(VOV5) - Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được thông qua sẽ góp phần rất quan trọng giải phóng nguồn lực từ đất đai, bảo đảm hài hòa lợi ích của nhà nước, nhân dân, nhà đầu tư.
Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đang diễn ra tại Hà Nội, Dự thảo Luật đất đai sửa đổi, cùng với 8 dự luật khác, đang được xem xét thông qua với nhiều điểm mới. Việc sửa đổi luật cho thấy sự quyết tâm mạnh mẽ của Việt Nam đổi mới chính sách đất đai, đáp ứng nhu cầu thực tiễn đặt ra.
Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đang diễn ra tại Hà Nội, Dự thảo Luật đất đai sửa đổi, cùng với 8 dự luật khác, đang được xem xét thông qua với nhiều điểm mới - Ảnh: Quochoi.vn |
Sau 10 năm thi hành, Luật Đất đai 2013 đã mang lại những hiệu quả tích cực trong quản lý và sử dụng đất đai. Tuy nhiên, trước sự phát triển vượt bậc của nền kinh tế hội nhập, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) xây dựng các quy định cụ thể và minh bạch hơn, với hàng loạt những điểm mới, như: Quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; Cơ chế xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường; Cơ chế, chính sách tài chính về đất đai; Cơ chế, chính sách về quản lý, sử dụng đất nông nghiệp; Cơ chế quản lý đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số nói chung…
Tạo sự đồng thuận xã hội
Trước khi trình lên Quốc hội thông qua tại kỳ họp lần này, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã được thảo luận tại Quốc hội và lấy ý kiến của đông đảo tầng lớp nhân dân. Đặc biệt, Dự thảo Luật đã cụ thể hóa Nghị quyết 18 của Ban chấp hành TƯ Đảng Cộng sản Việt Nam khóa 13 về “tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao”.
Một trong những điểm mới là Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định rõ chính sách bảo đảm đất sinh hoạt cộng đồng cho đồng bào dân tộc thiểu số và chính sách giao đất, cho thuê đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số, nghiêm cấm các hành vi chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Lê Minh Ngân, khẳng định: "Dự thảo Luật nghiêm cấm hành vi tổ chức, cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất đối với quỹ đất xác định là quỹ đất phục vụ cho chính sách đồng bào dân tộc thiểu số, mà giao không đúng đối tượng. Thứ hai, nghiêm cấm người có đất được Nhà nước thực hiện chính sách đất đai cho đồng bào dân tộc, đã được giao đất cho thuê đất lần thứ hai rồi, mà vẫn tiếp tục chuyển nhượng. Thứ ba, nghiêm cấm các đối tượng không phải là người đồng bào dân tộc, không phải là đối tượng nhận chuyển nhượng đối với quỹ đất này mà lại nhận chuyển nhượng".
Việc sửa đổi Luật Đất đai có sự tham gia của cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân đã tạo sự đồng thuận xã hội về một lĩnh vực có tác động sâu rộng đến mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội, liên quan trực tiếp đến người dân. Hơn 12 triệu lượt ý kiến góp ý vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) thể hiện sự quan tâm sâu sắc, tâm huyết và trách nhiệm. Qua đó, nhiều nội dung trong dự án luật đã được tiếp thu, chỉnh sửa phù hợp với nhu cầu thực tiễn.
Quyết tâm đổi mới mạnh mẽ của Việt Nam về chính sách đất đai
Một điểm mới nổi bật nữa của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) thông qua tại Kỳ họp quốc hội lần này là việc định giá lại khung giá đất sát với thị trường. Chủ trương này được thể chế hóa trong Luật Đất đai (sửa đổi), thể hiện sự quyết tâm đổi mới mạnh mẽ của Việt Nam về chính sách đất đai, từ đó giúp tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc hiện còn tồn tại, như: tình trạng khiếu nại, tố cáo, kiện tụng kéo dài liên quan đến đất đai. PGS.TS Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, nhận định: "Đột phá nhất của Nghị quyết 18 đã đạt được và đưa vào Dự thảo luật đất đai (sửa đổi), đó là xóa bỏ cơ chế quản lý kinh tế bằng các biện pháp hành chính, điển hình là việc áp dụng khung giá đất và quy định bảng giá đất phải sát với giá trị thị trường. Sử dụng các công cụ thị trường như công cụ thuế để điều tiết các hành vi đầu cơ, điều tiết các giá trị gia tăng mà không phải do người sử dụng đất mang lại".
PGS.TS Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, phát biểu tại phiên họp - Ảnh: Quochoi.vn |
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định rõ chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của cơ quan có nhiệm vụ xác định giá đất. Bổ sung, hoàn thiện các quy định bảo đảm công khai, minh bạch, như: công khai giá đất, bắt buộc giao dịch qua các sàn giao dịch, thanh toán qua ngân hàng, không dùng tiền mặt. Việc bỏ khung giá đất cũng giúp mức đền bù đất bị thu hồi sát với giá thị trường, qua đó đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và tiến độ các dự án.
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cũng quy định cụ thể hơn về thẩm quyền, mục đích, phạm vi thu hồi đất, điều kiện, tiêu chí cụ thể việc Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Cùng với đó, Dự thảo Luật hoàn thiện cơ chế, chính sách tài chính về đất đai, có chính sách ưu đãi thuế, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phù hợp với lĩnh vực, địa bàn ưu đãi đầu tư; hộ nghèo; Tạo điều kiện thuận lợi để người sử dụng đất nông nghiệp được chuyển đổi mục đích sản xuất cây trồng, vật nuôi; Đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số trong lĩnh vực quản lý và sử dụng đất; bảo đảm quản lý, vận hành, kết nối và chia sẻ thông tin tập trung, thống nhất từ Trung ương đến địa phương.
Đất đai là nguồn lực quan trọng để phát triển đất nước, liên quan trực tiếp đến mọi hoạt động kinh tế-xã hội của đất nước, nhu cầu của người dân. Do đó, các chính sách được ban hành phải phù hợp với điều kiện thực tế, bám sát nhu cầu của mọi tầng lớp nhân dân. Có như vậy, chính sách ấy mới thực sự đi vào cuộc sống. Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được thông qua sẽ góp phần rất quan trọng giải phóng nguồn lực từ đất đai, bảo đảm hài hòa lợi ích của nhà nước, nhân dân, nhà đầu tư.