(VOV5) - Đây là cơ hội để thúc đẩy một quá trình hợp tác quốc tế tốt hơn trong việc giải quyết các thách thức toàn cầu cũng như vì một hệ thống đa phương hiệu quả hơn.
Trong bối cảnh thế giới kỷ niệm 100 năm ngày ký hòa ước chấm dứt Chiến tranh thế giới thứ nhất (11/11/1918 - 11/11/2018), cuối tuần này, tại Cộng hòa Pháp, khoảng 70 nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ sẽ cùng tham dự Diễn đàn Paris về hòa bình. Đây là cơ hội để thúc đẩy một quá trình hợp tác quốc tế tốt hơn trong việc giải quyết các thách thức toàn cầu cũng như vì một hệ thống đa phương hiệu quả hơn. Tuy nhiên, kết quả của Diễn đàn sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng khi Tổng thống Mỹ Donald Trump không tham dự sự kiện này.
Diễn đàn Paris về Hòa bình diễn ra từ 11 đến 13/11. Đây là sự kiện nằm trong khuôn khổ hoạt động kỷ niệm 100 năm Ngày ký hòa ước chấm dứt Chiến tranh thế giới thứ nhất. Lấy cảm hứng từ mô hình COP21, Diễn đàn Paris về Hòa bình sẽ là một nơi chia sẻ kinh nghiệm và các giải pháp mới, quy tụ tất cả các chủ thể quản trị với mục tiêu đề ra là thúc đẩy hòa bình thông qua việc quản trị thế giới tốt hơn và khuyến khích mọi sáng kiến góp phần giảm bớt căng thẳng quốc tế.
Thúc đẩy cơ chế hợp tác đa phương
Diễn đàn Paris về Hòa bình là một phần của cuộc vận động do Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khởi xướng để tái khẳng định tầm quan trọng của chủ nghĩa đa phương và hành động tập thể nhằm đối mặt với các thách thức hiện nay như cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc, xung đột sắc tộc, khủng bố, tội phạm mạng, các điểm nóng khu vực, biến đổi khí hậu…. Tổng thống Macron cũng muốn tận dụng sự chú ý của cộng đồng quốc tế đối với tuần lễ kỷ niệm ngày Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất kết thúc để kêu gọi chống chủ nghĩa dân tộc, tiếp nối lời cảnh báo gần đây của ông rằng thế giới đang có nguy cơ lãng quên những bài học của các cuộc xung đột lớn trong thế kỷ XX.
5 chủ đề được bàn thảo tại Diễn đàn Paris về hòa bình (hòa bình và an ninh, môi trường, phát triển, kỹ thuật số và công nghệ mới, kinh tế toàn diện) đều là những vấn đề cấp bách của thế giới hiện nay. Trên cơ sở 5 chủ đề này, khoảng 150 dự án sẽ được trình bày, góp phần thực chất để có được một quá trình hợp tác quốc tế tốt hơn đối với một quá trình toàn cầu hóa công bằng hơn và bình đẳng hơn cũng như một hệ thống đa phương hiệu quả hơn.
Việc hàng chục nguyên thủ quốc gia, người đứng đầu chính phủ cùng hàng trăm tổ chức quốc tế và tổ chức xã hội dân sự tham gia diễn đàn cho thấy sự quan tâm của thế giới tới việc hợp tác đa phương để cùng giải quyết những thách thức toàn cầu.
Thiếu nhân tố Mỹ
Mặc dù vẫn sẽ có mặt tại Paris cùng khoảng 70 lãnh đạo thế giới để tham dự lễ kỷ niệm 100 năm ngày kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ nhất song ông Trump từ chối tham dự Diễn đàn hòa bình. Quyết định của người đứng đầu Nhà Trắng không gây bất ngờ cho dư luận vì ông Trump nhận thấy mục tiêu của Diễn đàn không phù hợp với phương châm “nước Mỹ trước tiên” của mình.
Ảnh: vietnamhoinhap.vn
|
Động thái này của Tổng thống Hoa Kỳ tiếp nỗi chuỗi hành động rút lui khỏi rất nhiều thỏa thuận quốc tế mà Mỹ từng tham gia, trong đó có thể kể đến thỏa thuận khí hậu Paris, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương, thỏa thuận hạt nhân Iran, rút khỏi UNESCO, Ủy ban nhân quyền LHQ…Còn nhớ, trong suốt 35 phút phát biểu tại phiên họp của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ngày 25/9 vừa qua, ngoài vấn đề Iran, Tổng thống Mỹ cũng bác bỏ xu thế toàn cầu hoá và khẳng định sẽ bảo vệ những lợi ích của nước Mỹ.
Tất cả những động thái trên của Hoa Kỳ đều vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ của quốc tế. Dư luận nhiều lần chỉ trích chính sách "Nước Mỹ trước tiên" của Tổng thống Trump, nhấn mạnh rằng chủ nghĩa bảo hộ sẽ chỉ dẫn đến những căng thẳng gia tăng và nếu các quốc gia ngưng cam kết bảo vệ những nguyên tắc cơ bản, các cuộc chiến tranh toàn cầu sẽ quay lại.
Thế giới đang đứng trước nhiều thách thức mà không một quốc gia đơn lẻ nào có thể tự mình giải quyết. Việc tổ chức Diễn đàn Paris về Hòa bình được nhìn nhận như một nỗ lực đáng khen ngợi để các quốc gia cùng chung tay giải quyết. Tuy nhiên mọi việc sẽ khó khăn hơn khi một lần nữa người đứng đầu nước Mỹ từ chối tham gia một diễn đàn đa phương.