(VOV5) - Hội nghị năm nay tập trung vào 5 chủ đề chính, gồm: kinh tế thế giới; đổi mới khoa học và công nghệ; phát triển xã hội; hợp tác quốc tế; cùng nhau vượt qua thách thức.
Với chủ đề “Châu Á và thế giới: Thách thức chung, trách nhiệm chung”, Hội nghị thường niên Diễn đàn châu Á Bắc Ngao (BFA) năm nay tập trung thúc đẩy hợp tác, nâng cao vai trò dẫn dắt của châu Á trong việc ứng phó với các thách thức chung toàn cầu.
Hội nghị thường niên Diễn đàn châu Á Bắc Ngao (BFA) năm nay diễn ra từ 26-29/03 tại đảo Hải Nam (Trung Quốc), với phiên khai mạc chính thức tổ chức vào ngày 28/03. Với hơn 2.000 đại biểu đến từ hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự, đây là diễn đàn đối thoại lớn nhất tại châu Á về các vấn đề quản trị khu vực và toàn cầu.
Thúc đẩy vai trò của châu Á
Hội nghị năm nay tập trung vào 5 chủ đề chính, gồm: kinh tế thế giới; đổi mới khoa học và công nghệ; phát triển xã hội; hợp tác quốc tế; cùng nhau vượt qua thách thức. Trong 4 ngày diễn ra Hội nghị, hơn 40 phiên thảo luận về các chủ đề lớn của kinh tế thế giới, biến đổi khí hậu, chuyển đối năng lượng, công nghệ, sự trỗi dậy của thế giới phương Nam… được tổ chức. Song song với cuộc họp thường niên, BFA cũng tổ chức một loạt diễn đàn chuyên đề, như: Diễn đàn Y tế toàn cầu; Diễn đàn Đổi mới và khoa học công nghệ quốc tế; Diễn đàn an ninh và phát triển kinh tế toàn cầu; Diễn đàn chấn hưng nông thôn.
Hội nghị thường niên Diễn đàn châu Á Bắc Ngao (BFA) năm nay diễn ra từ 26-29/03 tại đảo Hải Nam (Trung Quốc), với phiên khai mạc chính thức tổ chức vào ngày 28/03. Ảnh: Ảnh: AFP |
Đáng chú ý, BFA năm nay dành sự quan tâm lớn đối với tiến trình hội nhập kinh tế khu vực và tăng trưởng kinh tế ở châu Á, thể hiện qua việc nhiều diễn đàn phụ, như: Đi sâu hợp tác tài chính châu Á; Xây dựng trung tâm tăng trưởng châu Á; Đầu tư vào tương lai châu Á. Theo đánh giá của BFA năm nay, châu Á vẫn là khu vực đóng góp nhiều nhất vào tăng trưởng kinh tế toàn cầu, đồng thời dự báo tăng trưởng GDP bình quân 4,5% năm nay.
Do đó, gia tăng vai trò của châu Á là 1 trong những trọng tâm của BFA năm nay. Đây cũng là thông điệp được Ủy viên trưởng Nhân đại toàn quốc (Chủ tịch Quốc hội) Trung Quốc, Triệu Lạc Tế (Zhao Leji), đưa ra trong bài phát biểu khai mạc BFA, khi kêu gọi hợp tác và nâng cao vai trò dẫn dắt của châu Á trong nền kinh tế toàn cầu: “Đối mặt với những thách thức lớn từ sự suy giảm kéo dài của kinh tế toàn cầu, chúng ta cần chung sức thực hiện các ý tưởng phát triển toàn cầu, làm sâu sắc hơn các hợp tác trong nhiều lĩnh vực, nắm bắt cơ hội của cuộc cách mạng kỹ thuật và chuyển đổi công nghiệp mới, nuôi dưỡng và củng cố các động lực tăng trưởng mới, thúc đẩy mô hình phát triển bền vững, xanh và ít carbon. Chúng ta sẽ sử dụng động lượng mạnh mẽ của châu Á để dẫn dắt sự phục hồi của kinh tế thế giới”.
Bên cạnh các kêu gọi về việc đẩy mạnh vai trò dẫn dắt của các nền kinh tế châu Á, nhiều tham luận tại Hội nghị cũng phát đi nhiều thông điệp cảnh báo về nguy cơ gia tăng căng thẳng địa chính trị toàn cầu, dẫn đến phân mảnh kinh tế, đối đầu an ninh. Do đó, BFA năm nay cổ vũ cho việc châu Á gánh vác trách nhiệm chung, thúc đẩy đối thoại, chung tay giải quyết các thách thức toàn cầu để tạo lập hòa bình và thịnh vượng.
Theo cựu Thủ tướng Pháp, Jean-Pierre Raffarin, trong bối cảnh quan hệ quốc tế trên thế giới bị chia rẽ lớn như hiện nay, vai trò của những diễn đàn như BFA là rất quan trọng: “Diễn đàn châu Á Bắc Ngao có vai trò đặc biệt trong quản trị toàn cầu. Là diễn đàn của châu Á, BFA mời các quốc gia khác trên thế giới đến để cùng suy nghĩ, cùng triển khai các dự án chung để đối mặt với các thách thức chung. Chúng ta đang trong một bối cảnh hết sức nghiêm trọng, vì thế cần phải có những mối lo chung”.
Độ mở của Trung Quốc
Là nước chủ nhà của BFA và là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, các thông tin liên quan đến tăng trưởng kinh tế và các chính sách kinh tế vĩ mô của Trung Quốc cũng nhận được sự quan tâm lớn tại BFA năm nay. Trong báo cáo được công bố tại BFA, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đưa ra nhận định tương đối thận trọng về triển vọng kinh tế Trung Quốc năm nay, khi cho rằng các thách thức về sự mất cân bằng trong nền kinh tế Trung Quốc có thể tác động tiêu cực đến tăng trưởng năng suất của nước này.
Các đại biểu tham dự Diễn đàn châu Á Bắc Ngao tại đảo Hải Nam (Trung Quốc). Ảnh: Diễn đàn châu Á - Bác Ngao |
Tuy nhiên, một số chuyên gia tham dự BFA năm nay cho rằng các chỉ số lạc quan của kinh tế Trung Quốc trong những tháng đầu năm nay cho thấy nước này vẫn có thể đạt được các mục tiêu đã đề ra, trong đó có việc tăng trưởng GDP 5% trong năm nay, và từ đó tác động tích cực đến sự phục hồi của kinh tế thế giới. Carlos Gutierrez, cựu Bộ trưởng Thương mại Mỹ (2005-2009), nhận xét: “Một số nhà phân tích và giới truyền thông cho rằng mục tiêu này là tham vọng, nhưng 2 tháng đầu năm nay đã cho thấy Trung Quốc có thể đạt được. Tôi nghĩ mục tiêu tăng trưởng GDP 5% là hợp lý”.
Tại BFA, nhiều quan chức Trung Quốc cho biết nước này vẫn tiếp tục theo đuổi chính sách mở cửa kinh tế, tuân thủ các quy định kinh tế và thương mại quốc tế tiêu chuẩn cao, đồng thời cam kết cải thiện môi trường đầu tư, dần dẫn gỡ bỏ các hạn chế tiếp cận thị trường đối với các công ty nước ngoài vào lĩnh vực sản xuất. Trong một số lĩnh vực mới, đặc biệt là quản trị trí tuệ nhân tạo (AI), Trung Quốc cho biết cũng sẽ tích cực tham gia vào các cơ chế quản trị toàn cầu.