuyên đề chất vất tại các kỳ họp. Đây là những vấn đề quan trọng được cử tri và nhân dân cả nước quan tâm. Qua các báo cáo và kết quả thực tế cho thấy việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội đã đạt được những kết quả đảng ghi nhận. Từng lĩnh vực có chuyển biến tích cực, thể hiện sự quyết tâm, tinh thần trách nhiệm cao của các thành viên Chính phủ và các Bộ trưởng… đã góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội”.
Trong công tác điều hành của Chính phủ, đã có hơn 2.000 kiến nghị gửi đến Chính phủ, các bộ, ngành đã được nghiên cứu, giải quyết, trả lời, trong đó có gần 1.600 kiến nghị được giải trình, cung cấp thông tin tới cử tri; có hơn 100 kiến nghị được giải quyết xong, thông qua sửa đổi 16 văn bản theo phản ánh của cử tri... Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ông Nguyễn Thanh Hải cho biết: “Tất cả các Đoàn Đại biểu Quốc hội đều nhận xét Chính phủ, các bộ, ngành rất nỗ lực, trách nhiệm giải quyết kiến nghị của cử tri, có sự chuyển biến rõ rệt về chất lượng, số lượng và thời hạn giải quyết, cơ bản đã giải đáp thỏa đáng những vấn đề cử tri phản ánh qua các đợt tiếp xúc cử tri. Lần đầu tiên có Bộ không còn tồn đọng kiến nghị chưa giải quyết và được cử tri đánh giá cao trong giải quyết một số kiến nghị mà cử tri tại địa phương nêu. Một số tồn tại, nêu tại các báo cáo kỳ trước đã được tích cực giải quyết. Một số văn bản đã được xem xét sửa đổi theo kiến nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội”.
Khắc phục hạn chế, thiếu sót để giải quyết kiến nghị cử tri
Bên cạnh những kết quả đạt được, còn những hạn chế, tồn tại mà Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã thẳng thắn nhìn nhận để có giải pháp kịp thời khắc phục. Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải cho biết: “Đối với các cơ quan thuộc khối Quốc hội, sẽ nâng cao chất lượng, hiệu quả việc tiếp xúc cử tri, việc lấy ý kiến cử tri góp ý vào các dự án luật bảo đảm thực chất; tăng cường giám sát việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành luật. Đối với các cơ quan thuộc khối Chính phủ, sẽ tổ chức Hội nghị toàn quốc về Công tác giải quyết kiến nghị cử tri xem xét, đánh giá toàn diện công tác này”.
Thời gian tới, Quốc hội, Chính phủ và các bộ đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động tiếp xúc cử tri nhằm đôn đốc, kiểm tra, giám sát và xem xét tình hình và kết quả giải quyết các ý kiến, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của cử tri và công dân. Đồng thời, các kiến nghị của cử tri sẽ được tổng hợp, phân loại và chuyển tới các cơ quan chức năng có thẩm quyền giải quyết, góp phần thúc đẩy nhanh kết quả giải quyết các kiến nghị của cử tri.