(VOV5)- Hầu hết các đoàn tham dự đều lên tiếng bày tỏ quan ngại trước các động thái của Trung Quốc ở Biển Đông có thể làm mất an ninh của khu vực này.
Đối thoại Shangri-la năm 2015, diễn đàn an ninh có tầm quan trọng hàng đầu khu vực, vừa kết thúc sau 3 ngày diễn ra tại Singapore. Đối thoại Shangri-la 2015 đã đưa ra thông điệp chung của đại diện các nước tham dự diễn đàn, theo đó xây dựng lòng tin và sự minh bạch là điều kiện tiên quyết để gìn giữ một môi trường hòa bình, ổn định cho hợp tác và phát triển, trong bối cảnh an ninh khu vực thời gian gần đây có nhiều căng thẳng.
Đối thoại Shangri-la ra đời 14 năm trước với ý kiến tư vấn của cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu và đến nay, Đối thoại Shangri-La đã trở thành một diễn đàn an ninh có tầm quan trọng đặc biệt trong khu vực. Châu Á đang ngày càng trở thành một khu vực phát triển nhanh nhất trên toàn cầu cả về thương mại, tài chính và quốc phòng. Cùng với đó, khu vực này cũng đang đứng trước những thách thức an ninh không nhỏ, trong đó có vấn đề tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông giữa Trung Quốc và một số nước trong khu vực. Nổi bật nhất thời gian gần đây là hoạt động xây đảo nhân tạo trên khu vực tranh chấp và dấu hiệu quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc khiến cộng đồng quốc tế thực sự lo ngại. Vì vậy, Đối thoại Shangri-la năm nay thu hút số lượng đại biểu tăng đáng kể so với những kỳ Đối thoại trước khi có tới gần 500 người đến từ 38 quốc gia và tổ chức quốc tế, trong đó có nhiều đại biểu đại diện cấp cao quốc phòng tham dự. Không chỉ đại biểu đến từ Châu Á mà Shangri-la trở thành mối quan tâm của đại biểu các châu lục.
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long phát biểu khai mạc Đối thoại Shangri-La (Ảnh: CNA)
Những tiếng nói đồng thuận về Biển Đông
Trong các phát biểu chính thức hay tại các cuộc gặp bên lề, thông điệp chung của đại diện các nước tham dự diễn đàn đưa ra đều nhấn mạnh tầm quan trọng của tự do hàng hải và hàng không trong khu vực, kêu gọi các bên kiềm chế, không sử dụng vũ lực, tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS) là điều kiện tiên quyết để giải quyết các tranh chấp. Đại diện quốc phòng đến từ nhiều nước nhất trí cho rằng để hợp tác thành công cần dựa trên bốn trụ cột chính là lòng tin, sự minh bạch, cấu trúc an ninh và các bên cùng có lợi bất kể đó là nước nhỏ hay nước lớn.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ A.Carter cho rằng chủ quyền trên khu vực Biển Đông không thể được giải quyết bằng quân sự, mà cần một giải pháp ngoại giao, trong đó ASEAN đi đầu vì vai trò trung tâm của khối đối với cấu trúc an ninh khu vực. Cùng quan điểm, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani cảnh báo rằng các hoạt động cải tạo đất trên khu vực Biển Đông có thể đẩy khu vực vào tình trạng hỗn loạn, đồng thời thúc giục các nước, trong đó có Trung Quốc, cần hành xử có trách nhiệm. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein thúc giục các bên tuân thủ luật pháp trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ.
Cũng có quan điểm tương tự về vấn đề xung đột trong khu vực, Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen đã kêu gọi các bên kiềm chế trong việc giải quyết tranh chấp trên Biển Đông. Trong phát biểu khai mạc Đối thoại Shangri-la, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long một lần nữa nêu mối quan tâm chung, yêu cầu Trung Quốc và các nước thành viên ASEAN đi đến Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) sớm nhất có thể. Biển Đông cũng nhận được sự quan tâm lớn từ Liên minh Châu Âu. Trong tuyên bố chung đưa ra tại Hội nghị cấp cao Nhật Bản - Liên minh châu Âu trong khuôn khổ Đối thoại, hai bên khẳng định tiếp tục theo dõi sát tình hình tại Biển Đông và quan ngại trước bất kỳ hành động đơn phương nào làm thay đổi hiện trạng và làm gia tăng căng thẳng. Nhật Bản còn đưa ra đề xuất "Sáng kiến Đối thoại Shangri-La” để tăng cường an ninh hàng hải trong khu vực, trong đó có việc giám sát không phận Biển Đông 24/24 do các thành viên của ASEAN đảm nhiệm.
Tại Đối thoại lần này, trước những quan ngại của cộng đồng quốc tế, Phó Tổng Tham mưu trưởng quân giải phóng nhân dân Trung Quốc Tôn Kiến Quốc nhấn mạnh Trung Quốc theo đuổi chính sách nhất quán là một cường quốc có trách nhiệm, tuân thủ các nguyên tắc quốc tế. Các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc cần phải được tuân thủ và là cách duy nhất để phát triển hòa bình. Ông Tôn Kiến Quốc cũng khẳng định Bắc Kinh sẽ có trách nhiệm gánh vác cùng các nước trên nguyên tắc coi Liên hợp quốc là trung tâm để bảo đảm hòa bình, đồng thời các nước cần thúc đẩy lòng tin, tìm ra điểm chung để giải quyết những khác biệt.
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh hội đàm với Phó Tổng Tham mưu trưởng quân giải phóng nhân dân Trung Quốc Tôn Kiến Quốc. Ảnh: Việt Hải-Lê Hải-Mỹ Bình/Vietnam+
Việt Nam đóng góp tích cực tại Đối thoại Shangri-la
Tham dự Đối thoại Shangri-La với tư cách là quốc gia có lợi ích, chủ quyền liên quan trên Biển Đông, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam đã gặp gỡ, đối thoại với đại diện các quốc gia liên quan về nhiều vấn đề, trong đó có Biển Đông. Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh cho rằng, Biển Đông thực sự đã trở thành vấn đề lớn của khu vực. Vì thế, nhiều ý kiến phát biểu tại diễn đàn đã đưa ra giải pháp theo xu hướng chung là tìm ra những cách thức ứng xử, nhằm bảo đảm không có tính toán sai lầm, không có hành vi vi phạm luật pháp quốc tế, đặc biệt không để xảy ra xung đột. Xu hướng chung của thế giới và khu vực giống như quan điểm cơ bản của Việt Nam. Đó là giải quyết mọi tranh chấp, khác biệt bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau.
Thông qua Diễn đàn Đối thoại Shangri-la lần thứ 14, Việt Nam cũng như mọi thành viên của cộng đồng quốc tế đều chia sẻ trách nhiệm trong việc đóng góp vào việc gìn giữ, xây dựng Biển Đông là vùng biển hòa bình, tự do và thịnh vượng./.