(VOV5) - Tại diễn đàn lần này, bất chấp những bất đồng còn tồn tại, các nước đều để ngỏ xu thế đối thoại và hợp tác để tăng cường hiểu biết lẫn nhau và xây dựng lòng tin.
Đối thoại Shangri-La 17, diễn đàn an ninh quan trọng vào bậc nhất của khu vực châu Á-Thái Bình Dương, vừa kết thúc tuần qua tại Singapore. Tại đối thoại lần này, có một điểm chung là các nước đều đồng thuận trong cách tiếp cận giải quyết các thách thức an ninh hiện nay, đó là đề cao trách nhiệm, tăng cường đối thoại để giải quyết và ứng phó với xu hướng thay đổi trật tự tại châu Á nói chung và khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói riêng.
Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN tại cuộc gặp - Ảnh minh họa: Xuân Vịnh/TTXVN
|
Đối thoại Shangri-La năm nay đã đề cập đến hàng loạt vấn đề an ninh nóng nhất của khu vực. Hơn 500 đại biểu chính thức là các quan chức quốc phòng và giới học giả đến từ hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có hơn 40 bộ trưởng hoặc thứ trưởng quốc phòng, tham dự.
Đây là kỳ Đối thoại Shangri-La có sự tham dự của nhiều Bộ trưởng Quốc phòng nhất, là cơ hội để các nước nêu ra những thách thức an ninh mới mà khu vực đang phải đối mặt, từ đó đề ra các hình thức hợp tác để đảm bảo một khu vực châu Á Thái Bình Dương ổn định, hòa bình và phát triển thịnh vượng.
Tìm được tiếng nói chung
Tại diễn đàn này, Ấn Độ đã tìm được tiếng nói chung với ASEAN trong cam kết hướng tới một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, rộng mở, minh bạch, theo luật pháp, hòa bình, thịnh vượng và nhiều thành phần tham gia. Trong bài phát biểu tại diễn đàn Shangri La, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã đề cập tới tầm nhìn về một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mới rộng mở, nhiều thành phần tham gia và không bị giới hạn vào thành viên cụ thể nào cả. Thủ tướng Ấn Độ cũng nhấn mạnh vai trò trung tâm của ASEAN trong việc định hình khu vực và chính sách Hành động hướng Đông để hoàn thành tầm nhìn này. Ông khẳng định ASEAN đã, đang và sẽ là trung tâm trong tương lai và Ấn Độ muốn hợp tác vì một cấu trúc hòa bình và an ninh trong khu vực.
Với tuyên bố này, một lần nữa cho thấy ASEAN sẽ tiếp tục nằm trong trọng tâm của chiến lược an ninh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mà Ấn Độ đang triển khai mạnh mẽ cùng với 3 nước Mỹ, Australia và Nhật Bản. Sau những diễn biến phức tạp ảnh hưởng tới an ninh khu vực thời gian gần đây, tạo ra những thách thức cho chính Ấn Độ, New Delhi đang muốn thể hiện vai trò như một đối tác có tầm ảnh hưởng và có trách nhiệm trong việc đảm bảo hòa bình và ổn định khu vực, qua đó khẳng định vị thế một cường quốc châu Á - Thái Bình Dương. Trên thực tế, sự hợp tác ASEAN-Ấn Độ không chỉ đem lợi ích kinh tế đơn thuần mà còn hướng đến lợi ích chính trị và an ninh, tạo lập được thế cân bằng trong cấu trúc an ninh khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Đề cao tính trách nhiệm trong việc gìn giữ hòa bình, an ninh khu vực
Diễn biến khu vực cùng sự thay đổi cán cân quyền lực của các nước lớn đang khiến cho trật tự khu vực châu Á-Thái Bình Dương thay đổi. Đáng chú ý, một số hành động đơn phương triển khai các hệ thống khí tài quân sự của Trung Quốc tại biển Đông đang đi ngược lại với các quy tắc hiện có và làm gia tăng các thách thức an ninh tại khu vực. Hàng loạt thách thức an ninh khu vực này khiến cho yêu cầu phải đối thoại để xây dựng lòng tin và nâng cao chất lượng hợp tác an ninh khu vực trở nên đặc biệt cấp thiết. Trong bối cảnh đó, Đối thoại Shangri-La lần thứ 17 tại Singapore được xem là cơ hội để các bên cùng thảo luận, tìm giải pháp thúc đẩy duy trì hòa bình, ổn định cùng sự thịnh vượng chung tại khu vực.
Trên thực tế, tại diễn đàn lần này, bất chấp những bất đồng còn tồn tại, các nước đều để ngỏ xu thế đối thoại và hợp tác để tăng cường hiểu biết lẫn nhau và xây dựng lòng tin. Theo đánh giá của các chuyên gia, kết quả đạt được tại Đối thoại lần này là thực chất và hiệu quả. Mỹ cho biết sẵn sàng hợp tác xây dựng với Trung Quốc dựa trên một mối quan hệ “hướng đến những thành quả,” đồng thời khẳng định tăng cường hợp tác an ninh với các nước thành viên ASEAN. Hàn Quốc đề cao vai trò của đối thoại và ngoại giao trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Trong khi đó, Singapore đang nỗ lực phối hợp với các bên liên quan để xây dựng khung hướng dẫn tránh va chạm ngoài ý muốn trên không giữa các máy bay quân sự tại khu vực, hy vọng sẽ được thông qua tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN (ADMM) diễn ra vào tháng 10 tới.
Có thể thấy các tiếp cận của các bên trong việc tránh đối đầu, tránh leo thang căng thẳng và phối hợp một cách xây dựng vì an ninh và trật tự chung, khiến diễn đàn năm nay có được kết quả thực chất bước đầu. Tôn trọng luật lệ, tuân thủ các quy định và luật pháp quốc tế, đảm bảo bình đẳng cho tất cả các quốc gia, không phân biệt nước lớn hay nước nhỏ…. là những thông điệp tại Diễn đàn lần này. Tuy nhiên, những lời nói, tuyên bố sẽ đi kèm với các hành động thực tiễn ra sao còn chờ ở thời gian và phía trước còn nhiều thách thức.