(VOV5) - Đề án Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2016-2020, đạt được những kết quả tích cực.
Cổ phần hóa được coi là một trong các giải pháp quan trọng để cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là Tập đoàn kinh tế và Tổng công ty nhà nước giai đoạn 2016 - 2020. Tuy vậy, tiến trình cổ phần hóa vẫn chưa đạt như kỳ vọng, rất cần các giải pháp thiết thực và kịp thời mới có thể đạt tiến độ đề ra. Ngày 21/11 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị để thúc đẩy hoạt động cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước trong thời gian tới.
Sau hơn 1 năm thực hiện, Chương trình Hành động của Chính phủ về thực hiện cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước và Đề án Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2016-2020, đạt được những kết quả tích cực. Đáng nói nhất là hoạt động của các doanh nghiệp sau cổ phần hóa so với trước khi cổ phần hóa tốt hơn nhiều. Cả lợi nhuận bình quân trước thuế, nộp ngân sách nhà nước, vốn điều lệ, tổng tài sản, doanh thu, thu nhập của người lao động đều tăng; quản trị doanh nghiệp thay đổi theo hướng tích cực. Tuy nhiên, tiến độ sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước được cho là vẫn còn chậm, chưa đạt được yêu cầu.
Một số giải pháp
Thực tế cho thấy quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước tại thời điểm này hứng chịu tác động không nhỏ từ những diễn biến bất lợi của kinh tế thế giới và khu vực. Hơn nữa, đối tượng sắp xếp, cổ phần hóa hầu hết là các doanh nghiệp có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, kinh doanh đa ngành nghề, tài chính phức tạp cho nên cần có nhiều thời gian chuẩn bị, xử lý. Việc thực hiện cổ phần hóa các doanh nghiệp có quy mô vốn lớn cần sự tham gia của nhiều nhà đầu tư lớn, có tiềm lực tài chính và năng lực quản trị, đầu tư tốt đòi hỏi cần nhiều thời gian để chuẩn bị. Để tháo gỡ khó khăn này, ông Trần Văn Minh, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh, nêu ý kiến:Cần tiếp tục rà soát những lĩnh vực mà nhà nước cần nắm quyền chi phối, với những lĩnh vực cần huy động vốn từ xã hội. Duy trì tỷ lệ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp ở mức hợp lý, nhằm thu hút nhà đầu tư tích cực tham gia vào quá trình cổ phần hóa.
Ảnh minh họa: TTXVN |
Để tiếp tục đẩy mạnh tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước,Việt Nam tiếp tục phải hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách phục vụ quá trình cơ cấu lại doanh nghiệp. Rà soát kỹ các luật có liên quan để bổ sung phù hợp quá trình cơ cấu lại và vai trò, vị trí của doanh nghiệp nhà nước thời gian tới. Ðáng chú ý là cần sớm có các cơ chế, chính sách đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp. Bên cạnh đó là hoàn thiện phân công, phân cấp thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp; sớm xóa bỏ chức năng đại diện chủ sở hữu của các bộ, ngành, địa phương đối với vốn, tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp.
Theo nhiều chuyên gia, cũng cần có sự thống nhất về cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước và cổ phần, vốn góp của nhà nước tại doanh nghiệp. Bà Mai Thị Ánh Tuyết, đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang, cho rằng: Yêu cầu cấp bách là sớm có bộ máy, con người thực hiện việc giám sát quá trình quản lý sử dụng vốn nhà nước một cách chuyên nghiệp, chuyên trách và độc lập, thay vì để các bộ và Ủy ban nhân dân kiêm nhiệm như hiện nay. Cần sớm thành lập cơ quan chuyên trách làm đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Bên cạnh đó cần tách đội ngũ cán bộ quản lý doanh nghiệp nhà nước thực hiện chế độ thị trường, hợp đồng lao động với tất cả chức danh điều hành doanh nghiệp, đồng thời đổi mới mạnh mẽ chế độ tiền lương, thu nhập cơ chế giám sát, theo cơ chế thị trường như doanh nghiệp tư nhân.
Tăng tốc cổ phần hóa
Các cơ chế, chế tài để các tổ chức, cá nhân thực hiện có hiệu quả các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ được phân công, phân cấp, nhất là việc đôn đốc các doanh nghiệp đã cổ phần hóa thực hiện đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán... sẽ được gấp rút xây dựng và thực thi trong thời gian tới. Chỉ khi có sự quyết liệt và giải quyết bất cập triệt để thì doanh nghiệp đã cấu trúc lại hay doanh nghiệp đang cổ phần hóa mới có điều kiện tốt để hoạt động hiệu quả. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, nêu rõ: Chúng ta không thể hi sinh chất lượng đổi lấy tiến độ cuối cùng vẫn là lợi ích thu được từ công tác cổ phần hóa và sau khi cổ phần hóa công tác quản trị của doanh nghiệp tiến triển ra sao và hoạt động hiệu quả. Đặc biệt chú ý công tác thống kê rà soát phê duyệt phương án sử dụng đất của các doanh nghiệp, cần tập trung vào các doanh nghiệp lớn và số lượng các doanh nghiệp phải được kiểm toán nhà nước thẩm định lại giá trị doanh nghiệp.
Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước tập trung vào các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước là nhằm xây dựng doanh nghiệp nhà nước có cơ cấu hợp lý hơn, tập trung vào ngành, lĩnh vực then chốt, cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội và quốc phòng, an ninh, làm nòng cốt để kinh tế nhà nước thực hiện vai trò chủ đạo, là lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước định hướng, điều tiết và ổn định kinh tế vĩ mô. Chính vì vậy, đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa các doanh nghiệp này đang được các cấp, các ngành quan tâm, thực hiện triệt hơn để tiến trình này về đích đúng kế hoạch.