(VOV5) - Việt Nam hiện có 6,7 triệu người khuyết tật song chỉ 15% trong số đó có việc làm tương đối ổn định và 10% được đào tạo nghề. Trong bối cảnh ấy, Nhà nước, các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp Việt Nam đã và đang nỗ lực tạo dựng các chính sách và môi trường hỗ trợ người khuyết tật để họ có việc làm, ổn định cuộc sống và hoà nhập cùng xã hội.
|
Dạy nghề và tạo việc làm giúp người khuyết tật hoà nhập cộng đồng (Ảnh minh họa - nguồn internet) |
Ở Việt Nam, công tác dạy nghề và giải quyết việc làm cho người khuyết tật được đặc biệt quan tâm. Luật Dạy nghề năm 2006 có riêng một chương quy định việc dạy nghề cho người khuyết tật, giúp đối tượng có năng lực thực hành nghề phù hợp với khả năng lao động của mình để tự tạo việc làm hoặc tìm được việc làm, ổn định đời sống. Nhà nước cũng khẳng định sự hỗ trợ về tài chính và các chính sách ưu đãi khác đối với các cơ sở dạy nghề cho người khuyết tật nhằm khuyến khích công tác dạy nghề cho người khuyết tật. Bộ luật Lao động của Việt Nam cũng nêu rõ: “Hàng năm, Nhà nước dành một khoản ngân sách để giúp người khuyết tật phục hồi sức khoẻ, phục hồi chức năng lao động, học nghề và có chính sách cho vay với lãi suất thấp để họ tự tạo việc làm, ổn định đời sống”. Trên thực tế, ngân sách Nhà nước đã dành hàng trăm tỷ đồng mỗi năm để tăng cường công tác dạy nghề cho người khuyết tật. Cả nước hiện có trên 256 cơ sở dạy nghề cho người khuyết tật, trong đó có 55 cơ sở dạy nghề chuyên biệt.
Cùng với dạy nghề, hoạt động tạo việc làm cho người khuyết tật cũng được chú trọng. Nhà nước có nhiều biện pháp xúc tiến việc làm cho người khuyết tật như ban hành và thực thi nhiều chính sách ưu đãi, khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng lao động là người khuyết tật, hỗ trợ cơ sở sản xuất kinh doanh của người khuyết tật, thành lập Quỹ Quốc gia về việc làm. Ngành Lao động- Thương binh và xã hội thường xuyên tổ chức các hội chợ việc làm kể từ năm 2006 đến nay, trong đó có khu vực dành riêng cho người khuyết tật với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp, cơ sở dạy nghề. Bên cạnh đó, nhiều tổ chức, cá nhân cũng nỗ lực tạo việc làm cho người khuyết tật như Hội Bảo trợ Người tàn tật Việt Nam, Hội đồng Dải Băng Xanh, mạng lưới các doanh nghiệp thúc đẩy việc làm hoà nhập cho người khuyết tật với hơn 100 đơn vị… Ông Greig Craft, Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn thiết bị và sản phẩm an toàn Việt Nam Protec, doanh nghiệp tạo việc làm cho nhiều người khuyết tật, cho biết: "Không chỉ xuất phát từ tính nhân đạo từ thiện mà chúng tôi tuyển người khuyết tật vào làm việc. Chúng tôi tuyển những người khuyết tật vào làm việc còn bởi vì chúng tôi thấy họ ít có cơ hội tiếp xúc với các công việc. Họ là những người lao động rất chăm chỉ, ít khi nghỉ ốm, bản thân họ đóng góp tốt như những người bình thường khác. Chúng tôi tuyển và trả lương cho họ bởi họ xứng đáng nhận được đồng lương như thế. Tôi muốn mình là một điển hình để cho các doanh nghiệp khác noi theo, bởi các doanh nghiệp khác không biết những người khuyết tật có thể đóng góp những gì".
|
Việt Nam Protec, doanh nghiệp tạo việc làm cho nhiều người khuyết tật (Ảnh: internet) |
Tuy nhiên, số lượng người khuyết tật đáp ứng lâu dài các công việc tại các doanh nghiệp có hoạt động sản xuất theo lối công nghiệp là không nhiều do hạn chế về mặt sức khoẻ, kỹ năng, trình độ chuyên môn của họ. Chính vì vậy, việc tạo ra các cơ sở lao động của riêng người khuyết tật là việc làm được Việt nam chú trọng trong nhiều năm qua. Theo thống kê, cả nước hiện có hơn 400 cơ sở sản xuất kinh doanh của người khuyết tật với khoảng 15.000 lao động là người khuyết tật. Khoảng 65% số hộ có người khuyết tật được hưởng các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất như miễn giảm thuế, hỗ trợ tín dụng ưu đãi, đất sản xuất…Ông Nguyễn Đình Liêu, Chủ tịch Hội Bảo trợ Người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam, cho biết: "Đối với người khuyết tật, quan trọng nhất là họ phải có việc làm ở tại nơi cộng đồng mà họ sinh sống. Đây là hướng đi mà chúng tôi đang theo đuổi. Người khuyết tật có thể có việc làm từ rất nhiều vị trí, có thể đi vào khu chế xuất, khu công nghiệp. Nhưng người khuyết tật tôi cho rằng hướng của họ chính là phải từ cộng đồng, vì nơi họ sinh ra, lớn lên, nơi họ được bù đắp tình cảm từ cha mẹ, người thân của họ, làng xóm. Chúng tôi thí điểm trong ba năm vừa qua rất thành công. Người ta làm ở ngay hợp tác xã, ngay cơ sở sản xuất tư nhân…".
Trong Chương trình hành động trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012 – 2020, Chính phủ Việt Nam tiếp tục ưu tiên mục tiêu tạo việc làm cho người khuyết tật, phấn đấu đến năm 2015, 250 nghìn người khuyết tật còn khả năng lao động sẽ được học nghề và có việc làm phù hợp. Trong nỗ lực này,Việt Nam đang thí điểm xây dựng mô hình sinh kế cho người khuyết tật, tạo điều kiện để họ thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình như những công dân khác, tạo sự tự tin hoà nhập xã hội cho người khuyết tật. Ngoài ra, Việt Nam cũng đã và đang thực hiện nhiều chính sách vì chất lượng cuộc sống người khuyết tật khác, trong đó có việc đề cao vai trò của chính quyền các cấp và trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức trong việc trợ giúp người khuyết tật. Việt nam cũng sẽ đẩy mạnh nghiên cứu khoa học trên các lĩnh vực phòng ngừa, phát hiện và can thiệp sớm, trị liệu tâm lý, phục hồi chức năng cho người khuyết tật, tăng cường hợp tác quốc tế nhằm tranh thủ sự hỗ trợ kỹ thuật, kinh nghiệm và nguồn lực để trợ giúp người khuyết tật./.