(VOV5) - Thế giới có quyền hy vọng và tin tưởng vào sự hợp tác, đoàn kết quốc tế đối phó khủng hoảng, xuất phát từ những sáng kiến, đề xuất và hành động đầy trách nhiệm của nhiều quốc gia.
Theo giới phân tích, diễn biến khó lường của dịch Covid-19 cùng với thực trạng quan hệ quốc tế phức tạp, khiến cho các biện pháp đối phó đơn lẻ của các quốc gia chỉ phát huy được hiệu quả hạn chế. Hơn lúc nào hết, giờ đây thế giới cần phải đoàn kết và hợp tác thực chất để vượt qua khó khăn.
Theo cảnh báo của Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cùng nhiều định chế tài chính quốc tế khác, thế giới đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính nghiêm trọng, thậm chí còn tồi tệ hơn cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009. Đồng thời, nguy cơ về một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu cũng liên tục được cảnh báo. Mới nhất, ngày 20/4 vừa qua, Quỹ phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD) của Liên hợp quốc đã phải ra kêu gọi cộng đồng quốc tế hành động để tránh một cuộc khủng hoảng lương thực xảy ra do tác động của Covid-19.
Trong khi đó, điều đáng lo ngại hơn cả là đại dịch vẫn đang diễn biến cực kỳ phức tạp, chưa thể dự đoán hồi kết, cũng có nghĩa là loài người chưa thể mường tượng hết được những hệ lụy mà cuộc khủng hoảng gây ra. Bởi vậy, thế giới không còn lựa chọn nào khác là phải bắt tay hợp tác, đoàn kết vượt qua khó khăn.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch ASEAN 2020 chủ trì Hội nghị Cấp cao đặc biệt trực tuyến ASEAN với các đối tác Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc (ASEAN+3) về ứng phó với dịch bệnh COVID-19. - Ảnh: Thống Nhất – TTXVN |
Hành động đơn lẻ không phải là giải pháp
Không phải đến bây giờ khi đại dịch lan rộng cả thế giới, mà ngay trong giai đoạn đầu của cuộc khủng hoảng, đã có rất nhiều lời cảnh báo của các chuyên gia và nhà nghiên cứu quốc tế rằng: các hành động đơn lẻ của các quốc gia chỉ có tác dụng làm chậm sự lây lan của dịch bệnh, chứ không thể ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh. Trong tuyên bố nhân sự kiện Liên hợp quốc công bố kế hoạch ứng phó nhân đạo toàn cầu ngày 25/3, Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres đã nhấn mạnh rằng “Covid-19 đang đe dọa toàn nhân loại, vì thế toàn nhân loại cần hợp sức để ngăn chặn dịch bệnh. Nỗ lực ứng phó đơn lẻ của một quốc gia là không đủ. Nỗ lực toàn cầu là cách duy nhất để ngăn chặn Covid-19”.
Thực tế những gì đang diễn ra thời gian qua đang chứng minh cho tính đúng đắn của những cảnh báo trên. Đại dịch ngày một lan rộng và cướp đi sinh mạng của hàng ngàn người mỗi ngày, trong khi thế giới vẫn cho thấy sự chia sẽ và bất đồng về nhiều vấn đề liên quan đến đại dịch như nguồn gốc xuất hiện virus, sự minh bạch thông tin, cũng như sự cạnh tranh gay gắt nguồn lực đối phó… Đối phó khủng hoảng toàn cầu vẫn chủ yếu được tiến hành theo cách “mạnh ai người ấy làm”, chưa có sự phối hợp và hợp tác quốc tế tích cực và hiệu quả. Minh chứng rõ ràng nhất về sự thiếu hợp tác và đoàn kết toàn cầu là việc đại dịch dù đã bùng phát được gần nửa năm, song cho đến nay vẫn chưa có một hội thảo, hội nghị khoa học chuyên môn tầm cỡ quy mô toàn cầu nào được tổ chức để tìm kiến biện pháp đối phó đại dịch.
Bài học lịch sử về hợp tác đối phó dịch hạch Mãn Châu hơn một thế kỷ trước
Trong bối cảnh này, giới khoa học và nghiên cứu đang nhắc nhiều đến bài học lịch sử của hơn 100 năm trước khi thế giới cùng chung tay đối phó với bệnh dịch hạch Mãn Châu lan rộng khắp Trung Quốc và đe dọa trở thành đại dịch toàn cầu. Theo đó, từ mùa thu năm 1910 cho tới khi dịch bệnh được kiểm soát vào đầu năm 1911, ước tính 63.000 người đã chết vì căn bệnh quái ác này. Thế nhưng, điều đáng nói về biến cố lịch sử đó là việc ngay đầu năm 1911, Trung Quốc đã tìm cách tổ chức được một hội nghị quốc tế để tìm giải pháp đối phó như làm rõ hiểu nguyên nhân dịch bệnh bùng phát nhanh và trên quy mô rộng, xây dựng các biện pháp kiểm soát dịch tốt nhất. Dù còn vướng nhiều vấn đề mâu thuẫn chính trị, một loạt nước lớn như Mỹ, Nhật Bản, Nga, Anh, Pháp, cùng các nước như Italy, Mexico, Hà Lan, Đức, Áo-Hung đã gửi chuyên gia của các viện uy tín tới tham dự hội nghị tại Thẩm Dương. Theo nhiều đánh giá, hội nghị đã góp phần quan trọng trong việc ngăn chặn dịch hạch Mãn Châu lan rộng thành đại dịch toàn cầu, trở thành một bài học lớn cho nhân loại về hợp tác và đoàn kết ngăn chặn, đối phó khủng hoảng.
Liên hệ với thực tế đang diễn ra, nhiều chuyên gia và nhà khoa học tin tưởng rằng việc tổ chức một hội nghị quốc tế phi chính trị như ở Thẩm Dương năm 1911, nơi mà các chuyên gia y tế hàng đầu thế giới đều mong muốn tham dự, có thể giúp thế giới sớm ngăn chặn thành công đại dịch Covid-19. Đáng tiếc là so với năm 1911, thế giới ngày nay đang đối mặt với sự chia rẽ và phân cực nghiêm trọng hơn rất nhiều. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hứng chỉ trích, tình trạng phân biệt chủng tộc bị khắc sâu thêm, các nước lớn đáp trả qua lại và cạnh tranh nguồn lực, kiểm soát tình thế, trong khi các nước nghèo vật lộn tìm cách tự bảo vệ mình. Một loạt các cường quốc có vai trò lớn như Mỹ, Trung Quốc, các nước Liên minh châu Âu và Nhật Bản vẫn chưa thể hiện sự quan tâm phối hợp đối phó với khủng hoảng. Có nghĩa là, triển vọng về một hội nghị quốc tế quy tụ các chuyên gia y tế hàng đầu thế giới, vẫn còn khá xa vời.
Vậy nhưng, thế giới vẫn có quyền hy vọng và tin tưởng vào sự hợp tác, đoàn kết quốc tế đối phó khủng hoảng, xuất phát từ những sáng kiến, đề xuất và hành động đầy trách nhiệm của nhiều quốc gia. Đơn cử như việc mới đây Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã tổ chức Hội nghị đặc biệt ASEAN và Hội nghị đặc biệt ASEAN+3 (với các đối tác Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản) bằng hình thức trực tuyến, để bàn giải pháp đối phó đại dịch Covid-19. Hiệu ứng lan tỏa của các sự kiện do Việt Nam chủ trì này đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận, có thể trở thành nguồn cảm hứng tích cực để thế giới thúc đẩy hợp tác, đoàn kết cùng nhau vượt qua khủng hoảng.