Đối đầu Nga - Mỹ và những hệ lụy nguy hiểm khó lường

(VOV5) - Giảm đối thoại, tăng đối đầu, xung đột trong hàng loạt vấn đề, từ các hoạt động cạnh tranh quân sự ở Syria, vấn đề Đông Âu và cuộc chiến trên không gian mạng, quan hệ căng thẳng Nga-Mỹ dường như chưa có điểm dừng. Sự đối đầu giữa hai cường quốc cũng đang đẩy cuộc chiến tại Syria lâm vào bế tắc. 

Đối đầu Nga - Mỹ và những hệ lụy nguy hiểm khó lường - ảnh 1
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov ngày 17/10 tuyên bố Nga sẽ có hành động đáp trả "tương xứng" nếu Mỹ quyết định áp đặt các lệnh trừng phạt mới nhằm vào Moskva: Sputnik/TTXVN


Căng thẳng không ngừng leo thang, xung đột trong nhiều vấn đề và không tìm được tiếng nói chung trong vấn đề Syria đã khiến dư luận quốc tế lo ngại về kịch bản Nga – Mỹ có thể đối đầu trực tiếp. 

Leo thang căng thẳng

Trong diễn biến mới nhất, Mỹ cho biết đang xem xét những tổn hại mà nước này phải gánh chịu từ việc tin tặc Nga tấn công vào các nhóm chính trị Mỹ. Bên cạnh đó Washington tiếp tục công khai cáo buộc điện Kremlin đứng đằng sau tác động tới cuộc bầu cử Mỹ đang vào giai đoạn nước rút. Động thái này được thể hiện mạnh mẽ hơn sau khi thỏa thuận ngừng bắn ở Syria sụp đổ. Các quan chức Mỹ còn kêu gọi Nga cần phải bị điều tra về cái gọi là "tội ác chiến tranh" gây ra ở Aleppo. Washington cũng đang cân nhắc áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga.

Về phần mình, Moscow vẫn kiên quyết phủ nhận sự can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn phóng viên chiến trường nổi tiếng của CNN Christiane Amanpour, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói rằng đó là một lời buộc tội vô căn cứ. Đáp trả lại sự gây hấn từ phương Tây, Moscow đột ngột chấm dứt một hiệp ước an ninh hạt nhân với Washington, với lý do mối đe dọa từ Mỹ ngày càng lớn dần. Ngoài ra tổ hợp tên lửa Iskandar cũng được triển khai tới gần biên giới với NATO ở châu Âu. Đại sứ Nga Sergey Kislyak tại Mỹ mới đây thừa nhận chất lượng mối quan hệ giữa Nga và Mỹ đang ở điểm thấp nhất kể từ Chiến tranh Lạnh và Washington đang thực hiện các bước không thân thiện đối với Nga buộc nước này phải thể hiện sự cứng rắn của mình.

Đẩy cuộc chiến tại Syria thêm bế tắc

Sau khi cuộc đàm phán về xung đột tại Syria giữa ngoại trưởng hai nước Nga và Mỹ hôm 15/10 không có tiến triển, ngày 17/10, Nga bất ngờ thông báo các lực lượng nước này và binh sỹ chính phủ Syria sẽ ngừng bắn trong một khoảng thời gian ngắn tại thành phố Aleppo vào ngày 20/10. Lệnh ngừng bắn này kéo dài 8 giờ, chủ yếu để tạo điều kiện cho dân thường tự do di chuyển, sơ tán người người bị bệnh, bị thương và đảm bảo cho các tay súng thánh chiến rút lui. Tuy nhiên, trái với dự đoán, quyết định đơn phương ngừng bắn của Nga không nhận được sự hoan nghênh từ Mỹ và phương Tây khi chỉ trích lệnh ngừng bắn kéo dài 8 giờ không thể coi là giải pháp và khoảng thời gian này không thể đủ cho hàng cứu trợ tới được nơi cần cứu trợ.

Trong khi đó, trên thực địa cuộc chiến tại Syria vẫn đang diễn ra ác liệt. Tính riêng trong 24 giờ qua đã có 49 vụ pháo kích xuất phát gây nhiều thương vong. Mỹ cáo buộc chính quyền Syria và Liên bang Nga đánh bom vào các vị trí của dân thường và phe đối lập có vũ trang. Đổi lại, Damascus và Moscow nhấn mạnh, họ chỉ tấn công nhằm vào các căn cứ của quân khủng bố, đồng thời cáo buộc Washington không được gây áp lực tạo điều kiện cho lực lượng đối lập ôn hòa phân định ranh giới rõ ràng với quân khủng bố.

Đối đầu Nga - Mỹ và những hệ lụy nguy hiểm khó lường - ảnh 2
Mỹ và Anh đã cảnh báo việc hai nước này cùng với các đồng minh phương Tây đang xem xét áp đặt các lệnh trừng phạt mới nhằm vào những mục tiêu kinh tế ở Syria và Nga liên quan đến cuộc khủng hoảng tại Damascus. Phát biểu trong một cuộc họp báo với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (phải) sau các cuộc hội đàm ở London, Ngoại trưởng Anh Boris Johnson (trái) cho hay hiện Anh và Mỹ đang đề xuất rất nhiều biện pháp, trong đó có cả các biện pháp trừng phạt mới đối với chính quyền Syria. Về phần mình, ông Kerry nhấn mạnh rằng Mỹ và Anh đang thảo luận về mọi cơ chế có sẵn, đang xem xét các lệnh trừng phạt bổ sung và Tổng thống Barack Obama không loại trừ bất cứ lựa chọn nào. EPA/TTXVN


Gia tăng các hoạt động quân sự


Cùng với những bất đồng sâu sắc về tiến trình hòa bình tại Syria, Nga và phương Tây cũng đang tiến hành những hoạt động gia tăng quân sự ở nước này. Trong mấy ngày qua Hải quân Nga đã liên tiếp điều động các tàu tên lửa cỡ nhỏ nhưng có sức tấn công mạnh thuộc Hạm đội Biển Đen tới gia nhập nhóm tác chiến của hạm đội này đang đồn trú ở Địa Trung Hải, giáp với bờ biển Syria. Bộ Quốc phòng Nga mới đây chính thức xác nhận một tổ hợp tên lửa phòng không S-300 đã được chuyển tới Syria, đánh dấu lần đầu tiên Nga đưa hệ thống này ra ngoài lãnh thổ. Giới quan sát nhận định việc Nga điều một tổ hợp phòng không hiện đại bậc nhất thế giới đến Syria là một thông điệp rõ ràng tới Mỹ, là lời cảnh báo đanh thép rằng Washington sẽ phải trả giá nếu có ý định can thiệp chống lại các hoạt động của Syria hay Nga. Trong khi đó, phía Mỹ cũng hơn 1 lần bóng gió về một “Kế hoạch B” trong trường hợp tiến trình hòa bình Syria lâm vào bế tắc. Trong một động thái được cho là nằm trong kế hoạch này, Arab Saudi, đồng minh thân cận của Mỹ trong khu vực Trung Đông, tuyên bố đang xem xét phương án tăng nguồn cung vũ khí cho lực lượng đối lập ôn hòa tại Aleppo, Syria.


Mối quan hệ Nga – Mỹ, theo các nhà phân tích, đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ có thể dẫn tới những tình thế thậm chí nguy hiểm. Tuy nhiên, Nga và Mỹ với tầm ảnh hưởng rộng lớn chắc chắn cần phải tôn trọng ranh giới, xứng đáng vị thế là hai cường quốc đi đầu trong việc kiến tạo hòa bình cho thế giới. 

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác