(VOV5) - Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn xây dựng hướng dẫn tạm thời để "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19".
Trong quá trình phòng, chống dịch Covid - 19 thời gian qua, Chính phủ Việt Nam luôn dựa trên tình hình thực tế để đưa ra những điều chỉnh phù hợp, kịp thời. Mới đây, khi xác định chuyển từ mục tiêu “không có Covid” sang thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương khẩn trương xây dựng kịch bản để vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa khôi phục phát triển kinh tế, trong đó có việc tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp.
Thủ tướng gửi lời cảm ơn cộng đồng doanh nghiệp trong suốt gần 2 năm vừa qua đã đồng hành cùng Đảng, Nhà nước, nhân dân phòng, chống dịch và phát triển kinh tế-xã hội. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Sau một thời gian phòng chống dịch với sự thay đổi chiến lược, Việt Nam đang từng bước kiểm soát được dịch bệnh, đặc biệt tại những nơi tâm dịch như TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An… Đây là thời điểm để bàn tới những quyết sách nhằm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả với dịch bệnh; để vừa chống dịch hiệu quả, thành công, vừa sớm khôi phục và phát triển kinh tế.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu tại Hội nghị trực tuyến với cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương về các giải pháp tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Chính phủ đồng hành với doanh nghiệp
Tình hình dịch bệnh đang thay đổi với những tín hiệu khả quan hơn, do đó việc Việt Nam có cách làm mới về chống dịch, khôi phục kinh tế là cần thiết. Chủ trương bảo vệ, hỗ trợ duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh an toàn của doanh nghiệp trong điều kiện sống chung với dịch là yếu tố nhắc đến trước tiên trong khôi phục kinh tế.
Tại buổi đối thoại trực tuyến giữa Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp hôm cuối tuần qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định với phương châm doanh nghiệp, doanh nhân vừa là trung tâm, vừa là chủ thể, Chính phủ đã đẩy mạnh phân cấp, phân quyền tối đa để chính quyền gần dân, gần doanh nghiệp hơn để doanh nghiệp đến với chính quyền nhanh hơn: “Các bộ, các ngành, các địa phương chủ động tích cực để xử lý các vấn đề cho doanh nghiệp trên tinh thần các nguyên tắc chung, trên tinh thần luật pháp đã được quy định, phải linh hoạt tổ chức thực hiện sao cho có hiệu quả, phù hợp với tình hình cụ thể, lấy ý kiến đóng góp của doanh nghiệp, trên cơ sở để một chính sách đưa ra nó phù hợp và được sự đồng tình hưởng ứng của doanh nghiệp thì nó sẽ hiệu quả hơn. Tập trung cải cách hành chính, các bộ, các ngành phải lắng nghe, phải tiếp thu, cái gì chưa đúng, chưa phải thì phải có giải thích”
Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn xây dựng hướng dẫn tạm thời để "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19". Về phía địa phương, nhiều địa phương cũng chủ động có chiến lược chống dịch, khẩn trương xây dựng kịch bản "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19". Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy cho biết về kịch bản bình thường mới của tỉnh trong thời gian tới: “Chúng tôi có giải pháp rất cụ thể. Thứ nhất quyết liệt triển khai thi công các dự án trọng điểm, và tạo mọi điều kiệm thuận lợi nhấy để triển khai cụ thể cuối tháng 10 khởi công dự án Hạ Long Xanh, sân golf ở Đông Triều, dự án cảng Vạn Ninh, bên cạnh đó kiên quyết đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và đặt ra mục tiêu đến 30/9 các dự án này phải giải ngân được trên 80%”.
Kinh tế ổn định tạo động lực phát triển đất nước
Trong buổi đối thoại trực tuyến giữa Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp hôm cuối tuần qua, đại diện các doanh nghiệp đánh giá cao sự quan tâm, đồng hành và những chỉ đạo, giải pháp, chính sách mà Chính phủ đã triển khai. Không kể những cuộc làm việc với một số doanh nghiệp đặc thù, từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát đến nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã 5 lần tổ chức gặp mặt, làm việc với các doanh nghiệp trong và ngoài nước, để lắng nghe, chia sẻ và tháo khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp: “Chúng tôi mong cộng đồng doanh nghiệp thực sự là trung tâm là chủ thể trong phòng chống dịch và phát triển kinh tế xã hội, đầu tư để nâng cao tăng năng suất lao động, các yếu tố tổng hợp phục vụ chuyển đổi số. Rất mong cộng đồng doanh nghiệp cố gắng đóng góp cùng với Chính phủ, tăng cường đầu tư theo phương thức hợp tác công tư, nhất là về hạ tầng chiến lược, góp ý thẳng thắn để giảm các thủ tục hành chính để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển ngành công nghiệp dược để chúng ta chủ động ứng phó với mọi tình huống”.
Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp xây dựng kế hoạch phục hồi sản xuất kinh doanh để chủ động, sẵn sàng chuyển sang trạng thái hoạt động mới, tái cấu trúc lại để phù hợp với tình hình. Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ và Quốc hội cố gắng đồng hành cùng doanh nghiệp một cách thực sự, trên tinh thần “nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật, nhân dân và doanh nghiệp được thụ hưởng thật”, “không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm” khi giải quyết các kiến nghị, khó khăn. sớm khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội.
Việt Nam đã có 2 năm đồng lòng chống dịch và giờ đây, là lúc cần phải đồng hành để khôi phục kinh tế như Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định trong cuộc đối thoại: “Tình hình càng khó khăn, phức tạp, càng phải đoàn kết, lấy khó khăn, thách thức làm động lực vươn lên, khẳng định mình, đưa đất nước phát triển”.