(VOV5) - Lĩnh vực ghi nhận nhiều thành quả tích cực nhất trong đầu tư ra nước ngoài là công nghệ thông tin.
Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, lũy kế đến ngày 20/01 năm nay, Việt Nam có hơn 1.700 dự án đầu tư ra nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư hơn 22,1 tỷ USD. Việc các doanh nghiệp Việt Nam chinh phục thị trường nước ngoài là sứ mệnh giúp Việt Nam trở thành quốc gia phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045.
Nghe âm thanh bài tại đây:
Unitel - công ty con của Viettel Global tại Lào ghi nhận mức tăng trưởng 32% trong quý II/2023. Ảnh: laodongcongdoan.vn |
Các doanh nghiệp Việt Nam hiện đang đầu tư tại 79 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, tập trung vào 16 ngành, lĩnh vực…
Những thành công không thể phủ nhận
Lĩnh vực ghi nhận nhiều thành quả tích cực nhất trong đầu tư ra nước ngoài là công nghệ thông tin. Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, có khoảng 1.500 doanh nghiệp công nghệ số có doanh thu từ thị trường nước ngoài, tăng gần 4% so với năm 2022. Trong số đó, có những doanh nghiệp có doanh thu tỷ USD. Viettel Global thuộc Tập đoàn Viettel, là 1 ví dụ. Doanh thu từ thị trường nước ngoài của Viettel cán mốc 3,6 tỷ USD trong năm ngoái, hoàn thành 105% kế hoạch năm, cao nhất từ trước tới nay. Hiện, Viettel Global đang vận hành 10 nhà mạng tại 10 quốc gia, tổng quy mô thị trường 270 triệu dân với gần 100 triệu khách hàng. Viettel Global giữ vị trí số 1 về thị phần tại 6 thị trường. Thành công của hoạt động đầu tư nước ngoài đã góp phần đưa Viettel trở thành thương hiệu viễn thông duy nhất của Đông Nam Á có mặt trên bảng xếp hạng Global 500 của Brand Finance. Ông Hà Thế Dương, Phó Tổng giám đốc Viettel Global, cho biết: Trong 10 thị trường thì Viettel dẫn đầu ở 6 thị trường, trong đó có 4 nước ở châu Á, 01 nước ở châu Phi, 01 nước châu Mỹ. Tăng trưởng bình quân 1 năm là hơn 20%, trong khi toàn ngành của thế giới từ 3 - 4 %, nghĩa là tăng gấp 5 lần của ngành.
Ngoài kinh doanh viễn thông, Viettel Global cũng tập trung phát triển ví điện tử, chủ yếu là ở châu Phi và châu Mỹ.
Ở lĩnh vực công nghiệp chế biến, với giá trị thương hiệu đạt 3 tỷ USD, Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) được định giá lớn thứ 6 ngành sữa toàn cầu. Song song với việc phát triển thị trường nội địa, Vinamilk tích cực khai thác các cơ hội để mở rộng kinh doanh tại các thị trường quốc tế, thông qua hoạt động đầu tư vào các chi nhánh nước ngoài và xuất khẩu. Sản phẩm của doanh nghiệp đã có mặt ở gần 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, bao gồm cả những thị trường nổi tiếng về độ khắt khe trong tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc…Giai đoạn 2022 - 2026, Vinamilk tiếp tục đẩy mạnh đầu tư vào các chi nhánh nước ngoài như Driftwood (Mỹ), Lao-Jagro Development (Lào), Angkormilk (Campuchia) và Công ty liên doanh Del Monte - Vinamilk (Philippines).
Vinamilk cùng ký kết đối tác với 6 tập đoàn dinh dưỡng hàng đầu thế giới. Ảnh: sggp.org.vn |
Gần đây nhất là quyết định hợp tác với 6 tập đoàn hàng đầu thế giới trong lĩnh vực dinh dưỡng (tháng 4 năm ngoái). Đây là lần đầu tiên, một doanh nghiệp sữa Việt Nam ký kết hợp tác cùng lúc với nhiều tập đoàn dinh dưỡng toàn cầu. Bà Mai Kiều Liên, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk), cho biết: Muốn có chất lượng quốc tế thì chúng ta không chỉ có máy móc, thiết bị, rồi con người . Và lần này với 6 tập đoàn lớn của thế giới thì giúp cho vinamilk cùng với các tập đoàn đó tạo ra các sản phẩm có chất lượng quốc tế cao hơn với giá cả hợp lý hơn.
Tiếp tục hành trình “vươn ra biển lớn”
Bên cạnh những doanh nghiệp thành công trong hành trình “vươn ra biển lớn”, như: Viettel, TH, FPT hay Vinamilk… vẫn còn nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong cạnh tranh với các đối thủ quốc tế.
Thực tế đó đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam cần chuẩn bị kỹ lưỡng về cơ sở pháp lý. Đồng thời, có nguồn thông tin tốt, tăng cường liên kết, chia sẻ thông tin với nhau khi hoạt động đầu tư, kinh doanh trên cùng một địa bàn. Các bên liên quan cần đẩy nhanh tiến độ thẩm định cấp phép cho các dự án đầu tư ra nước ngoài, giảm thủ tục hành chính, điều chỉnh lại thủ tục xin phép đầu tư, nhất là nâng cao vai trò của các đại sứ và tham tán thương mại tại nước ngoài, xác định đây là cầu nối giữa doanh nghiệp Việt Nam với nước sở tại. Bên cạnh đó, Chính phủ cần xây dựng, bổ sung những chính sách hấp dẫn hơn để thúc đẩy các doanh nghiệp tăng cường đầu tư ra nước ngoài, cũng như tăng cường giám sát chất lượng dòng vốn….
Những năm qua, việc các doanh nghiệp Việt tăng cường đầu tư ra nước ngoài đã khẳng định khả năng kinh doanh, quản trị, tầm nhìn và chiến lược của các doanh nghiệp Việt. Đồng thời đóng góp tích cực vào thành tựu tăng trưởng, phát triển và hội nhập kinh tế thế giới, thúc đẩy chuyển đổi cơ bản nền kinh tế.