(VOV5) - Việt Nam đã và đang phát huy tốt các cơ chế đa phương để bảo vệ các quyền và lợi ích của mình cũng như tham gia giải quyết những thách thức chung của cộng đồng quốc tế.
Phát huy những thành tựu đối ngoại Việt Nam năm 2018, năm 2019, Việt Nam tiếp tục tích cực tham gia các hoạt động đối ngoại quốc tế, đặc biệt là trên các cơ chế hợp tác đa phương, các diễn đàn toàn cầu. Việt Nam ngày càng tự tin, vững vàng khẳng định vị thế của mình với tư cách một thành viên đầy trách nhiệm và có uy tín của cộng đồng quốc tế.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (thứ 5 từ phải sang), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (thứ 4 từ phải sang), Chủ tịch sáng lập WEF Klaus Schwab (thứ ba, từ phải sang) và các trưởng đoàn tham dự hội nghị chụp ảnh chung. (TTXVN)
|
Thời gian qua, đặc biệt năm 2018, bối cảnh khu vực và quốc tế nhiều diễn biến nhanh, phức tạp, Việt Nam đã và đang phát huy tốt các cơ chế đa phương để bảo vệ các quyền và lợi ích của mình cũng như tham gia giải quyết những thách thức chung của cộng đồng quốc tế.
Tâm thế và tầm vóc mới
Năm qua chứng kiến các hoạt động đối ngoại đa phương Việt Nam được mở rộng và đi vào chiều sâu ở tất cả các kênh. Với tầm vóc mới mà đối ngoại đa phương Việt Nam đạt được, Việt Nam đã được bạn bè quốc tế tín nhiệm, đăng cai nhiều hội nghị quan trọng có tầm cỡ khu vực và toàn cầu, nổi bật nhất là Diễn đàn kinh tế thế giới về ASEAN tổ chức tại Việt Nam. Thành công và dấu ấn của Việt Nam tại Diễn đàn này đã được Chủ tịch WEF, ông Borge Brende khẳng định: Trong 27 năm tổ chức diễn đàn WEF khu vực ASEAN và Đông Á, đây là diễn đàn thành công nhất. Việt Nam đã đi qua một chặng đường phát triển ấn tượng và Hội nghị lần này thu hút sự tham dự đông đảo của lãnh đạo các nước, các doanh nghiệp hàng đầu. Chúng tôi rất hài lòng và đánh giá cao vai trò của Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị lần này.
WEF-ASEAN 2018 thành công đã để lại một dấu ấn Việt Nam mới rõ nét trong lòng bạn bè quốc tế, thêm một lần nữa khẳng định vai trò tiên phong của Việt Nam trong khối ASEAN, là thành viên tích cực trong việc gắn kết ASEAN với các đối tác bên ngoài. Bà Victoria Kwakwa, Phó Chủ tịch Ngân hàng thế giới khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, cho rằng: Việt Nam là một thành viên lớn và quan trọng của ASEAN. Việt Nam cũng rất sáng tạo và có tinh thần doanh nghiệp với sự phát triển mạnh của cộng đồng khởi nghiệp. Việt Nam có nhiều nhân tài trong lĩnh vực khoa học công nghệ, do đó tôi cho rằng Việt Nam sẽ còn đóng góp rất lớn cho cộng đồng ASEAN.
Quang cảnh hội thảo quốc tế “Việt Nam và Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc: Ứng cử và tham gia nhiệm kỳ 2020-2021.” (TTXVN)
|
Sự coi trọng của các nước đối với vai trò, vị thế ngày càng cao của Việt Nam trên trường quốc tế còn thể hiện ở việc Việt Nam tín nhiệm được bầu vào thành viên Ủy ban luật pháp quốc tế Liên hợp quốc, khách mời của Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7)…
Vững tin hội nhập
Sự chủ động và “tầm vóc” của Việt Nam trong hội nhập quốc tế, tham gia kiến tạo và định hình các thể chế khu vực và toàn cầu…, tất cả điều này là hành trang để Việt Nam tự tin đảm nhận những trọng trách lớn của quốc tế trong thời gian tới, trong đó có việc ứng cử vào vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 – 2021. Sau 10 năm, với sự đóng góp của Việt Nam nhiệm kỳ 2008-2009 tại HĐBA cũng như vai trò vị thế Việt Nam hiện nay, Việt Nam hy vọng các nước sẽ đặt tin tưởng cao hơn vào Việt Nam, có thể đóng góp nhiều hơn trong tổ chức này. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho rằng: Đây là cơ hội của chúng ta đồng thời là thách thức, đáp ứng kỳ vọng của các nước. Giai đoạn trước đã tham gia và giai đoạn này phải tham gia chủ động tích cực hơn. Điều đó có nghĩa chúng ta không chỉ quan tâm tới vấn đề của chúng ta, của khu vực mình mà còn tham gia có trách nhiệm vào các vấn đề toàn cầu, nhất là đối với vấn đề an ninh, hòa bình, chiến tranh ở các nước trên thế giới.
Cùng với việc ứng cử Hội đồng bảo an LHQ lần 2, Việt Nam cũng tham gia tích cực vào lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc thông qua cử bệnh viện dã chiến cấp 2 ở Nam Sudan. Điều này thể hiện Việt Nam mong muốn đóng góp xây dựng hòa bình ở trên thế giới. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh: Qua trao đổi, các nước rất kỳ vọng vào sự tham gia của Việt Nam. Bởi vì với các khu vực có xung đột và các vấn đề xảy ra thì chính nước đó nói rằng hình ảnh bộ đội Việt Nam, có lịch sử hào hùng luôn đấu tranh bảo vệ đất nước thì hình ảnh người lính mũ sao vàng Việt Nam là hình ảnh tạo niềm tin cho họ. Hiện nay các hoạt động của chúng ta được đánh giá rất cao.
Năm 2010, Việt Nam cũng đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Với những dấu ấn thành công rõ nét trên trường quốc tế thời gian qua, Việt Nam có thể tự hào sẽ vững tin bước tiếp trong hành trình hội nhập và phát triển cùng cộng đồng quốc tế, khẳng định được tầm vóc và vị thế của mình trên bàn cờ chiến lược toàn cầu.