(VOV5) - Cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp đóng vai trò quan trọng tạo ra động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững trong giai đoạn hội nhập mới.
Các quốc gia đang phát triển ở ASEAN, trong đó có Việt Nam đang có cơ hội phát triển nhanh, bền vững nếu tạo dựng được môi trường thuận lợi cho đổi mới sáng tạo. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (hay còn gọi là cách mạng 4.0) đang đem đến cả cơ hội và thách thức. Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp Việt Nam đang chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu và khu vực.
Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn phát biểu khai mạc Hội thảo - Ảnh: Trung Hiếu |
Tại Hội thảo “ASEAN 4.0: Phát huy tinh thần doanh nghiệp và cách mạng công nghiệp 4.0” diễn ra ngày 21/8, tại Hà Nội, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng cuộc cách mạng 4.0 với nhiều công nghệ đột phá mang tính sáng tạo đang loại bỏ dần ưu thế của kinh nghiệm, phương thức quản trị cũ và mô hình kinh doanh cũ.
Với thị trường hơn 630 triệu người dân, trong đó 260 triệu người thường xuyên truy cập Internet, ASEAN có nền tảng thuận lợi và thị trường đủ lớn cho đổi mới, đầu tư phát triển nhanh các mô hình kinh doanh mới. Bên cạnh đó, thế giới số, siêu kết nối thông minh tạo ra cơ hội cho mọi người dân đều có thể khởi nghiệp, đồng thời mang lại cơ hội lớn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia sâu hơn chuỗi cung ứng toàn cầu và khu vực…
Cơ hội song hành cùng thách thức
Bên cạnh cơ hội phát triển, CMCN 4.0 đặt ra nhiều thách thức cho các nước ASEAN và Việt Nam. Một trong những thách thức lớn là chuyển dịch, thay thế lao động, nhất là trong các ngành sử dụng nhiều lao động do tác động của tự động hóa sâu rộng, tái cơ cấu ngành nghề và thay đổi mô hình sản xuất, kinh doanh. Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn chỉ rõ: “Cách mạng 4.0 chỉ là 3 trong số những xu thế lớn hứa hẹn tác động sâu sắc đến kinh tế Việt Nam. Chỉ riêng cách mạng 4.0 đã chứa đựng nhiều hệ quả lớn lao mà chúng ta đang chứng kiến hàng ngày: sự phát triển của kinh tế chia sẻ, của thương mại điện tử, của khởi nghiệp sáng tạo, của các sản phẩm thông minh. Sự phát triển của tự động hóa đi cùng trí tuệ nhân tạo khiến ta mất lợi thế cạnh tranh trong những ngành nhân công giá trẻ”.
Cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp đóng vai trò quan trọng tạo ra động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững trong giai đoạn hội nhập mới. Nhưng để làm tốt vai trò đó, bản thân các doanh nghiệp phải tích cực, chủ động đổi mới. Bởi tốc độ phát triển công nghệ kỹ thuật hay công nghệ thông tin đưa vào quản lý sản xuất, kinh doanh đều đang rất nhanh, nếu không chuyển biến doanh nghiệp sẽ không thể phát triển.
Đổi mới, ứng dụng công nghệ hiện đại chính là chìa khóa quan trọng quyết định thành bại của doanh nghiệp TH True Milk trong bối cảnh hiện đại - Ảnh: baoquocte |
Đẩy mạnh đổi mới, ứng dụng công nghệ
Từ thành công của TH True Milk, ông Ông Ngô Minh Hải, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn TH True Milk chia sẻ đổi mới, ứng dụng công nghệ hiện đại chính là chìa khóa quan trọng quyết định thành bại của doanh nghiệp trong bối cảnh hiện đại: “Ứng dụng công nghệ cao là chìa khóa vàng để phát triển Tập đoàn TH True Milk. Từ những ngày đầu TH tìm hiểu những ứng dụng công nghệ tốt và phù hợp nhất với Việt Nam, tìm kiếm những đối tác tin cậy, đưa công nghệ vào ứng dụng trong chăn nuôi. Hiện nay, đầu tư ra nước ngoài của Tập đoàn khoảng 2,7 tỷ USD và trong thời gian tới, Tập đoàn sẽ tiếp tục phát triển và đưa thương hiệu ra các thị trường như Campuchia, Philippines, Trung Quốc, Myanmar…”.
Chuyển hướng đầu tư, luôn hướng đến những giải pháp cho nông nghiệp, ứng dụng công nghệ sinh học…là những mục tiêu mà doanh nghiệp Việt quan tâm trong thời đại 4.0. Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch kiêm TGĐ Tập đoàn Lộc Trời cho rằng: “Phải tìm hiểu những cơ hội để chúng ta cạnh tranh. Nếu chúng ta sàng lọc, đón nhận thì sẽ có những cơ hội thực sự. Ví dụ như trong lĩnh vực hóa chất nông nghiệp ở công ty chúng tôi, đó là thách thức rất lớn khi nhiều sản phẩm tới, nhưng nếu mình biết cách lựa chọn và sử dụng đúng thì có thể tìm được những sản phẩm tốt rẻ”.
Việt Nam có lợi thế về địa kinh tế, nằm ở khu vực ASEAN phát triển năng động, là điểm kết nối của Đông Bắc Á với Đông Nam Á, nguồn lực lao động có thể hưởng lợi nhiều từ sự dịch chuyển trung tâm trọng lực kinh tế toàn cầu từ Tây sang Đông, từ Bắc xuống Nam. Trong bối cảnh đó, cách mạng 4.0 có thể tác động sâu sắc đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Kết hợp nhiều công nghệ mới, tạo ra những sản phẩm mang tính độc đáo có sức hấp dẫn người tiêu dùng, luôn xem công nghệ là giá trị cốt lõi để tăng trưởng, chủ động chuyển hướng đầu tư kinh doanh, các doanh nghiệp Việt Nam đang tích cực thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng của thị trường thế giới để vươn lên hội nhập và phát triển.