(VOV5) - Diễn đàn năm nay quy tụ khoảng 2000 đại biểu, trong đó có nhiều nguyên thủ hàng đầu thế giới, thảo luận sâu rộng về vấn đề thúc đẩy tăng trưởng,sáng tạo và đổi mới, thúc đẩy thịnh vượng chung của thế giới.
Hội nghị thường niên của Diễn đàn châu Á Bác Ngao 2018 với chủ đề "Một châu Á cởi mở và đổi mới, vì một thế giới thịnh vượng hơn", vừa khai mạc tại thị trấn duyên hải Bác Ngao trên đảo Hải Nam, Trung Quốc và kết thúc vào ngày 11/4. Diễn đàn năm nay quy tụ khoảng 2000 đại biểu, trong đó có nhiều nguyên thủ hàng đầu thế giới, thảo luận sâu rộng về vấn đề thúc đẩy tăng trưởng,sáng tạo và đổi mới, thúc đẩy thịnh vượng chung của thế giới.
Quang cảnh diễn đàn. Ảnh: VOV |
Diễn đàn châu Á Bác Ngao (BFA), còn được biết đến như một Diễn đàn Davos (diễn đàn kinh tế thế giới) của khu vực Châu Á, được thành lập từ năm 2001 với tôn chỉ thúc đẩy hợp tác kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhằm hỗ trợ sự phát triển bền vững của nền kinh tế khu vực. Đây là một trong những diễn đàn đối thoại quan trọng giữa châu Á và các nền kinh tế mới nổi trên thế giới, được tổ chức thường niên,
Diễn ra trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ-Trung leo thang, năm 2018 cũng đánh dấu 40 năm Trung Quốc mở cửa nền kinh tế, diễn đàn năm nay được cho là có ảnh hưởng rất lớn đối với tương lai châu Á.
Động lực và đầu tàu của tăng trưởng kinh tế thế giới
Trong vòng vài thập kỷ qua, Châu Á luôn được xem là động lực và đầu tàu của tăng trưởng kinh tế thế giới. Sự phát triển dựa trên đổi mới và hội nhập của châu lục này đang trở thành chìa khóa dẫn tới thành công của các nền kinh tế châu Á, qua đó khẳng định vai trò “dẫn dắt” đối với kinh tế toàn cầu và nâng cao tầm ảnh hưởng của các nước châu Á. Nhật Bản giữ vị trí nền kinh tế lớn thứ ba thế giới. Trung Quốc đã đạt được mức tăng trưởng GDP trung bình hai con số qua ba thập kỷ để trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Còn Ấn Độ, quốc gia đông dân nhất thế giới, gần đây cũng liên tục đạt tốc độ tăng trưởng GDP ấn tượng 7-8 % một năm. Mười nước thành viên ASEAN cũng có mức tăng trưởng trung bình 5% trong những năm gần đây. Rõ ràng, trong bối cảnh sự phục hồi của các nền kinh tế lớn vẫn còn mong manh, sự duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định của Châu Á đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế toàn cầu.
Các đại biểu phát biểu tại diễn đàn.Ảnh: VOV |
Tuy nhiên, Châu Á cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức, từ an ninh tới môi trường, từ vấn đề cạnh tranh, ảnh hưởng của quá trình toàn cầu hóa đến tác động của xu thế bảo hộ thương mại đang trỗi dậy... buộc các nền kinh tế châu Á phải tìm ra cách thức ứng phó hiệu quả. Đặc biệt, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã mang lại nhiều biến đổi về chất, tạo ra rất nhiều cơ hội song cũng gây ra nhiều khó khăn đòi hỏi giải pháp tháo gỡ.
Ngay trước thềm Diễn đàn, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung nổ ra cũng đặt ra thách thức mới cho các nước trong khu vực. Chính vì vậy, đây là dịp để các nền kinh tế Châu Á đưa ra phản ứng trước xu thế bảo hộ thương mại đang có xu hướng lan rộng, từ đó tái khẳng định ý nghĩa của mở cửa hội nhập. Làm sao để Diễn đàn tiếp tục là lời khẳng định về vai trò của châu Á luôn đi tiên phong trong tăng trưởng kinh tế, xóa đói giảm nghèo, hướng tới sự phát triển bền vững và thịnh vượng.
Tiếp tục khẳng định vai trò tiên phong
Việc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có bài diễn văn tại Diễn đàn, tổng kết thành tựu và kinh nghiệm 40 năm cải cách mở cửa của Trung Quốc, cũng như ý nghĩa quan trọng và tầm ảnh hưởng của tiến trình này với thế giới, đồng thời thảo luận về triển vọng thúc đẩy cải cách mở cửa của Trung Quốc trong thời đại mới, là minh chứng về vai trò của xu thế hội nhập của khu vực. Tiến trình cải cách, mở cửa hội nhập không chỉ quan trọng đối với Trung Quốc mà còn mang lại lợi ích lớn cho thế giới, do Trung Quốc giờ đây đã là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Trong "Báo cáo hàng năm về sức cạnh trạnh của châu Á năm 2018," công bố tại Diễn đàn, dự báo nhu cầu đầu tư của châu Á sẽ vượt 8.000 tỷ USD vào năm 2020. Diễn đàn cũng nhấn mạnh đến việc phối hợp thực hiện chiến lược phát triển thị trường quốc tế chung giữa các nền kinh tế, tận dụng cơ hội và hợp tác với nhau để hình thành thị trường tài chính gắn kết mang tầm cỡ thế giới thông qua chính sách cải cách. Trong bối cảnh đó, Diễn đàn Châu Á Bác Ngao là nơi để các nước xác định được những giá trị chung của châu Á nhằm tăng cường sự đoàn kết trong khu vực cũng như khẳng định sự tồn tại của mình thông qua hội nhập. Có thể thấy, thông điệp phát đi từ Diễn đàn năm nay hướng tới việc tạo môi trường thúc đẩy tự do thương mại và đầu tư, giúp hội nhập kinh tế cởi mở hơn, đẩy mạnh nền kinh tế đổi mới sáng tạo, tạo động lực phát triển đem lại lợi ích cho tất cả các bên, từ đó hướng tới một tương lai châu Á thịnh vượng trong một thế giới thịnh vượng.