(VOV5) -Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ngày 17/5 trực tiếp đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nhằm triển khai hiệu quả Nghị quyết số 35 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Chủ đề của hội nghị lần này là “Đồng hành cùng doanh nghiệp” thể hiện quyết tâm của Chính phủ là Chính phủ kiến tạo, Chính phủ hành động… trong việc hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, thực sự là động lực phát triển của đất nước.
Đây là lần thứ hai, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đối thoại với doanh nghiệp. Hội nghị lần thứ nhất diễn ra cách đây đúng 1 năm tại thành phố Hồ Chí Minh. Khoảng 2.000 đại biểu trực tiếp tham gia đối thoại, cùng với khoảng 10.000 đại biểu tại 63 đầu cầu trực tuyến trong cả nước, bao gồm đại biểu từ khối doanh nghiệp dân doanh, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp đã cổ phần hóa, một số sứ quán và các định chế tài chính lớn, các cơ quan nhà nước...
Thủ tướng gặp gỡ doanh nghiệp bên lề hội nghị. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp
Ngay sau cuộc gặp doanh nghiệp năm 2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết 35/CP 2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp. Tiếp đó, các bộ, ngành, địa phương đã bãi bỏ hàng nghìn thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, giấy phép con bất hợp lý cản trở hoạt động của các doanh nghiệp. Đây là thực tế đáng mừng, thể hiện sự đổi mới mạnh mẽ của Chính phủ trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Ông Đặng Thế Lưỡng, Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp Quận Hải An, Thành phố Hải Phòng, cho biết: “Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng lấy 10 hàng tháng gặp và đối thoại với doanh nghiệp. Qua đó, nhiều việc được giải quyết kịp thời, đây là việc làm rất đúng lúc và kịp thời theo tinh thần của Nghị quyết 35. Đây là làn gió mới mà các doanh nghiệp rất tin tưởng, bởi Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố tuyên bố tất cả các ý kiến của doanh nghiệp sẽ được giải quyết đến cùng, tháng này chưa giải quyết xong thì tháng sau hoặc tháng sau nữa phải giải quyết xong mới thôi. Những việc liên quan đến cấp trên, trên Bộ thì Bộ giải quyết, còn những việc nằm ở thẩm quyền của thành phố thì thành phố sẽ giải quyết”.
Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Kế hoạch đầu tư Việt Nam, cho biết những nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, giảm chi phí và khuyến khích khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh của các địa phương theo tinh thần Nghị quyết 35, góp phần quan trọng trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam. Riêng năm 2016 đã có hơn 110.000 doanh nghiệp thành lập, tăng hơn 16% so với năm 2015, đạt mức kỷ lục từ trước đến nay. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), năm 2016 Việt Nam đã tăng 9 bậc (từ vị trí 91 lên 82) về chỉ số môi trường kinh doanh. Các tổ chức như Eurocham, Amcham, Jetro đều đưa ra góc nhìn tích cực về môi trường kinh doanh của Việt Nam.
Đồng hành, hỗ trợ để doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ
Trước thềm Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp năm 2017, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã nhận được 200 kiến nghị của doanh nghiệp và chuyển cho các bộ ngành, địa phương xem xét giải quyết. Cơ quan này đề xuất với Thủ tướng 5 nhóm giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, đánh giá: “Thủ tướng phải nghe bằng hai tai cả bên chính quyền và doanh nghiệp để đưa ra những quyết định đúng đắn. Tinh thần chung là Thủ tướng rất quyết liệt. Qua phản ánh của các doanh nghiệp có nhiều Bộ, ngành, địa phương chưa thực sự chuyển tải được yêu cầu của Nghị quyết 35 này. Do đó, thách thức lớn nhất của Thủ tướng của Chính phủ là làm thế nào chuyển được quyết tâm cải cách, thông điệp cải cách của Chính phủ thành hành vi hàng ngày của đội ngũ cán bộ công chức ở các cấp chính quyền cơ sở”.
Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2020 có trên 1 triệu doanh nghiệp. Nhưng số liệu cho thấy số doanh nghiệp giải thể và ngừng kinh doanh trong quý 1/2017 tiếp tục duy trì ở mức cao. Như vậy, môi trường kinh doanh của Việt Nam vẫn còn nhiều bất ổn. Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp năm 2017, diễn ra ngay sau khi Hội nghị lần thứ 5, Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam khóa XII, ra Nghị quyết thúc đẩy sự phát triển của kinh tế tư nhân, cho thấy nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc đồng hành cùng doanh nghiệp, hỗ trợ để cộng đồng doanh nghiệp trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.