(VOV5) - Yêu cầu thay đổi các phương thức sản xuất nông nghiệp truyền thống theo hướng xanh và bền vững ngày càng cấp bách hơn.
Diễn ra từ 17-20/01 tại thủ đô Berlin của Đức, Diễn đàn toàn cầu về lương thực và nông nghiệp (GFFA) năm nay tập trung thảo luận các giải pháp xây dựng một hệ thống lương thực toàn cầu cho tương lai, trong đó trước mắt ưu tiên tập hợp các nguồn lực để chấm dứt hoàn toàn nạn đói trên thế giới.
Ảnh minh họa - Nguồn: AFP/TTXVN |
Được tổ chức bởi Bộ Lương thực và nông nghiệp Liên bang Đức, Diễn đàn toàn cầu về lương thực và nông nghiệp (GFFA), diễn ra thường niên, là một sáng kiến nhằm tạo không gian thảo luận những vấn đề chính về chính sách lương thực và nông nghiệp trên thế giới. Chủ đề của Diễn đàn lần thứ 16 năm nay là “Các hệ thống lương thực cho tương lai: Chung sức vì một thế giới không có nạn đói”.
Đẩy nhanh tốc độ hiện thực hóa các SDGs
Trong thông điệp phát đi trước thềm Diễn đàn năm nay, các nhà tổ chức cho biết thế giới chỉ còn 7 năm để hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Liên hiệp quốc, trong đó 1 trong những mục tiêu quan trọng nhất (SDG 2) là xóa bỏ nạn đói vào năm 2030, nhưng với tình trạng hiện nay, khả năng đạt được các mục tiêu này đang bị đe dọa. Theo các số liệu của Tổ chức Nông lương Liên hiệp quốc (FAO) và Chương trình lương thực thế giới (WFP), hiện cứ 10 người trên thế giới thì có 1 người đang phải chịu nạn đói. Trên 2 tỷ người không thể có được một chế độ ăn lành mạnh. Bên cạnh đó, các thách thức đối với nỗ lực loại bỏ nạn đói trên thế giới đang ngày càng trở nên phức tạp hơn, từ khủng hoảng khí hậu, suy giảm đa dạng sinh học, đại dịch cho đến gần đây là các cuộc chiến tranh, xung đột.
Bà Reena Ghelani, Điều phối viên Liên hiệp quốc (LHQ) về ngăn ngừa và ứng phó nạn đói, nhận định: “Các cuộc xung đột vũ trang phá hủy hệ thống lương thực, hủy hoại sinh kế và đẩy người dân ra khỏi nhà của họ, khiến rất nhiều người rơi vào tình trạng tổn thương cùng cực và đói. Đôi khi các tác động này là sản phẩm phụ của chiến tranh, nhưng cũng rất thường xuyên nó được gây ra một cách cố ý và trái luật, với việc sử dụng nạn đói như một chiến thuật chiến tranh”.
Trong bối cảnh đó, GFFA tại Berlin năm nay đặt mục tiêu thúc đẩy các đối thoại mang tính xây dựng, hướng về tương lai, đánh động nhận thức của giới làm chính sách tại các quốc gia về mức độ khẩn cấp của việc cần đẩy nhanh tốc độ thực hiện các SDGs. Diễn đàn năm nay tập trung thảo luận 4 chủ đề chính, gồm: Thúc đẩy sản xuất bền vững và chủ quyền lương thực; Hỗ trợ chuỗi cung ứng linh hoạt và bền vững; Giảm thiểu mất mát và lãng phí lương thực; Củng cố các nhóm yếu thế. Khoảng 2.000 nhà hoạch định chính sách, nhà khoa học, lãnh đạo doanh nghiệp và thành viên xã hội dân sự tham gia các phiên thảo luận và kết nối.
Nông nhân lái máy kéo chặn một tuyến đường cao tốc gần TP. Rijssen, Hà Lan để phản đối chính sách cắt giảm khí nitơ bằng cách đóng cửa 3.000 nông trại - Ảnh: Getty |
Nhiều sự kiện tại Diễn đàn được tổ chức mở, trong đó có 3 diễn đàn đối thoại cấp cao và 16 hội thảo chuyên gia. Điểm nhấn chính trị của GFFA là Hội nghị không chính thức lớn nhất thế giới của các Bộ trưởng Nông nghiệp, diễn ra vào ngày cuối cùng của Diễn đàn (20/01). Khoảng 70 Bộ trưởng Nông nghiệp từ khắp nơi trên thế giới sẽ thông qua 1 Thông cáo chính trị chung. Đại diện cấp cao của hơn 10 tổ chức quốc tế, như: Tổ chức Nông- Lương Liên hợp quốc (FAO), Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và Ngân hàng Thế giới (WB) tham gia Hội nghị này.
Nông nghiệp và biến đổi khí hậu
Đối với nước chủ nhà Đức, GFFA năm nay được tổ chức vào đúng thời điểm vấn đề nông nghiệp đang trở thành một trong những quan ngại lớn của chính phủ nước này, với việc hàng chục ngàn nông dân Đức biểu tình, phong tỏa giao thông trong nhiều tuần qua tại thủ đô Berlin và nhiều nơi khác. Các cuộc biểu tình ban đầu tập trung vào đòi hỏi tiếp tục trợ giá nhiên liệu, sau đó lan sang các chủ đề khác, trong đó có sự bất mãn với một số chính sách về biến đổi khí hậu. Theo giới quan sát, ngày càng nhiều nông dân các nước châu Âu phản đối các chính sách môi trường mà các nước châu Âu tiến hành với lí do là các chính sách này quá tốn kém, tác động tiêu cực đến lĩnh vực nông nghiệp.
Trước nông dân Đức, nông dân Hà Lan, Pháp, Tây Ban Nha, Ireland… đều đã có những cuộc biểu tình, phong tỏa quy mô lớn trong vài năm qua nhằm phản đối các chính sách, như: yêu cầu cắt giảm khí thải nitrogen (Hà Lan); hạn chế việc lấy nước tưới tiêu từ các con sông (Tây Ban Nha); cấm sử dụng một số loại thuốc trừ sâu trong nông nghiệp (Pháp). Theo FAO, các thách thức đặt ra trong việc dung hòa giữa phát triển nông nghiệp và chống biến đổi khí hậu ngày càng lớn. Tuy nhiên, điều quan trọng trước tiên là cần thay đổi nhận thức. Kaveh Zahedi, Giám đốc Văn phòng biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học và môi trường của FAO, nhận xét: “Các trang trại không chỉ là nơi sản xuất thực phẩm mà có thể trở thành nơi tạo ra năng lượng tái tạo. Năng lượng đó sẽ được sử dụng tại trang trại, cho các nhà kính, cho việc bơm nước, tưới tiêu, hoặc tải lên lưới điện. Ngoài ra, có thể biến chất thải nông nghiệp thành nhiên liệu sinh học. Tất cả đều là các giải pháp nông nghiệp thông minh và là điều mà FAO đang triển khai thực hiện với các quốc gia”.
Theo các số liệu của FAO, các hệ thống nông lương chiếm khoảng 1/3 lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trên thế giới mỗi năm, vì thế, yêu cầu thay đổi các phương thức sản xuất nông nghiệp truyền thống theo hướng xanh và bền vững ngày càng cấp bách hơn. Việc thay đổi này cũng để ứng phó với thực tế là đến năm 2050 sẽ có ít nhất 10% diện tích đất canh tác nông nghiệp hiện nay trên thế giới không thể sử dụng do biến đổi khí hậu. Do đó, tại GFFA năm nay, FAO thúc đẩy chương trình đối tác giữa FAO với Cơ chế môi trường toàn cầu (GEF) nhằm trợ giúp các nước phát triển hệ thống nông lương thích ứng với môi trường. Hiện FAO đang triển khai chương trình này với hơn 120 quốc gia, với nguồn tài chính trên 1,5 tỷ USD, giúp cắt giảm 500 triệu tấn khí thải và quản lý bền vững 100 triệu hectar đất nông nghiệp.