Đổi mới để nâng cao hiệu quả của Hội nghị CG

(VOV5)- Từ năm 2013, Hội nghị Nhóm các nhà tư vấn và tài trợ cho Việt Nam (Hội nghị CG) sẽ bằng một diễn đàn mới có tên gọi “Diễn đàn Quan hệ Đối tác Phát triển Việt Nam” và do Ngân hàng Thế giới cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam đồng chủ trì. Diễn đàn mới này sẽ phản ánh tốt hơn nhu cầu của Việt Nam với tư cách là một nước có một nền kinh tế thị trường ổn định, người dân có thu nhập trung bình và đồng thời cũng phản ánh thực tế phát triển của quan hệ đối tác giữa Việt Nam với cộng đồng quốc tế.

Đổi mới để nâng cao hiệu quả của Hội nghị CG - ảnh 1

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự và phát biểu tại Hội nghị

Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc ngân hàng thế giới tại Việt Nam, đồng chủ trì Hội nghị CG năm 2012, khẳng định việc thay đổi tên gọi và nội dung của Hội nghị CG là một tiến trình tất yếu. Bà Victoria Kwakwa cho biết Hội nghị CG 2012, Chính phủ và các đối tác Phát triển đã dành nhiều thời gian trao đổi về việc Hội nghị CG cho Việt Nam sẽ phát triển như thế nào trong giai đoạn mới của đất nước cũng như tình hình có nhiều thay đổi của các đối tác phát triển ở Việt Nam:“Hội nghị các nhà tài trợ cho Việt Nam lần này sẽ là hội nghị cuối cùng được tổ chức theo mô hình được thiết kế từ 20 năm trước chủ yếu để phục vụ cho diễn đàn huy động nguồn lực ODA. Điều cần thiết hiện nay là cần có một diễn đàn đối thoại mở rộng và hợp lý giữa Chính phủ và các đối tác về phát triển của Việt Nam. Hai mươi năm trước, đối tác chính là Chính phủ và các đối tác phát triển.  Hiện nay có thêm nhiều đối tác trong quá trình phát triển của Việt Nam – xã hội dân sự cả trong nước và quốc tế, cũng như khu vực tư nhân. Chúng tôi hy vọng rằng hình thức diễn đàn mới sẽ giúp bao trùm cả nhóm mở rộng này, giúp sử dụng một cách hiệu quả tham gia của các bên liên quan. Chúng tôi rất mong CG sẽ theo định hướng hành động hơn và xác định được các lĩnh vực tập trung sau đó một cách cụ thể.”

Đổi mới để nâng cao hiệu quả của Hội nghị CG - ảnh 2


Kể từ năm 1993, khi Việt Nam nối lại quan hệ với Cộng đồng các nhà tài trợ quốc tế, hội nghị CG đã đóng vai trò là một diễn đàn đối thoại chính sách hiệu quả, chia sẻ những kinh nghiệm phát triển hữu ích cho Chính phủ Việt Nam. Trải qua 20 năm, Việt Nam đã đạt được những bước tiến dài, từ một nước nghèo, chậm phát triển với tỷ lệ hộ nghèo chiếm tới 58% vào năm 1993, nay đã bước vào nước thu nhập trung bình thấp. Những thành quả đó có sự đóng góp không nhỏ của cộng đồng nhà tài trợ, không chỉ hỗ trợ về tài chính mà còn cả kinh nghiệm phát triển đã được chia sẻ thông qua các hoạt động đối thoại chính sách. Bước vào giai đoạn phát triển mới, Việt Nam tiếp tục đương đầu với nhiều thách thức mới như: sự bất ổn của tình hình kinh tế thế giới, nhiệm vụ hoàn thành các mục tiêu phát triển, trong đó có mục tiêu về giảm nghèo, an sinh xã hội và đổi mới mô hình tăng trưởng.

Đổi mới để nâng cao hiệu quả của Hội nghị CG - ảnh 3


Ông Motonori Tsuno, Trưởng Đại diện của Cơ quan hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam, cho biết trong năm tài chính tới (2013), ngoài việc tư vấn cho Việt Nam trong phát triển kinh tế, xã hội, Nhật Bản muốn tiếp tục làm nhà tài trợ lớn nhất về ODA cho Việt Nam. Theo ông Motonori Tsuno, việc thay đổi Hội nghị CG không có nghĩa là cộng đồng quốc tế, các tổ chức quốc tế không còn quan tâm đến việc phát triển của Việt Nam. Ông Motonori Tsuno khẳng định:“Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình và các nhà tư vấn, tài trợ quyết định thay đổi chiến lược về viện trợ. CG năm nay không chỉ có sự tham gia của các nhà tài trợ mà còn có sự tham dự của nhiều doanh nghiệp quốc tế muốn tham gia vào việc phát triển của Việt Nam vì Việt Nam đang trở thành nước phát triển. Trong thời gian tới theo tôi cần có sự liên kết chặt chẽ giữa các nhà tài trợ và các doanh nghiệp để cùng hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế, xã hội.”

Đổi mới để nâng cao hiệu quả của Hội nghị CG - ảnh 4


Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế hiện nay, việc duy trì và thúc đẩy hoạt động đối thoại giữa Chính phủ và các nhà tư vấn, tài trợ đã và đang được thực hiện tại Hội nghị CG càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết, bên cạnh đó cũng cần có những điều chỉnh để Hội nghị mang lại hiệu quả thiết thực hơn. Những năm vừa qua, Hội nghị CG được tổ chức 2 lần trong năm, tuy nhiên từ năm 2013, Hội nghị được tổ chức mỗi năm một lần vào cuối năm, không tổ chức Hội nghị giữa kỳ. Kết thúc Hội nghị sẽ lựa chọn một số hành động chính sách trên cơ sở kết quả thảo luận tại Hội nghị, giao các cơ quan, đối tác liên quan phối hợp hoặc thành lập các nhóm công tác để cùng triển khai thực hiện, báo cáo kết quả tại Hội nghị kế tiếp. Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết:“Thay đổi nội dụng, hình thức Hội nghị CG không hẳn là do Việt Nam đã là nước thu nhập trung bình, mà các nhà tư vấn, các nhà tài trợ sẽ dành một số nguồn vốn vay ưu đãi khác cho các nước nghèo, chậm phát triển khác. Trong khi sẽ dành các nguồn vốn vay thương mại cho Việt Nam sẽ cao lên…Các nước tài trợ có nguyên tắc khi tài trợ mà Việt Nam đã vượt qua mức kém phát triển rồi thì họ sẽ dành cho các nước khác nhưng sẽ luôn tư vấn về chính sách, đường lối phát triển cho Việt Nam".

Dự kiến, “Diễn đàn Quan hệ Đối tác Phát triển Việt Nam 2013” sẽ diễn ra từ 1 đến 2 ngày tùy thuộc vào nội dung chương trình. Diễn đàn sẽ bao gồm hai phiên: Phiên thảo luận kỹ thuật sẽ bàn sâu về các vấn đề quan tâm, đồng thời đề xuất các vấn đề sẽ tập trung tại phiên thảo luận chính thức; Phiên chính thức được tổ chức sau đó nhằm nghe kết quả của phiên kỹ thuật, tập trung các vấn đề cần thảo luận, khuyến nghị và đề cập các cam kết của đối tác. Những thay đổi của Hội nghị CG hướng tới việc các nhà tài trợ và Việt Nam có những hoạt động hiệu quả, thiết thực, thống nhất mục tiêu thảo luận vì sự phát triển của Việt Nam./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác